Băng rôn phản đối Uber, Grab hay những hệ luỵ X, Y, Z…

09/10/2017 20:33 PM | Kinh doanh

Sau câu chuyện taxi ở Hà Nội lại đến taxi Vinasun ở Sài Gòn dán băng rôn phản đối Uber và Grab đang làm nóng dư luận xã hội mấy ngày qua. Nhịp dư luận lúc này đã chuyển sang câu hỏi: làm vậy đúng hay sai?

Việc dán băng rôn phản đối đúng hay sai? Nếu sai thì vi phạm những qui định nào?... là việc của những nhà phân tích pháp luật, các cơ quan chức năng. Song nếu chỉ đặt vấn đề ở “cái ngọn” như thế và xử lí nó, e rằng sẽ không giải quyết được rốt ráo vấn đề.

Vấn đề cơ bản ở đây là sự cạnh tranh, sự xung đột lợi ích giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ với hai thương hiệu đại diện lớn nhất là Grab và Uber. Vấn đề ở đây là câu chuyện quản lí các bên chưa mang lại sự hài lòng, gây ra so bì rằng bất bình đẳng, bất công với taxi truyền thống…

Chỉ vài hôm trước thôi, dư luận đã nóng lên trước kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị dừng thí điểm Uber và Grab. Theo đó, hiệp hội này cho biết, hiện cho dù mới chỉ là thí điểm, nhưng lượng phương tiện ôtô chạy Grab và Uber không được kiểm soát, lên đến 44.000 chiếc ở Hà Nội và 36.000 chiếc ở TPHCM, đã phá vỡ qui hoạch giao thông.

Trong khi taxi truyền thống lâu nay bị khống chế số lượng phương tiện, thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, muốn tăng được vài trăm xe đưa ra thị trường phục vụ phải xin phép trầy trật, còn phương tiện chạy Uber và Grab thì đang được mặc sức bùng phát không có ai kiểm soát, giới hạn hay khống chế.

Đó là một thực tế. Cho dù Uber và Grab có mang lại lợi ích không nhỏ cho người tiêu dùng là nhìn chung giá rẻ hơn, độ an toàn khi đi cao hơn, thái độ phục vụ ân cần và lịch sự hơn…, nhưng nếu nhìn trên đại cục thì các phương tiện Grab và Uber gia tăng quá nhanh, quá mạnh cũng đang gây áp lực không nhỏ lên hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải dẫn đến ách tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Và nói đi thì cũng phải nói lại: Vì sao phương tiện Uber và Grab gia tăng nhanh đến vậy? Vì sao các phương tiện này có gây ra những hệ luỵ nhất định nhưng người tiêu dùng vẫn đang chuộng dùng? Có rất nhiều lí do, như đã nói, trước hết là giá rẻ hơn, tiện ích hơn, thái độ phục vụ tốt hơn.v.v…

Từ khi có Grab và Uber, taxi truyền thống mất đi thế “một mình một chợ” như trước đây - chỉ biết tăng giá khi giá xăng tăng song khi giá xăng giảm mạnh thì giá cước lại giảm nhỏ giọt. Taxi công nghệ, như một sự trừng phạt thích đáng đối với lối làm ăn kiểu cũ của taxi truyền thống và chính điều đó dẫn đến hệ luỵ bây giờ là việc dán băng rôn phản đối.

Trên thực tế thì taxi truyền thống cũng đã và đang chạy đua làm ứng dụng đặt xe qua smartphone (theo Bộ GTVT hiện có 9 ứng dụng gồm cả Uber và Grab). Nhưng các ứng dụng này hoạt động mang tính hình thức hơn là thực chất. Nhiều tài xế taxi truyền thống, khi nhận cuốc đặt xe của khách, không muốn tiếp nhận, hoặc một số ứng dụng được cho là rất… “củ chuối”, rất hay bị trục trặc kĩ thuật, việc trực tổng đài ứng dụng thiếu xuyên suốt và chuyên nghiệp...

Nhưng vấn đề lớn nhất tạo ra sự khác biệt giữa ứng dụng của Grab và Uber với các ứng dụng còn lại của taxi truyền thống chính là sự khai thác thế mạnh của ứng dụng công nghệ.

Một bên là taxi công nghệ thực sự, sống được là nhờ vào ứng dụng và bằng ứng dụng, tất cả những dữ liệu thu thập từ ứng dụng luôn được phân tích để tính toán đưa ra bài toán marketing và kinh doanh hiệu quả nhất.

Trong khi taxi truyền thống, ứng dụng chỉ là phần tiện ích tăng thêm, đưa ra ứng dụng nhưng vẫn kinh doanh với tư duy theo cách truyền thống, thì không bao giờ có thể làm tốt được bằng bên chỉ tập trung vào kinh doanh thông qua ứng dụng.

Đối với dư luận xã hội, việc dán băng rôn phản đối có thể nói là hạ sách, bất đắc dĩ của các tài xế taxi truyền thống nhằm gia tăng áp lực lên cơ quan quản lí sớm quan tâm, xem xét một cách thấu đáo các kiến nghị của họ chứ không phải cứ nói lấy được hay thấy căng thì lại “chuyền bóng” cho các địa phương.

Bởi trên thực tế cho tới thời điểm này, chưa có hành lang pháp lí qui định một cách rõ ràng đối với loại hình taxi công nghệ, từ phân loại loại hình hoạt động, mức thuế, cho đến các điều kiện kinh doanh trong đó có phương tiện vận chuyển…

Chính thực trạng quản lí như vậy đang khiến cho taxi truyền thống cảm thấy bị "ghẻ lạnh", bị cạnh tranh không công bằng nên đi đến cách phản ứng là dán băng rôn phản đối.

Theo Thụy Du

Cùng chuyên mục
XEM