Bất bình đẳng thu nhập: Cội nguồn của sự giận dữ tại Mỹ

02/06/2020 08:17 AM | Xã hội

Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ là cao nhất trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới

Theo đánh giá của viện Pew, Mỹ là một trong những nước có bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới. Trong 50 năm qua, top 20% người thu nhập nhiều nhất Mỹ ngày càng chiếm nhiều tỷ lệ trong tổng số thu nhập của cả nước.

Báo cáo mới nhất vào năm 2018 cho thấy top 20% người thu nhập cao tại Mỹ chiếm đến 52% tổng thu nhập toàn quốc. Mức thu nhập bình quân của tầng lớp này vào khoảng 233.895 USD. Top 5% người thu nhập cao nhất tại Mỹ chiếm tới 23% tổng thu nhập cả nước và số tiền họ thu được mỗi năm bình quân vào khoảng 416.520 USD.

Trong khi đó, top 20% người thu nhập thấp nhất tại Mỹ lại chỉ chiếm 3,1% tổng thu nhập cả nước. Bình quân họ chỉ kiếm được 13.775 USD/năm. Phần lớn những người trong tầng lớp này không có bảo hiểm xã hội, lương hưu hay trợ cấp gì. Họ chẳng thể đến bệnh viện vì chi phí quá cao trong khi nghỉ hưu là một khái niệm xa vời.

Bất bình đẳng thu nhập: Cội nguồn của sự giận dữ tại Mỹ - Ảnh 1.

Năm 1968, top 20% người thu nhập nhiều nhất Mỹ chỉ chiếm 43% tổng thu nhập toàn quốc.

Chỉ số US Gini Index, vốn được dùng để đo lường bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ năm 2018 đứng ở mức 0,483 điểm, cao hơn rất nhiều so với 0,386 điểm năm 1968 (Chỉ số này cao nhất là 1 điểm).

Hiện nay, khoảng 30% lao động Mỹ kiếm chưa đến 10,1 USD/giờ, tạo nên một tầng lớp có thu nhập thấp hơn tiêu chuẩn đói nghèo của nước này. Họ là những người thu ngân, bồi bàn, y tá… Điều trớ trêu là những người này sẽ chẳng nhận được trợ cấp bởi theo luật, họ vẫn có việc làm chứ không thất nghiệp.

Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ là cao nhất trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Chỉ số Gini Index tại các nước G7 chỉ dao động quanh mức 0,326 (Pháp) cho đến 0,392 (Anh).

Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng cho thấy chỉ số Gini chỉ vào khoảng 0,25 tại Đông Âu và 0,5-0,6 tại các nước nghèo phía nam Châu Phi.

Tồi tệ hơn, khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ đang ngày một lớn khi chênh lệch thu nhập giữa 2 tầng lớp đã tăng hơn 100% trong khoảng 1989-2016.

Bất bình đẳng thu nhập: Cội nguồn của sự giận dữ tại Mỹ - Ảnh 2.

Năm 1989, tầng lớp 5% giàu nhất Mỹ nhiều tài sản gấp 114 lần so với giới trung lưu. Bình quân giới nhà giàu vào thời gian này có khoảng 2,3 triệu USD tài sản trong khi giới trung lưu chỉ có khoảng 20.300 USD. Vào năm 2016, tỷ lệ này lên đến 248 lần.

Sau mỗi cuộc khủng hoảng, tài sản giới thượng lưu tăng lên còn người nghèo lại càng nghèo hơn. Trong khoảng 2007-2016 sau khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng phát, tài sản của top 20% người giàu nhất Mỹ tăng 13% lên bình quân 1,2 triệu USD/người. Tài sản của top 5% tăng 4% lên bình quân 4,8 triệu USD/người. Trái ngược lại, tài sản của giới trung lưu giảm ít nhất 20%.

Một nghiên cứu khác cho thấy trong khoảng 1993-2015, thu nhập bình quân hộ gia đình Mỹ tăng 25,7% nhưng top 1% người giàu chiếm tới 52% mức tăng trưởng đó. Trước khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra, khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ cũng được nới rộng chưa từng thấy.

Trong khoảng 1979-2007, thu nhập bình quân hộ gia đình của top 1% nhà giàu Mỹ tăng 275% trong khi 20% người nghèo nhất lại chỉ tăng có 18%.

Thậm chí, cuộc xung đột sắc tộc hiện nay tại Mỹ cũng bắt nguồn phần nào từ bất bình đẳng thu nhập. Khảo sát của viện Pew cho thấy chênh lệch thu nhập bình quân hộ gia đình phân loại theo màu da tại Mỹ đã tăng từ 23.800 USD/năm vào năm 1970 lên 33.000 USD/năm vào năm 2018.

Nguyên nhân

Trên thực tế, nguyên nhân cho sự bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ có rất nhiều và gây nên vô số tranh cãi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, thuê ngoài sản xuất cũng như bất ổn về hệ thống giáo dục, chi phí y tế… đã đẩy rất nhiều người Mỹ vào cảnh đã nghèo lại càng nghèo.

Trong rất nhiều năm, hàng nghìn người di cư đã muốn vào Mỹ để được hưởng cuộc sống tươi đẹp tại nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, các tập đoàn Mỹ đã dần chuyển nhà máy sang thuê ngoài tại những nước thứ 3 có giá lao động rẻ hơn, khiến những công nhân địa phương hoặc người nhập cư thất nghiệp. Số liệu chính thức cho thấy Mỹ đã mất 20% việc làm trong các nhà máy kể từ năm 2000 đến nay do tình trạng dịch chuyển sản xuất và thuê ngoài.

Bất bình đẳng thu nhập: Cội nguồn của sự giận dữ tại Mỹ - Ảnh 3.

Bất bình đẳng thu nhập giữa người da trắng và da màu tại Mỹ

Mặc dù số lượng việc làm trong ngành dịch vụ tại Mỹ tăng nhưng mức lương lại giảm xuống trước áp lực chi phí và sự dư thừa lao động trên thị trường. Hơn nữa, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng khiến nhiều việc làm biến mất và nhường chỗ cho máy móc.

Ngoài ra, sự bất cập trong giáo dục cũng khiến bất bình đẳng xã hội tăng lên. Một người Mỹ có bằng đại học kiếm nhiều hơn 84% so với những người chỉ có bằng cấp 3. Trớ trêu thay, chi phí giáo dục ngày một tăng và giờ đây nhiều sinh viên Mỹ ra trường làm việc chỉ để trả nợ đại học. Bản thân Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ trả hết nợ đại học sau khi đã làm 2 nhiệm kỳ.

Đối với các doanh nghiệp, những luật định bảo hộ cho việc tái đầu tư vào lao động còn khá lỏng lẻo và tạo điều kiện cho tầng lớp thương nhân giàu có kiếm thêm tiền. Vào thập niên 1990, các công ty thường lấy lợi nhuận đầu tư lại cho doanh nghiệp, qua đó gia tăng phúc lợi cho nhân viên để tăng năng suất thì ngày nay ban giám đốc chỉ quan tâm đến lợi ích cổ đông.

Người lao động Mỹ ngày nay bị bắt làm nhiều việc cùng lúc hơn, hợp đồng bán thời gian trở nên phổ biến do công ty không muốn trả bảo hiểm còn lao động nhập cư thì ngày càng bị hắt hủi

Trước năm 2007, mức lương tối thiểu tại Mỹ theo luật định là 5,15 USD/giờ. Đến năm 2010, con số này tăng được lên 7,25 USD/giờ và giữ nguyên cho đến ngày nay.

Với mức thu nhập bèo bọt trong khi người giàu càng giàu như vậy, giới bình dân Mỹ không thể thanh toán cho nhiều dịch vụ thiết yếu, ví dụ như y tế. Sự độc quyền của nhiều hãng dược và bệnh viện khiến chi phí khám chữa bệnh quá cao, qua đó buộc nhiều bệnh nhân nghèo tại Mỹ phải nằm đó chờ chết.

Tồi tệ hơn, thu nhập thấp khiến nhiều sinh viên Mỹ nợ nần nhiều để cố học lấy bằng rồi nhận ra khó kiếm việc làm để trả nợ.

Tất cả những xung đột trên khiến một bộ phận rất lớn người nghèo Mỹ bất bình và dễ dàng bùng nổ thành những cuộc biểu tình với bất kỳ lý do nào, cho dù đó là phân biệt chủng tộc, màu da hay những nguyên nhân khác.

Bất bình đẳng thu nhập: Cội nguồn của sự giận dữ tại Mỹ - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM