"Bàn tay hữu hình" giúp Quảng Ninh dẹp loạn sốt đất ảo: Sốt ở đâu "đóng băng" giao dịch luôn ở đó!
Quảng Ninh là địa phương có tốc độ phát triển xây dựng hạ tầng giao thông thuộc hàng nhanh nhất cả nước, đồng thời thu hút nhiều dự án đầu tư lớn với tổng giá trị đầu tư lên tới vài chục nghìn tỷ đồng. Vậy, tỉnh này đã làm gì để ngăn chặn những cơn sốt đất làm lũng loạn thị trường?
Ngay ba tháng đầu năm 2021, những cơn sốt đất từ Bắc vào Nam đã khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, sốt đất không phải đến bây giờ mới có, mà đã xảy ra rất nhiều lần, qua nhiều năm. Trong đó, không ít cơn sốt đất ảo đã đẩy nhà đầu tư vào thế mất vốn, không thể thoát hàng, người dân địa phương mất đi đất canh tác, còn các khu vực tưởng "đất vàng" lại hoá "đất hoang".
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương ghi nhận nhiều lần sốt đất. Tuy nhiên, các cơn sốt tại tỉnh này thời gian gần đây thường được "dập" rất nhanh và chỉ có trường hợp nổi cộm ở Vân Đồn. Để đạt được sự bình ổn này, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của cơ quan quản lý.
Bối cảnh:
Quảng Ninh có tốc độ phát triển xây dựng hạ tầng giao thông thuộc hàng nhanh nhất cả nước, đồng thời thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. Có thể điểm nhanh những dự án tiêu biểu như xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dự kiến hoàn thành năm 2021), tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, xây đường ven sông Bạch Đằng nối Quảng Yên với Đông Triều,… với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn được hoàn thành, như Quần thể du lịch giải trí Sun World Halong Complex; Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Ha Long Bay Resort; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Premier Village Hạ Long; quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC; Tổ hợp nghỉ dưỡng suối nước nóng trị liệu Yoko Onsen Quang Hanh, Cẩm Phả; Khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tàu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC..
Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao, bao gồm Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Công viên Hoa Hạ Long...
Và như một hệ quả tất yếu, giá đất tại nhiều khu vực của Quảng Ninh cũng "sốt sình sịch".
Điển hình, trong năm 2019, trước thông tin sáp nhập với Tp. Hạ Long, tại Hoành Bộ đã diễn ra ít nhất 3 cơn sốt đất. Khi ấy, giá khu tái định cư thuộc huyện này từ 3-5 triệu đồng/m2 bị đẩy lên gấp 2-3 lần, trung bình từ 7-10 triệu đồng/m2.
Tương tự, năm 2019, tại phiên đấu giá đất của thị xã Quảng Yên, mỗi lô đất đều được đẩy cao gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm chỉ từ 4-5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, rất ít người đấu giá thành công có nhu cầu mua đất với mục đích để ở; mà phần lớn, đất thuộc về tay các "cò", bởi ngay sau đó, các lô trúng đấu giá đã được treo biển bán. Giá bán được giới đầu tư đẩy lên, dao động từ 18-22 triệu đồng/m2. Chưa hết, các văn phòng môi giới cũng mọc lên như nấm. Hiện tượng này vẫn tiếp diễn trong năm 2020.
Hành động:
Trước tình trạng sốt đất ảo liên tục diễn ra, từ cuối năm 2019, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã mạnh tay thực hiện các biện pháp nhằm ổn định thị trường địa ốc, ngăn không cho giới "cò mồi" lộng hành.
Giữa cơn sốt, vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định ngừng đấu giá đất nền trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Cơ quan này cũng yêu cầu Quảng Yên phải tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức cụ thể, phù hợp đến từng thôn, khu, tổ dân về các chiêu trò đầu cơ gây sốt ảo đất nền để trục lợi của các "cò đất"; tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ, lũng đoạn thị trường đất đai.
Các văn phòng môi giới nhà đất không đủ điều kiện cấp phép hoạt động sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Đến tháng 10/2020, biện pháp này tiếp tục được vận dụng khi sóng sốt đất "quét" đến Hoành Bồ. Khi ấy, UBND TP. Hạ Long yêu cầu tạm dừng giải quyết hồ sơ liên quan đến tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đối với các loại đất (trừ đất ở) tại khắp 11 xã, phường.
Tuyến đường nối KCN Cái Lân với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, nơi khu vực đất thuộc chỉ giới xây dựng bị "đóng băng" giao dịch.
Phạm vi tạm dừng thủ tục theo mặt bằng tuyến tính từ chỉ giới quy hoạch chi tiết xây dựng và chỉ giới giải phóng mặt bằng sang 2 bên, mỗi bên 50m của các tuyến giao thông: Tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; tuyến đường nối khu công nghiệp Cái Lân đến đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng, tuyến đường kết nối từ trung tâm TP đi xã Đồng Lâm - Kỳ Thượng.
Nói cách khác, các mảnh đất nằm trong phạm vi 50m tính từ mỗi bên mép đường trở vào, đều không được phép giao dịch, mua bán. Việc này đã khiến giới cò mồi mất đi "sân chơi", không thể ăn theo các dự án hạ tầng mà đẩy giá lên cao.
Vai trò của "bàn tay hữu hình"
Theo một chuyên gia bất động sản, cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và giữ ổn định thị trường bất động sản. Việc yêu cầu ngừng giao dịch tại các khu vực sốt đất ảo nhằm ngăn giá bị đẩy lên cao, điển hình như Quảng Ninh, là rất cần thiết. Sau khi thị trường trở về trạng thái bình thường, các quy định sẽ được gỡ bỏ.
"Bàn tay hữu hình" này hoàn toàn không kìm hãm sự phát triển tự nhiên của thị trường, mà ngược lại giúp nó đi đúng hướng và bền vững hơn.
Ngoài ra, một biện pháp khác được thảo luận từ lâu, đó là sử dụng công cụ thuế. Việc đánh thuế luỹ tiến lên căn nhà/đất nền thứ 2 đã được các nước như Anh, Mỹ, Hàn Quốc áp dụng để tránh tình trạng đầu cơ vào thị trường bất động sản.
Còn theo Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà chia sẻ với Zing, nên chia đất đai thành 2 quỹ đất khác nhau. Quỹ thứ nhất là đất đai tham gia thị trường một cách tự do, mục đích chính là phát triển các dự án bất động sản, phù hợp các quy luật cung - cầu. Ở quỹ này, thị trường đất đai sẽ diễn biến một cách tự do, tuân thủ các quy định của Nhà nước, nhưng không chịu "bàn tay" điều tiết.
Quỹ thứ hai là đất đai không phát triển theo hướng thị trường. Quỹ này sẽ dùng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Cụ thể, quỹ đất sẽ dành cho xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư hạ tầng xã hội, đầu tư khu công nghiệp…
Ở mỗi quỹ đất, Nhà nước sẽ quyết định, điều tiết mức độ tham gia thị trường một cách khác nhau.