Báo nước ngoài: Taxi GSM và Be là sự kết hợp của 2 ‘nhà vô địch’ nội địa, đủ sức khiến ‘gã nhà giàu’ Grab lo sợ
Sự kết hợp giữa GSM và Be được cho là đôi bên cùng có lợi.
Tờ Techinasia nhận định, ngay vào thời điểm dường như cuộc chiến gọi xe ở Việt Nam đã kết thúc thì bất ngờ thị trường xuất hiện một bước phát triển mới thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Theo đó, sau 9 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã trở nên phổ biến đến mức các tài xế của họ gần như xuất hiện ở khắp các thành phố lớn. Tuy nhiên, một đối thủ cạnh tranh mới đã bất ngờ xuất hiện.
Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Việt Nam đứng sau tập đoàn Vingroup và nhà sản xuất xe điện VinFast chính thức ra mắt dịch vụ gọi xe điện mới có tên Green SM Taxi tại thủ đô Hà Nội.
Green SM Taxi thuộc công ty Di động Xanh và Thông minh (GSM), do Chủ tịch Vingroup sở hữu 95% cổ phần. Không có gì ngạc nhiên khi hãng gọi xe điện sẽ sử dụng độc quyền xe ô tô VinFast – cụ thể là các mẫu VF e34, VF8 và VF5 Plus – trong giai đoạn đầu hoạt động.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email với Tech in Asia, Giám đốc điều hành GSM Nguyễn Văn Thanh không bình luận về việc GSM có đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng hay không. Ông nói rằng hiện công ty chỉ muốn “tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cho thuê xe điện và taxi điện”.
Gần đây, GSM đã ký hợp đồng cho thuê với Ahamove, dịch vụ giao hàng theo yêu cầu của Scommerce do Temasek hậu thuẫn, cũng như với một thương hiệu taxi truyền thống địa phương. Đáng chú ý nhất, công ty cũng đã đầu tư một số tiền không được tiết lộ vào Be Group, đối thủ lớn nhất của Grab tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Vingroup mạo hiểm tham gia vào lĩnh vực gọi xe. Năm 2019, VinFast đã ký thỏa thuận với FastGo – được coi là đối thủ địa phương đáng chú ý đối với Grab vào thời điểm đó – nhưng đáng tiếc không thể thành công. Một loạt công ty gọi xe nội địa khác cũng chịu chung số phận.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, VinFast vẫn chưa chuyển sang độc quyền sản xuất xe điện. Vậy cú đặt cược lần này liệu có gì thay đổi không?
Điểm hấp dẫn nhất trong quan hệ đối tác giữa GSM và Be Group là xe điện. Nhưng, một chuyển gia phân tích trong ngành nhận định “điều đó không có nghĩa là thị trường địa phương đã sẵn sàng cho sự phát triển này”.
“10 nghìn xe điện là một con số khá ổn, nhưng thị trường có thể hấp thụ đến mức nào lại là một câu chuyện khác”, người này nói thêm. “Khi các tài xế không có đủ chuyến đi, họ sẽ từ bỏ”.
Một thách thức rõ ràng khác là cơ sở hạ tầng sạc xe hạn chế. Tuy nhiên, CEO của GSM cho biết công ty của ông có thể tận dụng mạng lưới 150.000 cổng sạc của VinFast cho ô tô điện và xe tay ga điện tử. Vào tháng 2, VinFast đã công bố kế hoạch triển khai bộ sạc pin di động trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam vào cuối năm nay.
Đối với Be Group, công ty đồng ý rằng việc chuyển đổi sang xe điện vẫn còn ở giai đoạn rất sớm và là “nhiệm vụ khó khăn” ở Đông Nam Á, nhưng khẳng định “đó là một khoản đầu tư cho tương lai”.
Sự hợp tác giữa GSM với Be Group được quảng cáo là đôi bên cùng có lợi. Trong giai đoạn đầu, tài xế Be sẽ được hưởng chính sách ưu đãi độc quyền khi thuê hoặc mua xe VinFast.
Các dịch vụ taxi điện của GSM sẽ có sẵn trên nền tảng Be trong vòng hai tháng tới. Sự hợp tác cũng sẽ được mở rộng sang các dịch vụ giao hàng.
Người phát ngôn của Be nói với Tech in Asia rằng cả hai công ty đều muốn thực hiện 100 triệu chuyến đi xe điện thông qua nền tảng của họ trong một vài năm tới. Người này cho biết thêm: “Người dùng có thể trải nghiệm xe điện và tự mình chứng kiến cảm giác sử dụng một phương tiện kinh tế, yên tĩnh, công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng ngày”.
Sau 5 năm hoạt động, Be đã chứng tỏ là đối thủ địa phương đáng chú ý nhất của Grab. Công ty này cho biết họ có khoảng 32% thị phần và có kế hoạch có lãi vào năm 2024.
Năm ngoái, Be đảm bảo một khoản vay trị giá khoảng 60 triệu USD từ Deutsche Bank. Nhưng số tiền này thấp hơn đáng kể so với 16,5 tỷ USD mà Grab đã huy động được cho đến nay, theo Crunchbase.
Tuy nhiên, việc liên kết với liên doanh xe điện của người sáng lập Vingroup đã mang lại cho Be một cú hích lớn không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn về mặt quảng bá – cả hai bên đều được ca ngợi là hai nhà vô địch địa phương.
Rõ ràng, Grab đã không có con đường suôn sẻ để đạt được vị trí thống lĩnh hiện tại tại Việt Nam. Vài năm trước, họ đã có một cuộc chiến kéo dài với hãng taxi truyền thống Vinasun.
Năm 2019, công ty cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Nhưng đó là trước khi Covid tấn công và suy thoái công nghệ hiện nay – không rõ liệu Việt Nam có còn là ưu tiên của Grab hay không.
Tháng 12 năm ngoái, siêu ứng dụng này đã bổ nhiệm Alejandro Osorio, cựu giám đốc điều hành Grab Thái Lan, cho vị trí lãnh đạo tại Việt Nam. Công ty nhấn mạnh rằng Osorio rất giỏi trong việc xây dựng các nhóm địa phương “có hiệu suất cao”.
Vài năm trước, Grab có thể tung ra các ưu đãi và trợ cấp để thu hút cả tài xế và người tiêu dùng trên khắp các thị trường. Nhưng những ngày đó rõ ràng đã qua.
Không giống như các ứng dụng gọi xe khác, GSM không cần vạch ra lộ trình siêu ứng dụng vào lúc này. Họ có thể khai thác và nhắm mục tiêu nhu cầu di chuyển trong các doanh nghiệp như Vincom (trung tâm mua sắm), Vinhomes (khu dân cư) và Vinschool (trường học) – tất cả đều nằm trong hệ sinh thái của Vingroup.
Trong giai đoạn đầu, Green SM Taxi sẽ vận hành 500 xe VF e34 và 100 xe VF8 tại Hà Nội, với kế hoạch mở rộng ra ít nhất 5 tỉnh và thành phố trên khắp Việt Nam trong năm nay. Khoản đầu tư có thể mở rộng quy mô lên tới 10.000 ô tô VinFast và 100.000 xe máy điện trong các giai đoạn sau.
Nói một cách dễ hiểu, Gojek Việt Nam cho biết họ có khoảng 200.000 tài xế trong khi Be đưa ra con số của riêng mình là 100.000. Vài năm trước, Grab cho biết họ có khoảng 175.000 tài xế tại Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu tiềm năng của GSM là 110.000 tài xế.
Về giá cả, GSM cho biết giá mỗi km có thể dao động từ 12.000 đến 21.000 đồng Việt Nam (0,5 USD đến 0,9 USD). Theo CEO, chính sách phụ phí vẫn đang được hoàn thiện và nhấn mạnh rằng công ty “cam kết đưa ra mức giá cạnh tranh có lợi cho cả người dùng và tài xế”.
Để so sánh, đặt một chiếc GrabCar bốn chỗ tại Hà Nội sẽ có giá 29.000 đồng (1,24 USD) cho hai km đầu tiên và 10.000 đồng (0,43 USD) cho mỗi km tiếp theo. Đối với Be, đó là 30.000 đồng Việt Nam (1,28 USD) cho hai km đầu tiên và thêm 10.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tất nhiên, các tỷ lệ này khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố do thuật toán của các ứng dụng này quy định.
Một điểm khác biệt là GSM cung cấp xe và trả lương cố định (lên đến 11 triệu đồng, tương đương 470 USD/tháng) cho tài xế. Công ty cho biết thêm rằng hoa hồng của tài xế có thể đạt từ 20% đến 25% doanh thu hàng tháng của họ.
Tất cả đều là những yếu tố đầy hứa hẹn nhưng liệu chúng có đủ để GSM tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực gọi xe?
Sau khi hoạt động được khoảng một thập kỷ, cả Grab và Gojek vẫn chưa có lãi, điều đó có nghĩa là các công ty phải ở trong lĩnh vực này trong thời gian dài.
Cũng có một số lo ngại về việc liệu Vingroup có cam kết hoàn toàn với dự án gọi xe này hay chỉ coi đây là một kênh khác để tiếp thị ô tô VinFast.
Khi được hỏi liệu GSM có mở rộng mô hình gọi xe điện sang các quốc gia Đông Nam Á khác hay không, CEO công ty tiết lộ rằng công ty đang làm việc với “một số đối tác tiềm năng”.
Có một điều chắc chắn vào lúc này đó là, càng nhiều lựa chọn hơn rõ ràng là tốt hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Nguồn: Techinasia