Bạn nhờ chỉ chơi chứng khoán, thua lại quay ra chửi: Tôi ngán quá rồi!

19/02/2022 09:45 AM | Kinh doanh

Lúc nhờ hướng dẫn thì ngọt ngào, năn nỉ. Nhưng thị trường chứng khoán luôn có rủi ro. Tôi đâu lường hết được.

Năm 2008, hiện tượng "hòn tuyết lăn" tác động sâu sắc đến thị trường. Trong hơn 6 tháng đầu năm đó, Vn-Index đã giảm hơn 60% so với cuối năm 2007. 71/103 phiên giao dịch thể hiện Vn-Index giảm điểm.

Đỉnh điểm là chuỗi 34 phiên giảm liên tiếp từ giữa tháng 4/2008 tới đầu tháng 6/2008. Nhiều đầu tư bị cuốn theo sóng tiêu cực. Đấy là lần đầu tiên, chứng khoán thể hiện rõ sự ảnh hưởng tâm lý, đời sống của nhà đầu tư.

Sau lần ấy, nhiều người dân bị "lãnh cảm" với hình thức đầu tư này. Trong đó, nhiều bạn bè đồng trang lứa chọn đứng ngoài, rất cẩn trọng khi nghe bất kỳ thông tin gì về chứng khoán hoặc thông tin thị trường cổ phiếu.

Hơn 10 năm trước, thời điểm tôi còn là sinh viên ngành tài chính, chứng khoán vẫn còn là gì đó rất xa lạ. Nhiều người mù mờ về nó. Thậm chí, khi đó, phần lớn mọi người nghĩ: " Chứng khoán là dành cho bọn nhà giàu!" hoặc đỡ hơn thì "Chơi chứng khoán chắc cũng tầm đại gia".

Tôi chọn tham gia. Tôi trích tiền lương làm thêm thời sinh viên để mua những cổ phiếu đầu tiên để đầu tư. Gọi đầu tư thì to tát, thực chất là trải nghiệm và học hỏi. Tạm gọi theo kinh nghiệm làm việc thì tôi cũng có hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu.

Trong đầu tư có lỗ, có lãi. Món lãi đầu tiên tôi mua được chiếc áo sơ mi. Tôi ra mốc trên cho lãi và cận dưới cho lỗ để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Khoảng gần một năm trở lại đây, làn sóng nhà đầu tư hoàn toàn xa lạ với khái niệm đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Theo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam, chỉ trong năm ngoái, các công ty chứng khoán đã hỗ trợ mở mới 1,5 triệu tài khoản cá nhân.

Trong số này có bạn tôi, nam, 35 tuổi, độc thân, trước đó rất sợ chứng khoán vì lo ngại nhiều điều. Anh cũng chưa từng đầu tư hay kinh doanh, chỉ biết làm văn phòng rồi đi về.

Người bạn này bị giảm thu nhập như rất nhiều người, trong giai đoạn cao điểm TP HCM chống dịch (khoảng từ tháng 6-9/2021). Chàng trai 35 tuổi cảm thấy chán nản và nghe ngóng được thị trường chứng khoán tăng trưởng "nóng" vào thời điểm đó.

Anh hỏi tôi về các thủ tục mở tài khoản. Tôi đã hướng dẫn một số kiến thức cơ bản về đầu tư chứng khoán. Tôi nhấn mạnh đến cách xem báo cáo tài chính vì quan điểm của tôi là đầu tư dài hạn. Anh cũng "ờ ờ", hiểu hiểu những gì tôi nói.

"Mày đầu tư mã nào?", anh ấy hỏi tôi như vậy. Tôi buột miệng nói một trong những mã tôi đang theo. Sau đó, tôi biết rằng anh cũng mua y chang với khối lượng lớn (so với mức thu nhập của anh). Mã đấy có một thời gian tăng trưởng rất tốt. Tôi không nghe người bạn ấy nói gì, kể cả một câu cảm ơn.

Nhưng mới đây, khi mã lao dốc anh lo lắng bán ra. Cuối phiên chiều hôm đó, anh bạn gọi điện. Và mắng tôi: "Tại sao tư vấn mã đó để bây giờ phải mất một khoản tiền lớn như vậy". Bỗng dưng tôi trở thành người có lỗi trong câu chuyện đáng lý phải được cảm ơn vì khoảng thời gian mình bỏ ra hướng dẫn, giải thích cách đầu tư vào thị trường.

Chứng khoán ở Việt Nam thực sự rất khó giải thích vì sao nó tăng, mai lại giảm. Những người xác định chơi ngắn hạn thì nên xem bảng điện thường xuyên để đưa ra ứng xử kịp thời. Anh cứ mắng còn tôi cứ giữ mã cổ phiếu đó.

Điều quan trọng đối với một người chơi chứng khoán mới đó chính là hãy tự tin vào bản thân mình. Mọi ý kiến làm nhiễu xung quanh cũng không bằng lý tưởng kiên định của chính mình. Đồng thời, cần thiết lập cho cá nhân một hoặc một vài khẩu vị trong rổ đầu tư như: mạo hiểm, an toàn... để khi xảy ra sự rung chuyển ở nhóm làm thì tức khắc sẽ có hành động.

Và tôi cũng hứa với bản thân mình sẽ không chỉ thêm ai nữa. Sợ lắm rồi!

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM