Bằng chứng cho thấy việc phong toả kịp thời ở Việt Nam giúp "chặt đứt" nguồn lây của 30% ca bệnh không được phát hiện

29/05/2021 08:02 AM | Xã hội

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney cho thấy việc phong tỏa kịp thời đã khiến 30% ca bệnh (19/67) tuy không phát hiện được nhưng không tiếp tục lây lan xa.

Kết quả nghiên cứu đã được đưa lên bản đồ theo dõi lưu hành kháng thể toàn cầu (xem link tại đây )

Khảo sát mức độ lưu hành kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở người dân sống tại các ổ dịch trước đây cho thấy ngoài 48 ca bệnh COVID-19 được phát hiện, có 19 người có kết quả dương tính, chiếm 0,4% trong tổng số 5.103 người dân trong cộng đồng. Trong đó, chỉ có một người đã từng có triệu chứng nhức đầu và viêm kết mạc. Nếu tính cả 48 bệnh nhân thì tỷ lệ người có kháng thể kháng SARS-CoV-2 là 1,3%.

Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney  phối hợp với 35 đơn vị gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các Bệnh viện Phổi và CDC các tỉnh, thực hiện ở các ổ dịch tại Hạ Lôi/Hà Nội (vụ dịch 4/2020), Đà Nẵng và Quảng Nam (7-8/2020), Hải Dương và Quảng Ninh (1-3/2021).

Nghiên cứu được triển khai bằng phương pháp điều tra cắt ngang khảo sát toàn bộ người dân từ 5 tuổi trở lên, chưa tiêm vaccine COVID-19 và sống tại các cụm dân cư có ít nhất 2 người mắc COVID-19.

 Bằng chứng cho thấy việc phong toả kịp thời ở Việt Nam giúp chặt đứt nguồn lây của 30% ca bệnh không được phát hiện - Ảnh 1.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dân ở tâm dịch có kháng thể kháng SARS-CoV-2 là rất thấp

Người dân được phỏng vấn tiền sử tiếp xúc, triệu chứng nghi mắc COVID-19, lịch sử đi lại, và được xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng SARS-CoV-2 sử dụng kit elecsys anti-SARS-CoV-2 serology assay của Roche. Xét nghiệm phát hiện kháng thể thực hiện tại phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Nghiên cứu cũng khảo sát mức độ lưu hành kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở cán bộ y tế và cán bộ trong trung tâm cách ly tại một số tỉnh/thành phố. Toàn bộ 148 cán bộ y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại hai bệnh viện ở Đà Nẵng được xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 đều có kết quả âm tính. Các cán bộ y tế có triệu chứng được xét nghiệm RT-PCR và đều có kết quả âm tính.

Xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 tại khu cách ly ở Quảng Ninh tìm thấy 1 trong 9 cán bộ y tế tại một khu cách ly có kết quả dương tính. Khu cách ly này phát hiện được 12 ca bệnh. Sáu cán bộ y tế tại một khu cách ly khác và 35 cán bộ đảm nhiệm lấy mẫu, hậu cần và an ninh tại cả hai khu này đều có kết quả âm tính khi xét nghiệm kháng thể.

 Bằng chứng cho thấy việc phong toả kịp thời ở Việt Nam giúp chặt đứt nguồn lây của 30% ca bệnh không được phát hiện - Ảnh 2.

Tỷ lệ người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch là rất cao.

Tỷ lệ người có kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong nhóm người sống chung nhà với ca bệnh COVID-19 cao nhất - 12,7 %. Tỷ lệ này ở người tiếp xúc với ca bệnh chỉ điểm trong phạm vi 2 mét trong ít nhất 15 phút; hoặc đã từng ở cùng một phòng với ca bệnh chỉ điểm trên 2 tiếng trở lên trong giai đoạn lây nhiễm của ca bệnh chỉ điểm chỉ chiếm 2 %. Có 0,2% người dân trong cộng đồng có kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Từ nghiên cứu trên có thể rút ra: Khi dịch đã kết thúc, tỷ lệ người dân ở tâm dịch có kháng thể kháng SARS-CoV-2 là rất thấp, chỉ chiếm 0,4% (không bao gồm 48 ca bệnh đã phát hiện từ trước), tương đương với 19 người có thể đã mắc bệnh nhưng không được phát hiện trước đó. Xét nghiệm PCR ở người có triệu chứng hô hấp đều âm tính.

Điều này cho thấy việc phong tỏa kịp thời đã khiến 30% ca bệnh (19/67) tuy không phát hiện được nhưng không tiếp tục lây lan xa hơn nữa.

Kết luận:

1. Vì vậy nhóm nghiên cứu cho rằng hiện số ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện trong cộng đồng, ở cán bộ y tế và người lao động di cư là rất thấp. Kết quả khảo sát huyết thanh học SARS-CoV-2 cho thấy các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước đây đã ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng.

2. Địa điểm nghiên cứu được lựa chọn là nơi đã phát hiện các ca bệnh COVID-19. Do đó, tỷ lệ người có kháng thể kháng SARS-CoV-2 tại những nơi này dự kiến cao hơn so với quần thể chung.

3. Vẫn phát hiện người lao động di cư làm việc tại khu công nghiệp có kháng thể kháng SARS-CoV-2 dù không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy cần phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 thường xuyên cho công nhân để phát hiện sớm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn các đợt dịch quy mô lớn có thể bùng phát.

4. Khảo sát huyết thanh học là khả thi và đã cung cấp những thông tin hữu ích về mức độ lây lan trong cộng đồng của các vụ dịch COVID-19.

5. Tỷ lệ người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch là rất cao.

* Tiêu đề bài viết do Toà soạn đặt

TS Nguyễn Thu Anh

Cùng chuyên mục
XEM