Báo Anh: Việt Nam có thể vượt lên thành con hổ mới của châu Á hay không, hoàn toàn trông chờ vào thời khắc này đây

05/08/2016 10:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Với Việt Nam, đây là thời điểm then chốt để xem chúng ta có thể đi được bao xa. Để trở thành một câu chuyện châu Á thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Việt Nam cần có đủ dũng khí để vượt qua thời khắc này.

Năm 2009, khi công ty của Jonathan Moreno đang tìm kiếm địa điểm mới để đắt nhà máy lắp ráp thiết bị y tế, ông đã khá đau đầu. Châu Âu và châu Mỹ thì quá đắt đỏ, Ấn Độ cũng rất phức tạp còn Trung Quốc thì đáng ngại về quyền sở hữu trí tuệ.

Cuối cùng, chỉ còn mỗi Việt Nam là ứng cử viên sáng giá còn sót lại. Mặc dù vậy, đầu tư vào quốc gia mới nổi đang cố gắng thu hút nhà đầu tư nước ngoài như Việt Nam thời điểm đó cũng khá mạo hiểm.

7 năm sau, ông Moreno đã bớt nghi ngờ hơn nhiều. Công ty của ông – Divesatek sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Và Moreno không phải là trường hợp cá biệt. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2015 đã đạt mức kỷ lục. Vậy mà trong nửa đầu năm 2016, 11,3 tỉ USD vốn nước ngoài đã được đổ vào đây, tăng trưởng 105% so với cùng kỳ năm trước. Những hiệp định thương mại lớn được ký kết cho thấy sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi. Quan trọng hơn, Việt Nam đang cho thấy mình giống với Hàn Quốc, Taiwan và Trung Quốc trước đây: Đó là sự kết hợp tốt giữa tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trên thực tế, Việt Nam từ lâu đã có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng lại không được đánh giá đúng. Kể từ năm 1990, Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP đầu người xấp xỉ 6% mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nó đã giúp Việt Nam từ một quốc gia nghèo khó nhất thế giới đi lên thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Nếu Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng lên 7% mỗi năm trong thập kỷ tới đây, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia không thua kém gì Trung Quốc và các “con hổ Đông Nam Á” khác.

Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây để thấy điều này.

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm chúng ta có thể đạt tốc độ tăng trưởng này. Thậm chí, kịch bản không hay có thể xảy ra khi tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 4%, và rơi vào quỹ đạo luẩn quẩn như trường hợp của Thái Lan hay Brazil.

Yếu tố thuận lợi nhất của Việt Nam với các nhà đầu tư là gì? Thật bất ngờ với đa phần người Việt, câu trả lời đó lại là vị trí địa lý gần Trung Quốc. Những ký ức không mấy tốt đẹp trong quá khứ “gần nước lớn”, nay lại đang trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Không có quốc gia nào có vị trí gần hơn khu trung tâm sản xuất bắc Trung Quốc, đồng thời có cả biển và đất liền như Việt Nam. Khi giá thuê nhân công tại Trung Quốc tăng lên theo thời gian, Việt Nam nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các công ty đi tìm nguồn vốn giá rẻ, đặt biệt là các công ty đang có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và cần liên kết các chuỗi cung ứng với nhau.

Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam cũng rất hấp dẫn. Trong khi tuổi trung bình của người Trung Quốc là 36, của Việt Nam chỉ là 30,7. Sớm thôi, Việt Nam cũng sẽ dần già hóa khi các đô thi phát triển mạnh hơn. Hiện tại, 7 trên 10 người Việt đang sống ở khu vực nông thông, một tỉ lệ tương tự với Ấn Độ, trong khi con số này tại Trung Quốc chỉ là 44%.

Việc nhiều lao động tại nông thôn sẽ giúp giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn các quốc gia khác, đồng thời giúp chúng ta giải quyết vấn đề việc làm, vốn rất quan trọng với một nước có tới 100 triệu dân đa phần trẻ tuổi.

Một yếu tố khác cũng rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Đó là chính sách hỗ trợ của chính phủ. Kể từ đầu những năm 1990, chính phủ Việt Nam đã rất chào đón thương mại và đầu tư quốc tế. Những chính sách thông thoáng đã thúc đẩy các DN xây dựng nhà máy tại đây. FDI hiện chiếm tới 1/4 tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Thương mại chiếm tới gần 150% tổng sản phẩm nội địa, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào có cùng mức GDP đầu người như Việt Nam.

Những chính sách dài hạn cũng rất đáng chú ý. Giống Trung Quốc, Việt Nam triển khai mô hình chính sách kinh tế từng địa phương. Các tỉnh thành sẽ cạnh tranh với nhau để thu hút các nhà đầu tư. Mô hình xây dựng khu công nghiệp từ vốn nước ngoài đã được triển khai tại Tp.HCM từ năm 1991, và sau đó được áp dụng tại nhiều tỉnh thành khác.

Lực lượng lao động của Việt Nam cũng dần phát triển kỹ năng tốt hơn. Hiện tại, chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam đang chiếm khoảng 6,3% GDP, nhiều hơn 2% so với trung bình các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trong bản xếp hạng toàn cầu, học sinh 15 tuổi của Việt Nam đánh bại học sinh Mỹ và Anh trong môn toán và khoa học.

Và một lý do quan trọng nhất, đó là Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại vừa ký kết. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Hiện tại, Mỹ bất ngờ tỏ ra không mặn mà với TPP nữa, điều này có thể dẫn tới rủi ro là TPP thất bại. Nhưng kể cả khi điều đó xảy ra, Việt Nam cũng sẽ không quá lo lắng. Quá trình theo đuổi TPP đã giúp cả thế giới biết tới năng lực của Việt Nam. Đấy là chưa kể, những hiệp định tự do thương mại quan trọng khác như FTA với EU đã đi vào hoạt động, và FTA với Hàn Quốc sẽ bắt đầu vào tháng 12 này.

Vậy khó khăn sẽ là gì?

Tất nhiên Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức có thể kìm hãm đà tăng trưởng của quốc gia. Chẳng hạn, những khoản đầu tư thái quá trong thời gian qua đã tạo ra bong bóng bất động sản. Năm 2011, ngành ngân hàng vỡ trận với nợ xấu. Kết quả, Việt Nam phải thành lập VAMC để thu mua lại nợ xấu và làm đẹp lại hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, tổ chức này vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc bơm thêm vốn mới vào các ngân hàng.

Một lĩnh vực khác Việt Nam tỏ ra rất yếu kém nếu so với Trung Quốc. Đó là sự tham gia của khu vực tư nhân. Các DN tư nhân Trung Quốc đóng góp 1,7 nhân dân tệ trên mỗi nhân dân tệ vào tài sản của Trung Quốc (DN nhà nước kém hơn nhiều, chỉ 0,7 trên mỗi đồng nhân dân tệ). Trong khi đó, khu vực tư nhân Việt Nam thì kém hơn nhiều, chỉ đạt mức 0,7, nghĩa là tương tự với DN nhà nước của Trung Quốc.

Thêm vào đó, dù ký nhiều hiệp định thương mại, nhưng chỉ 36% DN Việt Nam đi vào được các chuỗi xuất khẩu, thua xa so với 60% của Malaysia và Thái Lan, theo thống kê của ADB. Chúng ta muốn hướng tới công nghệ cao, nhưng khi Samsung đầu tư 3 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất di động, các nhà cung ứng trong nước chẳng thể làm được gì ngoài phần vỏ nhựa.

Đầu năm nay, bộ KHĐT và Ngân hàng thế giới đã vạch ra một chiến lược phát triển mới trong báo cáo mang tên Việt Nam 2035. Trong đó, báo cáo cung cấp chi tiết cách để khối DN nhà nước cạnh tranh hơn và khôi phục vai trò của kinh tế tư nhân.

Thâm hụt ngân sách trong 5 năm liên tiếp cũng đang tạo áp lực cho chính phủ. Để có tiền, chính phủ đã tiến hành cổ phần hóa hơn 200 DN Nhà nước vào năm ngoái, con số lớn nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 này. Dù các DN được bán chủ yếu là DN nhỏ, nhưng hồi tháng 7 vừa qua, một thương vụ rất lớn đã được đề cập tới, đó là bán lại cổ phần nhà nước tại Vinamilk – doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam.

Sau nhiều năm tăng trưởng, Việt Nam đang dần tiến tới một cột mốc mới. Trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ khó tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi tăng trưởng hơn trước. Tới năm 2017, World Bank sẽ bắt đầu giảm dần các khoản vay ưu đãi.

Với Việt Nam, đây là thời điểm them chốt để xem chúng ta có thể đi được bao xa. Để trở thành một câu chuyện châu Á thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Việt Nam cần có đủ dũng khí để vượt qua thời khắc này.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM