Bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng bứt phá

08/04/2019 08:22 AM | Bất động sản

Bất động sản (BĐS) du lịch là kênh đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao nếu chủ đầu tư lựa chọn đúng địa bàn đầu tư cũng như tạo ra những loại hình phù hợp với thế hệ khách du lịch mới, đặc biệt trong thời kì công nghiệp 4.0.

Đó là một trong số những nhận định của các chuyên gia trong ngành tại diễn đàn “BĐS du lịch 2019: Triển vọng thị trường & thách thức nguồn nhân lực” do Tạp chí điện tử The Leader tổ chức sáng 6/4/2019

Theo các chuyên gia, bên cạnh những lợi thế về tiềm năng du lịch tác động trực tiếp đến loại hình BĐS nghỉ dưỡng thì thị trường này còn đối diện với loạt bài toán về nguồn nhân lực, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống cũng như chính sách của nhà nước. Thực trạng, thách thức và giải pháp cho thị trường BĐS du lịch Việt Nam được các chuyên gia dưới đây thể hiện rõ quan điểm.

 Bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng bứt phá  - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, ngoài những lợi thế, BĐS du lịch Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Thiếu hụt cả chất và lượng nguồn nhân lực được đào tào bài bản”

Theo ông Nam, hiện nay rất nhiều chủ đầu tư đổ bộ vào lĩnh vực BĐS du lịch, với các dự án quy mô. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp lớn, tài chính mạnh và bộ máy chuyên nghiệp.

Với lợi thế lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng, đạt 15,5 triệu lượt khách và 80 triệu lượt khách nội địa vào năm 2018. Trong đó, đa số cư trú từ 3-5 ngày. “Khiêm tốn mà nói, hiện Việt Nam thiếu hàng chục ngàn khách sạn cao cấp 1-5 sao để phục vụ cho đối tượng khách du lịch này”, ông Nam nhấn mạnh.

 Bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng bứt phá  - Ảnh 2.

Theo ông Nam, thách thức đối với lĩnh vực BĐS du lịch hiện nay là thiếu phòng và thiếu đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, chất lượng. Thường 1 phòng khách sạn hiện nay có 1,5-2 nhân sự, nói đúng ra là thiếu cả về số lượng nhân sự và chất lượng đào tạo.

Về giải pháp, ông Nam cho rằng các doanh nghiệp nên liên doanh liên kết với bộ phận nhân sự cấp cao, từng bước đào tạo trung, dài hạn của nhà nước với đào tạo ngắn hạn của doanh nghiệp. “Bên cạnh các lớp học đào tạo của Tổng cục du lịch thì doanh nghiệp và các hiệp hội nên tự đứng ra tổ chức trường lớp nhân sự chuẩn bị cho thị trường BĐS du lịch”, ông Nam cho hay.

Ông Nam đưa ví dụ, nhiều chủ đầu tư lớn chỉ chú trọng vào tiến độ xây dựng dự án nhưng “bỏ quên” khâu tổ chức đào tạo đội ngũ nhân sự. Có những dự án nghỉ dưỡng xây rất nhanh, khi nhân viên vào làm thì loạn hết lên, không theo được vì không bắt kịp quy trình vận hành.

Ông Kai Marcus Schroter, CEO Hospitality Tourism Management: “Chưa cân bằng giữa lợi ích đầu tư tư nhân với lợi ích của công chúng”

Chia sẻ về quan điểm, liệu Việt Nam có trở thành nơi hấp dẫn về BĐS nghỉ dưỡng hay không, ông Kai cho rằng, Việt Nam được thừa hưởng lợi thế về địa danh đẹp, lượt khách đi du lịch và đơn vị phát triển dự án ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước cũng mở hơn trước rất nhiều, có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sân bay. Nhà đầu tư bắt đầu tìm đến thị trường BĐS du lịch Việt Nam như một nơi tiềm năng để đầu tư sinh lợi.

Tuy nhiên, theo ông Kai, khó khăn của ngành du lịch nói chung, BĐS du lịch nói riêng là Việt Nam chưa đẩy mạnh được hoạt động marketing thương hiệu.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể còn chưa phù hợp là rào cản lớn trong việc kêu gọi đầu tư. Tiêu chuẩn về xây dựng chưa đầy đủ, thiếu tính khác biệt và độc đáo. “Thường các dự án BĐS du lịch của Việt Nam nhìn bản đồ rất đẹp nhưng lại không đảm bảo được các điều kiện cơ bản cho khách hàng trải nghiệm. Cho nên, 90% các dự án được tỉnh kêu gọi đầu tư đều không khả thi. Quy hoạch tổng thể dự án thường cô lập với các nội dung khác liên quan đến yếu tố khách hàng”, ông Kai bày tỏ quan điểm.

Đặc biệt, theo vị Giám đốc khách sạn này, cái thiếu lớn nhất của BĐS du lịch Việt Nam là giải quyết vấn đề hạ tầng công và vấn đề bảo vệ môi trường sống. “Tôi lấy ví dụ, với Phú Quốc, có rất nhiều dự án đẹp nhưng chủ đầu tư lại quên đi câu chuyện môi trường sống, rất nhiều nơi ở khu du lịch có rác thải không được xử lý. Tôi nghĩ, nhà nước nên cân bằng giữa lợi ích đầu tư tư nhân với lợi ích của công chúng”, ông Kai nhấn mạnh.

