Năm 2018 quá đỗi đen đủi với Huawei
Dưới đây là những vận đen mà Huawei phải hứng chịu trong năm 2018.
Việc bắt giữ nữ Giám đốc tài chính vừa kéo dài thêm chuỗi những sự kiện đen đủi trong năm nay của công ty Trung Quốc Huawei.
Theo đó ngày thứ 4 vừa qua, nhà chức trách Canada nói rằng họ đã bắt giữ bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) theo yêu cầu của phía Mỹ.
Người phát ngôn của Huawei thì cho biết công ty "không thấy bà Mạnh có bất kỳ điều gì sai trái". Huawei là đơn vị sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông. Năm qua, công ty này chịu nhiều vận đen sau khi hàng loạt quốc gia đã cấm các nhà cung cấp dịch vụ không dây sử dụng dịch vụ của hãng này do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Dưới đây là những vận đen mà Huawei phải hứng chịu trong năm 2018.
Thỏa thuận với AT&T đổ vỡ
Huawei khởi đầu năm 2018 bằng hy vọng rằng AT&T sẽ bán điện thoại thông minh của họ tại Mỹ. Tuy nhiên tham vọng này đã bị đổ bể vào đầu tháng 1.
Thỏa thuận nếu thành công sẽ là mối hợp tác đầu tiên của Huawei với một nhà cung cấp điện thoại lớn của Mỹ nhưng nó đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Huawei tiếp tục đối mặt với sự phản đối tại Mỹ một phần là do lo ngại rằng công nghệ của họ có thể được sử dụng bởi chính phủ Trung Quốc để thu thập dữ liệu thông tin. Tuy nhiên phía Huawei từ chối cáo buộc này.
Các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo không sử dụng điện thoại Huawei
Một vận đen khác đến vào tháng 1 khi các cơ quan của chính phủ Mỹ nói rằng công dân Mỹ không nên sử dụng điện thoại Huawei.
Những quan chức cơ quan tình báo Mỹ đã kêu gọi trước khi Ủy ban đặc biệt về Tình báo chứng minh rằng Huawei và ZTE – một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác đe dọa tới an toàn người dùng Mỹ.
Ở thời điểm đó Huawei từ chối bình luận về những cáo buộc.
Best Buy – một trong số ít những nơi người Mỹ có thể tìm thấy các thiết bị của Huawei cũng tuyên bố vào hồi tháng 3 rằng họ sẽ ngừng bán sản phẩm của hãng này.
Các quan chức bảo mật Anh cảnh báo "rủi ro" từ Huawei
Những quan chức về bảo mật hàng đầu của Anh đã cảnh báo rằng họ có thể chỉ cung cấp "sự đảm bảo giới hạn" rằng các thiết bị của Huawei không đe dọa tới an ninh quốc gia.
Trong báo cáo hàng năm xuất bản vào tháng 6, một tấm panel của chính phủ nói rằng "một khuyết điểm trong quy trình kỹ thuật của Huawei làm dấy lên những rủi ro cho mạng lưới viễn thông của Anh".
Thứ 4, tập doàn viễn thông Anh BT nói rằng họ sẽ không mua thiết bị của Huawei cho những mạng lưới không dây thế hệ tiếp theo. BT cũng cho biết họ sẽ loại bỏ công nghệ Huawei hiện tại khỏi mạng lưới 4G trong vòng 2 năm tới.
Australia thì cấm Huawei tham gia vào mạng lưới 5G
Tham vọng của Huawei trở thành đơn vị đi đầu trong công nghệ 5G đã tan vỡ vào tháng 8 khi Úc cấm công ty này cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng không dây trong nước.
Chính phủ Úc nói rằng sự liên quan của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông nước ngoài có nghĩa là những nhà cung cấp dịch vụ trong nước không thể "bảo vệ mạng lưới 5G khỏi sự truy cập trái phép".
Huawei đã gọi quyết định này là một "kết quả cực kỳ đáng thất vọng đối với các khách hàng".
Công ty cũng mạnh mẽ khẳng định các sản phẩm của họ không chứa rủi ro. Công ty cho biết các thiết bị của họ được tin tưởng bởi khách hàng ở 170 quốc gia và bởi 46 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Các đồng minh Mỹ không sử dụng thiết bị của Huawei
Tờ WSJ có bài viết vào hồi tháng 11 rằng Washington đang thúc giục các đồng minh ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Huawei bởi công ty này đang gây ra những mối đe dọa về bảo mật.
Nguồn tin thân cận với vấn đề này nói rằng quan chức Mỹ đang thúc giục các đồng minh cấm sử dụng thiết bị Huawei khỏi mạng lưới internet và thiết bị không dây của họ. Những quốc gia đó gồm Đức, Ý, Nhật Bản.
Huawei nói trong tuyên bố rằng họ "ngạc nhiên bởi thái độ của Mỹ" và rằng "đó là hành động không nên được khuyến khích".
Tuần trước, New Zealand cũng đã cấm công ty viễn thông hàng đầu nước này sử dụng thiết bị Huawei cho mạng lưới di động 5G của họ.
Spark – công ty viễn thông lớn nhất của nước này nói rằng các quan chức chính phủ cảnh báo công ty rằng sử dụng thiết bị 5G của Huawei "sẽ gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia đáng kể".
Nhưng không phải tất cả đều là tin xấu
Huawei có thể đang chịu sự cấm vận từ Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác nhưng họ vẫn đang nắm sức mạnh ở một vài thị trường.
Công ty này vẫn chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nhưng đã công bố doanh thu 325,7 tỷ NDT (tương đương 47,4 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2018 – tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số lợi nhuận thì chưa được tiết lộ.
Tuần trước, hãng này cũng tiết lộ với CNN rằng họ đã ký được hơn 20 hợp đồng thương mại với thiết bị và công nghệ 5G nhưng không tiết lộ rõ tên công ty và các quốc gia liên quan tới những thỏa thuận đó.