Bạn yêu quý, tại sao bạn lại phải đi làm?
Bạn phải tìm hiểu xem công ty vận hành thế nào, quyết đinh phát triển một sản phẩm mới ra sao, làm thế nào để mở rộng về phần mềm trên thị trường...
Nội dung bài viết trích từ cuốn "Ở Lại Thành Phố Hay Về Quê?" tác giả Mèo Maverick, do Vibooks phát hành.
Thiến Thiến yêu quý!
Ở tận Hồng Kông xa xôi, bạn khóc kể với mình rằng không biết công việc có ý nghĩa gì nữa. Hằng ngày, bạn vất vả viết đủ mọi loại báo cáo, làm đủ mọi bảng biểu kỳ quặc… Khi cấp trên không vui thì bản thân cũng không vui, có lẽ chỉ ông chủ ở Mỹ vui thôi. Bạn còn kể đồng nghiệp đấu đá lẫn nhau, bạn không đấu được họ và luôn bị lừa gạt. Bạn buồn bực, băn khoăn và không vui.
Thiến Thiến yêu quý, tôi thường nhận được điện thoại của bạn, được nghe bạn kể về công việc, về môi trường công sở. Nhưng bạn có từng nghĩ đến một vấn đề, tại sao bạn phải đi làm?
Không sai, đi làm giúp bạn nuôi gia đình, mặc dù bây giờ bạn cũng chỉ đủ nuôi mình. Nhưng như thế cũng là cơ bản nhất rồi.
Ở nơi làm việc, chúng ta sẽ gặp những đồng nghiệp mình không thích. Bạn thường nói tôi tốt số, đồng nghiệp tử tế với tôi, công ty không có cảnh đấu đá lẫn nhau. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ sẽ đối xử với họ theo một cách khác chưa? Cho dù họ có tồi tệ với bạn đến đâu, họ phòng bị, công kích, ức hiếp bạn nhưng bạn phải thông minh để học được điều gì đó từ họ. Hồi năm thứ hai, tôi đi thực tập, khi khó chịu buồn bực những nhân viên chính thức trong công ty thường mang tôi ra làm cái thùng trút giận.
Tôi chịu ấm ức cũng không dám khóc trong văn phòng. Kẻ công kích tôi là một người thông minh, khả năng giao tiếp giỏi. Những thứ tôi diễn đạt không đâu vào đâu, cô ấy lại biểu đạt rất nhanh và lễ phép. Tôi từng họp qua điện thoại với cô ấy. Cô ấy không thèm bận tâm tới tôi, cho rằng tôi cản trở công việc và không biết ăn nói. Đúng vậy! Tôi không biết ăn nói nhưng tôi biết cách lắng nghe; thậm chí khi cô ấy nói chuyện vu vơ, tôi cũng nghe chăm chú. Cô ấy nói năng lưu loát và hoàn chỉnh, trước sau đều vô cùng lễ phép. Cách nói chuyện của cô ấy quan tâm đến tâm trạng và phản ứng của người nghe điện thoại. Tôi rất mừng khi nghe được năm cuộc điện thoại mà cô ấy gọi. Sau đó, tôi bắt đầu học được cách bắt chuyện.
Đồng thời, bạn hãy nghĩ xem mình coi công ty là gì. Mỗi công ty đều là một ngôi trường kinh doanh hoàn chỉnh. Dù công ty ấy thành bại tốt xấu thế nào đều là một trường hợp MBA xuất sắc, hãy coi việc đi làm như đi học MBA. Bạn phải tìm hiểu xem công ty vận hành thế nào, quyết đinh phát triển một sản phẩm mới ra sao, làm thế nào để mở rộng về phần mềm trên thị trường, làm thế nào giành được sự tin tưởng của khách hàng, bộ phận tài chính vận hành ra sao, giám đốc hành chính làm những việc gì; thậm chí mỗi dự án bạn phụ trách được đề ra thế nào, làm sao để hoàn thành, viết báo cáo kết luận ra sao, làm thế nào quyết toán… Bạn cần nghiêm túc nghiên cứu công việc như khi đi học MBA, mới có được thu hoạch lớn.
Trong quá trình tiến về phía trước ở môi trường làm việc, bạn phải phát hiện được ưu thế của mình, đồng thời cố gắng trở thành người mình muốn trở thành.
Chúng ta không thể nào một bước tiến vào lĩnh vực mình am hiểu ở ngay thời kì đầu mới đi làm, cho dù ngày ấy bạn có cho rằng mình rất giỏi. Khi tốt nghiệp, chúng ta nhìn thấy quá nhiều cái tên, thấy đủ mọi báo cáo về mức lương, thấy offer chói mắt của bạn bè, thấy nụ cười kêu ngạo trên mặt cha mẹ. Khi ấy, chúng ta còn chưa kịp nhìn rõ nội tâm của mình. Chúng ta tự ý nhảy vào một lĩnh vực tự cho là may mắn mới vào được. Một năm, hai năm… rồi chúng ta mới phát hiện ra ưu thế của mình. Chúng ta thấy thế giới lớn hơn, lúc này chúng ta mới hiểu được nội tâm mình.
Khi bạn nhìn rõ nội tâm mình, hãy bước vào đó tạo ra một thế giới hạnh phúc. Thích viết lách hãy làm tác giả, thích giao tiếp hãy làm PR, thích giáo dục thì làm thầy cô giáo, thích chia sẻ hãy làm web…
Trên thế giới này, tốt nhất khi bạn là chính mình. Vì nghề nghiệp mà cả đời này bạn làm, vì ước mơ bạn đã bỏ ra hai năm tranh đấu và dằn vặt mới tìm thấy, hãy cố gắng trở thành người mà mình muốn trở thành nhất.
Thiến Thiến yêu quý!
Nếu bạn là một thanh niên dám nghĩ dám làm, bạn hãy dùng tâm thái của người đi học, đôi mắt của phát hiện, nội tâm giác ngộ để trải nghiệm ba năm đầu tiên ở nơi làm việc. Thời gian này, bạn đừng bận tâm tới việc tiền có thể giúp bạn có được cuộc sống đầy đủ hay không, bạn cũng đừng tính toán những gì mình bỏ ra và đạt được có bằng nhau không. Thứ bạn bỏ ra là để tìm ra ưu thế và nhược điểm của mình, hiểu tính cách, thắp sáng mơ ước của mình, làm công việc mà cuộc đời này bạn cho rằng đó là việc hạnh phúc nhất. Muốn thế bạn cần phải dũng cảm, dám thay đổi, có một nội tâm mạnh mẽ chịu đựng được cô đơn. Ngày ấy quyết chí ở lại Hồng Kông, tôi nghĩ bạn nhất định là một cô gái dũng cảm và thông minh. Dùng cả đời làm một việc mà bản thân mình thích nhất, về già rồi mới thật sự đắm chìm trong chân lý và ánh mặt trời của cuộc đời.
Nếu bạn có thể khôn ngoan và dũng cảm như thế, tôi nghĩ chắc bạn sẽ chẳng còn nhiều thời gian và sức lực để nghĩ tới những tranh đấu nơi công sở, đúng không nào? Bạn nên bắt đầu đi khai phá nội tâm của chính mình, nên nạp điện để có sức học hỏi… Dù sao, đối với vạn sự vạn vật mà nói, sống tốt mỗi ngày của mình quan trọng hơn tất thảy.