Theo ông Kai, ở Việt Nam cần có hệ thống chia sẻ chi phí đầu tư hạ tầng công với các NĐT tư nhân. Khi được cấp phép triển khai dự án, các NĐT phải có hệ thống xử lý chất thải, chia sẻ gánh nặng với chính phủ về đầu tư hạ tầng công. Có như vậy mới thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ được môi trường sống.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch: “Đa dạng nhu cầu để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau”

Theo ông Siêu, ngành du lịch đóng góp 8% GDP, tổng nguồn thu tăng liên tục, đạt 620.000 tỉ đồng trong năm 2018. Sự tăng trưởng của ngành du lịch vượt xa dự báo. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành BĐS du lịch Việt Nam.

Ông Siêu cho rằng, đầu tư vào BĐS du lịch là tạo ra không gian gắn liền với ẩm thực, di sản văn hóa phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau ở nhiều quốc gia. Do đó, họ ở lại lâu hay ngắn với dự án của mình không phải là ở quy mô dự án mà là ở cái dịch vụ chúng ta đem đến cho họ.

Hiện nay, thế hệ khách du lịch mới có nhiều kinh nghiệm hơn, khó tính hơn và đặc biệt nhu cầu cá nhân hóa hơn. Cho nên, sự đang dạng về nhu cầu trong câu chuyện dịch vụ của BĐS du lịch cũng đặt ra cấp thiết hơn.

Do đó, khách du lịch hiện nay không chỉ đến biển, họ còn muốn đến nhiều nơi, những địa điểm còn hoang sơ, địa hình độc đáo…NĐT BĐS phải tính toán được câu chuyện nay. Phải trên thực tế nhu cầu của khách hàng mà tạo ra những mô hình khác biệt, nhiều ý tưởng sáng tạo và đa dạng trong văn hóa, môi trường du lịch… “Có giữ chân được khách du lịch hay không là nhờ vào dịch vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Và có phát triển được du lịch bền vững hay không là nhờ vào sự khác biệt văn hóa”, ông Siêu nhấn mạnh.

Theo ông Siêu, Việt Nam hiện nay nổi lên là điểm đến mới của khách du lịch. Sự tham gia của công nghệ sẽ giúp khách có nhiều trải nghiệm và lựa chọn hơn. Khách du lịch dựa vào công nghệ để trải nghiệm, nếu sự trải nghiệm của điểm đến không thú vị, họ sẽ ở ngắn hạn. “BĐS du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao nếu chủ đầu tư biết lựa chọn đúng địa bàn, loại hình phù hợp với thế hệ khách du lịch mới, đáp ứng đa dạng nhu cầu, đặc biệt trong thời kì công nghiệp 4.0”, ông Hà Văn Siêu cho hay.

Ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotel & Hospitality Group: “Visa là trở ngại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”

Theo ông Adam, ngành du lịch Việt Nam cần có những thay đổi, cải thiện để thu hút NĐT vào với thị trường BĐS nghỉ dưỡng.

Hiện nay, các NĐT quốc tế đang đổ tiền mạnh vào loại hình khách sạn, ở thi trường Châu Á Thái Bình Dương chiếm 10% giao dịch toàn cầu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, ở loại hình khách sạn mức tăng trưởng giao dịch thứ cấp đạt tỉ lệ cao. Hiện xu hướng của các NĐT quốc tế là không quan tâm đến vấn đề địa lý chủ yếu họ quan tâm đến tỉ suất lợi nhuận.

 Bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng bứt phá  - Ảnh 3.

Ông Adam cho rằng, Việt Nam có các thành phố lớn và có ít nhất 3 điểm du lịch hấp dẫn như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng nhưng tốc độ thu hút khách du lịch vẫn sau Thái Lan. Trở ngại lớn nhất là Visa đến Việt Nam khó, nhiều khách nước ngoài không muốn quay trở lại vì thủ tục xin visa mất nhiều thời gian của họ, chưa kể thời gian chờ đợi ở sân bay mất 1-1.5 tiếng. Điều này khó thu hút khách quốc tế quay trở lại, vô tình ảnh hưởng đến thị trường BĐS du lịch Việt Nam và cái nhìn của NĐT quốc tế đến thị trường BĐS Việt Nam.

Nói về loại hình condotel, ông Adam bày tỏ, loại hình này ở Châu Á Thái Bình Dương không dễ phát triển. Thực tế, vốn đang bị tắc cho chủ đầu tư phát triển loại hình này. Nếu chủ đầu tư vay 50-60% vốn để làm dự án, trong khi phải đảm bảo 10-12% lợi nhuận cho khách hàng thì đây là mức đầu tư “đắt đỏ”, hiệu suất kinh tế không cao. “Chính lỗ hổng sử dụng vốn đầu tư không đúng khiến phân khúc này chưa được thị trường nhìn nhận đúng”, ông Adam Bury nhấn mạnh.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM