Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam vẫn đang tỏa sáng bất chấp các láng giềng Đông Nam Á gặp khó với trade war và khủng hoảng thị trường mới nổi
Việt Nam được hưởng lợi từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ và có học vấn, một lực lượng lao động vẫn còn rẻ và đang tăng trưởng, và vị trí địa lý gần với Trung Quốc.
Việt Nam - với nền kinh tế vừa trải qua 6 tháng đầu năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 8 năm qua - đang thách thức các căng thẳng tại các thị trường mới nổi trong khi các đối thủ Đông Nam Á phải đối mặt với một triển vọng không chắc chắn do rủi ro chiến tranh thương mại và đồng đô la đang mạnh lên.
Nguy cơ xung đột thương mại toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore và Malaysia. Indonesia và Philippines phải đối mặt với những thách thức về nguồn vốn do có mức nợ nước ngoài cao trong khi đồng nội tệ chịu áp lực từ đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, bất chấp hiệu ứng tràn đang hiện hữu ở châu Á, kinh tế Việt Nam đang tỏ ra khá mạnh mẽ. Đối mặt với những áp lực chi phí do hàng rào thuế quan thương mại của Mỹ tạo ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đang bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục và đích đến là các địa điểm với chi phí thấp hơn ở châu Á như Việt Nam và Bangladesh. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng đã và đang đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều quốc gia trong ASEAN đang ở trong một vị thế kinh tế mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990. Nhưng những biến động mới nhất xuất phát từ những lo ngại về thị trường mới nổi, cùng với những mâu thuẫn thương mại toàn cầu, đặt ra câu hỏi rằng ai sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nguy cơ khủng hoảng lây lan trong khu vực là gì và làm thế nào để hạn chế tối đa tác động của dòng thất thoát vốn và tiền tệ bị suy yếu.
Các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN đang có mặt tại Hà Nội để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sẽ cố gắng thảo luận các cách để giảm thiểu những gì mà các chiến lược gia của ngân hàng Mizuho gọi là "khẩu súng lục Mỹ hai nòng": một Cục Dự trữ Liên bang Mỹ "diều hâu" hơn và Tổng thống Donald Trump sẵn sàng "gia tăng rủi ro của chiến tranh thương mại".
Dwyfor Evans, chuyên gia đến từ State Street Global Markets, nhận định: "Những gì chúng tôi đang theo dõi hiện nay là dấu hiệu của sự khác biệt trong khu vực thị trường mới nổi".
"Nếu Mỹ không thể bù đắp lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm bằng cách quay trở lại với nguồn lực sản xuất trong nước, thì nhu cầu mạnh mẽ vẫn đang hiện hữu ở Mỹ sẽ phải được đáp ứng từ các nguồn thay thế", ông nói. "Mỹ sẽ không nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc. Thay vào đó là từ Việt Nam, vì vậy chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thực sự lại là một sự kiện tích cực cho Việt Nam."
Những nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã nhận được khoảng 11,25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, Việt Nam đã nhận được 17,5 tỷ USD vốn FDI.
Robert Subbaraman, người phụ trách các thị trường mới nổi tại Nomura nói với CNBC: "Rất nhiều công ty đang tái định vị. Dòng vốn FDI vào Việt Nam rất mạnh và đang hỗ trợ tốt cho cán cân thanh toán của Việt Nam".
Mặc dù các yếu tố cơ bản hiện nay có vẻ "khá ổn", Subbaraman nói Việt Nam phải thận trọng về chính sách tài khóa. Các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo thâm hụt ngân sách không tăng vọt và nền kinh tế không quá nóng. "Điều đó thường xảy ra khi bạn nhận được dòng vốn rất mạnh và các công ty lớn thì đang muốn chuyển hướng về nước bạn."
Michael Langford, giám đốc điều hành của Airguide, một cố vấn và tư vấn của công ty, cho biết căng thẳng thương mại Trung-Mỹ "về mặt chính trị sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam."
"Hiện nay nhiều công ty Trung Quốc có các nhà máy đặt tại Việt Nam. Từ các nhà sản xuất pin như Vision, đến các công ty về đồ nội thất và dệt may," ông nói thêm.
Việt Nam cũng có thể là một nạn nhân của sự thành công của chính mình khi di chuyển chuỗi giá trị từ hàng dệt may có lợi nhuận biên thấp sang các sản phẩm công nghệ cao.
Vishnu Varathan của Mizuho trong nghiên cứu quý được công bố vào ngày 7/8 cho biết: "Các rủi ro nhị phân xung quanh tăng trưởng đang tăng lên khi chính sách bảo hộ của Mỹ có thể đặt xuất khẩu chính – động lực chính của nền kinh tế - vào nguy cơ bất ngờ gặp trục trặc".
Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại với tỷ trọng tổng kim ngạch thương mại trên GDP vào khoảng 200% "và vẫn không ngừng tăng lên", theo nhà kinh tế ngân hàng Standard Chartered, Chidu Narayanan.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn ở mức cao trong năm 2018, dẫn đầu bởi các ngành sản xuất chiếm gần 50% dòng vốn, Narayanan cho biết trong nghiên cứu được công bố vào cuối tháng Sáu.
Standard Chartered dự kiến cả FDI đăng ký và đã được giải ngân sẽ đạt gần 15 tỷ USD vào năm 2018, giảm so với con số 21 tỷ USD của năm 2017, ông nói.
"Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ và có học vấn, một lực lượng lao động vẫn còn rẻ và đang tăng trưởng, và vị trí địa lý gần với Trung Quốc", ông nói.
"Điều này sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI mạnh trong những năm tới".