Bắt CFO Huawei, Mỹ đâm dao vào tim tham vọng "Made in China" của Trung Quốc
Niềm hân hoan từ việc ngừng bắn chiến tranh thương mại nhanh chóng bị dập tắt khi Canada bắt CFO của Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
Đàm phán và bắt người trong cùng một ngày
Bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính của Huawei, bị bắt đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối cũng nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina. Trong sự kiện kéo dài hơn 2 tiếng, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn chiến tranh thương mại trong 90 ngày nhằm tìm ra tiếng nói chung cho những vấn đề còn khác biệt. Tuy nhiên, vụ bắt giữ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết: "Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn" với cả Ottawa và Washington đồng thời yêu cầu làm rõ lý do dẫn tới việc bắt giữ bà Meng cũng như phải ngay lập tức phóng thích người phụ nữ này.
Truyền thông Trung Quốc đang phản ứng rất dữ dội với việc bắt giữ bà Meng, con gái Chủ tịch tập đoàn Huawei Ren Zhengfei. Thậm chí, một số tờ báo còn mô tả vụ việc là "bắt cóc", phá vỡ thiện chí hòa giải thương mại được tạo ra hồi tuần trước sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập. Công nghệ cao là một trong những vấn đề Mỹ và Trung Quốc phải tìm tiếng nói chung trong 90 ngày tới.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông biết trước thông tin về vụ bắt giữa bà Meng. Tuy nhiên, nhân vật cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump không rõ ngài Tổng thống có biết về nó khi ăn tối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. Động thái này được xem là một sự kích động mạnh mẽ với Trung Quốc.
Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ của ông không gây áp lực chính trị để tiến hành vụ bắt giữ. Nó được tiến hành độc lập bởi cơ quan tư pháp. "Cơ quan chức năng phù hợp đã đưa ra quyết định bắt giữ trong trường hợp này mà không có bất cứ sự can thiệp chính trị nào. Chúng tôi đã được thông báo về vụ bắt giữ", ông Trudeau nhấn mạnh.
Trong khi đó, Reuters cho biết bà Meng bị bắt là một phần của cuộc điều tra mà Mỹ tiến hành nhằm vào các bên vi phạm lệnh cấm vận trừng phạt Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nghĩ vậy.
Vụ bắt giữ là lời nhắc nhở khó chịu với Trung Quốc về các lệnh trừng phạt mà Mỹ nhằm vào các tập đoàn lớn nước này, bao gồm cả vụ việc chống lại ZTE hồi tháng tư. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc đã bị cấm kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ, ngăn chặn việc tiếp cận chip và các thành phần quan trọng khác của ZTE dẫn tới việc doanh nghiệp này đứng bên bờ vực phá sản. Tình hình được giải quyết sau cuộc điện thoại giữa ông Trump và ông Tập hồi tháng 7 với một khoản tiền phạt nặng nề cho ZTE.
Nếu một động thái tương tự được tiến hành với Huawei, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc, doanh thu của Huawei cao gấp 5 lần so với ZTE. Đây cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đại lục.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Huawei dẫn đầu thế giới trong các ứng dụng sáng chế quốc tế hồi năm ngoái. Đây là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung Electronics. Thứ hạng này họ giành được sau khi vượt qua Apple. Ngoài ra, Huawei cũng đã vượt qua Ericsson và Nokia trong lĩnh vực hạ tầng mạng không dây.
Người sáng lập Huawei là Ren Zhengfei, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc. Ông Ren được nhắc tới nhiều ở Trung Quốc như là một doanh nhân thành đạt, đưa một doanh nghiệp chuyên phân phối đồ điện tử trở thành một đế chế công nghệ hàng đầu thế giới. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Meng Wanzhou đã thường xuyên có mặt ở Huawei và nhiều khả năng sẽ là người kế nhiệm tương lai của ông Ren.
Đòn tấn công trực diện vào "Made in China 2025"
Tuy nhiên, vai trò của Huawei còn lớn hơn với tham vọng của Bắc Kinh. Đây là doanh nghiệp đứng hàng đầu trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp có tên "Made in China 2025" mà Trung Quốc đang theo đuổi. Hiện tại, doanh nghiệp này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thống lĩnh cuộc cách mạng 5G của Trung Quốc.
5G được mô tả là tối quan trọng với các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo và công nghệ xe tự hành. Gần đây, Washington cho rằng kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn với Mỹ về vị thế tiên phong công nghệ cũng như các ứng dụng quân sự tiềm năng.
Một ủy ban cố vấn của Quốc hội Mỹ hồi tháng trước cảnh báo, nếu Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập các tiêu chuẩn không dây toàn cầu, Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu từ Mỹ một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Sự lớn mạnh của Huawei sẽ giúp tăng cường sức mạnh chiến lược của Trung Quốc và mở ra cánh cửa cho các cuộc tấn công mạng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã thực hiện nhiều bước đi nhằm ngăn chặn công ty công nghệ Trung Quốc cung cấp các thiết bị cho các cơ quan công quyền của Mỹ trong khi Lầu Năm Góc cũng loại bỏ hoàn toàn sản phẩm của Huawei khỏi các căn cứ của mình. Đạo luật Quốc phòng mới của Mỹ, được cả 2 đảng ủng hộ, coi đây là vấn đề trọng tâm phải giải quyết.
Luật mới sẽ cấm các cơ quan công quyền, quân đội, các tổ chức hành chính độc lập và doanh nghiệp có quan hệ với chính phủ Mỹ mua bán sản phẩm công nghệ từ 5 công ty của Trung Quốc, bao gồm máy chủ, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh ngay cả khi những sản phẩm hoàn chỉnh được làm bởi một bên thứ 3. Tên của 5 doanh nghiệp vẫn chưa được công bố.
Washington sẽ thực hiện bước đi thứ 2 mang tính chặt chẽ hơn là nghiêm cấm các công ty đối tác của chính phủ Mỹ sử dụng các sản phẩm từ 5 doanh nghiệp Trung Quốc này. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8/2020 và áp dụng với bất kể sản phẩm và dịch vụ nào.
Khi bước đi thứ 2 có hiệu lực, nó sẽ là đòn đánh mạnh nhằm vào cách doanh nghiệp viễn thông và công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington không chỉ nhằm vào các doanh nghiệp. Họ muốn tấn công trực diện Made in China 2025 và vụ bắt giữ CFO Huawei có thể là một nhát dao đâm thẳng vào tim kế hoạch này.
Ở thời điểm hiện tại, những áp lực mới nhất từ phía Mỹ với Huawei chắc chắn sẽ gây những tác động nghiêm trọng tới việc đàm phán thương mại mà hai nước đang tiến hành.