Philippines phát tiền để khuyến khích dân bỏ phố về quê

01/06/2020 14:21 PM | Xã hội

Đại dịch Covid-19 đang đem đến cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte 1 lý do chính đáng để giảm thiểu mức độ đông đúc ở Manila – nơi mà trong mấy thập kỷ gần đây đã "biến hình" thành một trong những địa điểm đông đúc nhất trên trái đất.

Trong khuôn khổ chương trình đầy tham vọng có tên "Quay trở lại tỉnh lẻ", Tổng thống Duterte quyết định phát tiền mặt và cả hiện vật cho những người chuyển ra khỏi vùng thủ đô. Đây là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất trong mấy chục năm trở lại đây nhằm thu hút người dân Philippines chuyển về các vùng nông thôn sinh sống.

Trong bối cảnh đại dịch càng mô tả rõ nét tốc độ bùng nổ dân số và lượng người nhập cư đổ về thủ đô quá lớn khiến hệ thống giao thông, y tế và các dịch vụ công ích của Manila bị quá tải như thế nào, Chính phủ Philippines đang cố gắng hết sức để đảo ngược xu hướng dịch chuyển lao động vốn đã được duy trì suốt nhiều năm nay.

Chương trình này đặc biệt hữu ích đối với những người như Joel Gortina, 1 thợ điện 38 tuổi muốn quay trở về tỉnh Cebu sau 15 năm học tập và làm việc ở Manila. Hầu như không có việc vì dịch bệnh, Gortina đã lên kế hoạch rời Manila từ giữa tháng 3 nhưng bị mắc kẹt với lệnh phong tỏa.

"Tôi không có việc, không có tiền và đã bị đuổi khỏi nhà trọ. Đó thực sự là 1 cuộc khủng hoảng", Gortina, người gần đây phải ngủ dưới gầm cầu, nói.

Trên cả nước đã có hơn 2 triệu việc làm mất đi tính đến ngày 24/4, và khoảng 1/3 trong số đó là tại Manila, theo số liệu của Bộ Lao động Philippines. Thủ đô Manila có tới hơn 13 triệu dân và chiếm khoảng 2/3 tổng số ca nhiễm trên toàn quốc. Với nền kinh tế suy giảm sâu nhất trong 3 thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ sớm lên mức 2 con số, ngày càng có nhiều người cảm thấy chán nản với cuộc sống ở thủ đô.

Những gia đình được phê duyệt đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ nhận được khoảng 110.000 peso (tương đương 2.173 USD) tiền và hiện vật. Gần 60.000 người đã nộp đơn kể từ giữa tháng 3, và chính phủ chọn ưu tiên những người thất nghiệp, không có nơi ở và sống trong những khu vực bị dịch nặng nhất.

Hàng nghìn người cũng được cho là đã rời khỏi Manila trong thời điểm gần ngày phong tỏa, một số nhận sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ.

Philippines không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á đối mặt với tình trạng đô thị hóa quá mức. Với thủ đô Jakarta quá tải và còn đang chìm dần (ở dưới mực nước biển), Indonesia có kế hoạch xây dựng thủ đô mới ở trong rừng Borneo – tuy kế hoạch này đang tạm hoãn vì khủng hoảng kinh tế. Trước đó Malaysia và Myanmar cũng đã dời thủ đô hành chính khỏi Kuala Lumpur và Yangon.

Manila đóng góp tới 1/3 GDP Philippines, do đó trở thành "thỏi tham châm" thu hút người nhập cư từ khắp các tỉnh thành. Dân số của vùng thủ đô (gồm 16 thành phố và 1 đô thị nằm giữa dãy núi Sierra Madre và vịnh Manila, đã tăng vọt từ 4 triệu dân năm 1970 lên 23 triệu dân tính đến năm ngoái.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất là những người này cần phải tìm được việc làm ở vùng nông thôn, nếu không thì chương trình này có nguy cơ chỉ là giải pháp tạm thời đối với rất nhiều người cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Theo Bộ trưởng Lao động Dominique Rubia-Tutay, những lao động này có thể được sử dụng trong những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương, hoặc được thuê làm những công việc ngắn hạn như khử trùng.

"Ở làng quê chi phí sống rẻ hơn nhưng cuối cùng thì việc làm ở đâu người lao động sẽ đi theo đó", Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp của Maybank Kim Eng, nói.

Hiện ông Duterte đang muốn hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn. Các doanh nghiệp cũng được hưởng những cơ chế ưu đãi để chuyển về quê.

Nhưng đối với những người như Gortina, đây không phải là thời điểm để lo lắng về dài hạn. Sau 2 tháng phải đi ăn xin, anh chỉ mơ ước được trở về nơi mình sinh ra. "Tôi không biết mình sẽ làm gì khi quay trở về. Chắc chắn là tôi sẽ chăm sóc người cha ngày càng già yếu của mình. Còn việc làm ư? Tôi sẽ làm bất cứ việc gì", anh nói.

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM