Báo động ‘thú vui’ đánh người nhưng chỉ bị xem là trò đùa ở Hàn Quốc

15/07/2022 10:06 AM | Xã hội

Nhiều người ở Hàn Quốc bị đánh đúng ngày sinh nhật hay các buổi lễ quan trọng, nhưng kẻ tấn công chỉ xem đây là trò đùa.

Tại sao một số người lại thích dùng bạo lực để chức mừng sinh nhật hay trong những sự kiện quan trọng của người khác?

Theo Korea Herald, hồi tháng Sáu, một trung sĩ thuộc lực lượng hải quân Hàn Quốc đã bị một nhóm đồng nghiệp 7 người tư hình trong suốt  2 tiếng đồng hồ tại đơn vị đóng quân ở thành phố Donghae thuộc tỉnh Gangwon. Nạn nhân đã bị rách dây chằng nghiêm trọng, và cơ thể toàn vết thâm tím buộc phải điều trị y tế trong 4 tuần.

Báo động ‘thú vui’ đánh người nhưng chỉ bị xem là trò đùa ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Cô gái bị bạn bè trói vào cây và đổ bột lên khắp người trong buổi lễ chúc mừng. (Ảnh: KBS)

Khoảng một tháng trước đó, 4 nữ sinh học một trường cấp 3 tại phường Cheonho-dong, phía đông nam Seoul, đã bị cảnh sát bắt vì tấn công một bạn cùng lớp tại công trường xây dựng.

Hai vụ việc trên không liên quan tới nhau, nhưng có một điểm chung là những đối tượng tấn công đều cho biết họ chỉ đang “chúc mừng” nạn nhân trong ngày trọng đại.

Liên quan tới sự việc xảy ra trong lực lượng hải quân Hàn Quốc, trung sĩ bị đánh trước khi xuất ngũ một ngày. Còn nữ sinh bị hội bạn đánh đúng ngày sinh nhật của nạn nhân.

Đánh cho vui

Những hành động ăn mừng bằng bạo lực hay sỉ nhục người khác không còn là chuyện lạ ở Hàn Quốc. Hành vi này cũng không chỉ xảy ra duy nhất ở đất nước củ sâm.

Trên kênh YouTube có vô vàn các video về “saengil-bbang” mà chủ yếu liên quan tới các thanh thiếu niên đá vào mông bạn trong lúc đang hát mừng sinh nhật.

Trong tiếng Hàn, “saengil” có nghĩa là sinh nhật và “bbang” ngụ ý tới chúc mừng bạo lực. Trên thực tế, Hàn Quốc có văn hóa gọi là "cú đấm sinh nhật". Người ta gọi đây là việc đánh yêu người được mừng sinh nhật.

Tuy nhiên từ đầu những năm 2000, “saengil-bbang” ngày càng có xu hướng bạo lực hơn. Người được chúc mừng cũng phải chịu sự sỉ nhục lớn hơn, do hành động này diễn ra ở những nơi công cộng, và thậm chí trong một số vụ việc, người được chúc mừng còn bị lột trần.

Báo động ‘thú vui’ đánh người nhưng chỉ bị xem là trò đùa ở Hàn Quốc - Ảnh 2.

Các chương trình giải trí ở Hàn Quốc tràn ngập hành động đánh nhau nhưng chỉ xem là trò đùa mua vui. (Ảnh: SBS)


Vào năm 2007 đài KBS đã đăng phóng sự về hành vi “saengil-bbang” vào thời điểm đó kèm theo nhiều bức ảnh và đoạn video minh chứng. Trong một clip, một nhóm người đứng thành vòng tròn, đá và đạp vào người ngồi ở giữa. Một video khác là cảnh một cô gái bị trói chặt bằng băng dính vào cái cây và bị đám bạn đổ bột khắp người.

Hay bài báo được tờ JoongAng Ilbo đăng tải năm 2010 đã dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Lee Myung-bak gọi bữa tiệc “đáng sợ” sau lễ tốt nghiệp của các thanh thiếu niên là “thảm họa của xã hội”.

Lời bình luận của ông Lee được đưa ra sau khi nhiều báo cáo cho thấy, các nam thiếu niên đã xé đồng phục của nhau trong lễ tốt nghiệp.

Dù hành động tấn công người khác trong lễ tốt nghiệp hay sinh nhật chủ yếu do thanh thiếu niên gây ra, nhưng ngay cả trong quân đội Hàn Quốc, các quân nhân trẻ tuổi cũng có văn hóa “jeonyeok-bbang” riêng hay còn gọi là lễ ra quân bạo lực.

Anh Ham Young-wok (30 tuổi), một nhân viên văn phòng đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2015, cho biết hành vi đánh đập thường xảy ra trong lễ chia tay những người sắp được xuất ngũ.

“Một trong số những chỉ huy của tôi đã đập cả cái bánh vào mặt tôi. Những người khác xếp thành hàng và từng người một thay nhau đá vào mông tôi. Họ không đá tôi quá mạnh, bởi đây chỉ là hành động trêu đùa. Tôi nghĩ hành vi này vẫn có thể gây nguy hiểm khi trong người các đồng đội đã có men rượu”, anh Ham chia sẻ.

Rất khó để xác định chính xác khi nào và bằng cách nào “thú vui’ đánh người để chúc mừng trong ngày đặc biệt bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc. Nhưng dường như nó bắt đầu thịnh hành ở quốc gia này vào những năm 1990.

Ông Koo Jung-woo, Giáo sư xã hội học tại Đại học Keimyung, nhận định văn hóa bạo lực trong quân đội có thể khiến các binh sĩ thể hiện cảm xúc dù tốt hay xấu đều bằng bạo hành thể chất.

“Nhiều đơn vị quân đội Hàn Quốc sử dụng hình phạt thân thể dù chỉ là lỗi nhỏ. Việc chứng kiến quá nhiều hành vi bạo lực có thể khiến các binh sĩ dùng bạo lực để giao tiếp. Dù quân đội cần kỷ luật nghiêm khắc, nhưng không vì thế mà bạo lực có thể bị lạm dụng”, ông Koo nhấn mạnh.

Còn theo Giáo sư Kim Sung-chul tại Đại học Hàn Quốc, ngoài các doanh trại quân đội, người dân lại có xu hướng nhìn nhận hành vi đánh đập và sỉ nhục người khác chỉ là trêu đùa.

“Quá nhiều chương trình truyền hình trên tivi mà người chơi đánh nhau để mang lại tiếng cười cho người xem. Chuyện các thành viên tham gia chương trình phải nhận những hình phạt như đổ cả xô nước lên đầu, hay bị búng vào trán cũng quá phổ biến”, ông Kim nói.

Theo ông Kim, chính những hình ảnh xuất hiện trên truyền thông khiến người xem bị nhầm tưởng về bạo lực, cũng như xem nhẹ đây là trò đùa. Ông Kim nói thêm những bữa tiệc chúc mừng bạo lực có thể còn liên quan hoặc dẫn tới hành vi bắt nạt người khác.


Theo Minh Thu

Từ khóa:  hàn quốc
Cùng chuyên mục
XEM