Bán nhà theo 2 con sang Singapore du học từ năm lớp 7 và lớp 9, ông bố ở TP.HCM đúc rút loạt kinh nghiệm “xương máu”

01/03/2023 09:35 AM | Sống

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Hoàng Hà đã đưa ra hàng loạt lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh trước vấn đề cho con đi du học sớm.

Ngày nay, có nhiều gia đình sẵn sàng cho con đi du học sớm, ngay ở độ tuổi 13, 14. Bên cạnh những lợi ích mang lại cũng tồn tại không ít khó khăn, thách thức mà cả trẻ và gia đình phải đối mặt. Là một ông bố có 2 con đi du học từ bậc trung học và hiện đang cố vấn chiến lược cho nhiều gia đình có ý định cho con ra nước ngoài học tập, anh Hoàng Hà đã có những chia sẻ cực hữu ích và thú vị.

Anh Đinh Hoàng Hà (50 tuổi, TP. HCM), hiện đang công tác tại trường SSTC Singapore với chức vụ là Giám đốc vùng. Vì có 2 người con đều học tập tại Singapore từ sớm nên hiện vợ chồng anh đã chuyển đến sinh sống và làm việc tại Singapore.

Con lớn của anh đi du học từ tháng 5/2014 - khi vừa học xong lớp 9 tại Việt Nam. Con qua Singapore học từ Seccondary 3 (tương đương lớp 9 ở Việt Nam, tức học lại lớp 9). Hiện con đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Marketing (Science in Marketing) tại trường Đại học Khoa học và Xã hội Singapore (SUSS - Singapore University of Social Sciences).

Còn con thứ hai của anh đi du học Singapore từ tháng 5/2016 - khi vừa học xong lớp 7 tại Việt Nam. Con sang học từ Seccondary 2 (tương đương lớp 8 ở Việt Nam). Hiện con vừa học xong Nanyang Polytechnic (NYP) ngành Quản lý Vận hành Hệ thống Hàng không Vũ trụ (Aerospace Systems and Management) và đang chờ kết quả thi tốt nghiệp.

Cho 2 con sang Singapore du học từ năm lớp 7 và lớp 9, ông bố ở TP.HCM rút ra loạt kinh nghiệm - Ảnh 1.

Anh Đinh Hoàng Hà (50 tuổi, TP. HCM), hiện đang công tác tại trường SSTC Singapore với chức vụ là Giám đốc vùng.

"Muốn chim biết bay, hãy đạp nó ra khỏi tổ"

Anh Hoàng Hà luôn tâm niệm lời nói của cha mình: "Muốn chim biết bay, hãy đạp nó ra khỏi tổ". Nhớ lời dạy ấy, anh cho rằng để con phát triển bản thân thì đi du học sớm là một trong những cơ hội giúp con nâng cao tính tự lập, tự do khám phá bản thân, trải nghiệm thực tế quý giá. Nhờ đó, con sẽ có một thế giới quan mở rộng.

Đi du học còn giúp con biết thêm nhiều ngoại ngữ mới, có nhiều người bạn quốc tế. Từ đó giúp con học hỏi thêm được nhiều nét văn hoá khác nhau. Điều cuối cùng mà du học sớm mang lại là giúp tăng cơ hội việc làm. Bởi nhà tuyển dụng thường đánh giá cao một du học sinh có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài, sẵn sàng chấp nhận thử thách và có thể đương đầu với các tình huống khác nhau. Kinh nghiệm sống và học tập ở nước ngoài là yếu tố giúp con trở nên khác biệt so với phần lớn ứng viên trong nước.

Sau khi phân tích khía cạnh các vấn đề đem lại lợi ích cho con nhiều nhất, anh Hà đã chọn Singapore cho các con đi du học. Bởi đây là quốc gia gần Việt Nam, có thời tiết, văn hoá, ẩm thực tương tự. Đặc biệt, tình hình an ninh của Singapore ổn định, còn nền giáo thì tiên tiến và được cập nhật liên tục. Việc ra nước ngoài học tập không chỉ là mong muốn của vợ chồng anh Hà mà cũng là ước nguyện, ước mơ của 2 con.

Cho 2 con sang Singapore du học từ năm lớp 7 và lớp 9, ông bố ở TP.HCM rút ra loạt kinh nghiệm - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Hà luôn tạo mọi điều kiện để các con được theo đuổi đam mê của mình.

Cố gắng chuẩn bị tốt nhất để con không bị "đứt gãy giữa đường"

Để các con yên tâm học tập, anh Hà đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi vấn đề nhằm giảm thiểu sự cố.

- Về mặt tinh thần, anh xác định khi con bước ra ngoài học hỏi, tức "bước ra khỏi vùng an toàn" đã là một sự thành công. Vì thế, anh tìm mọi cách động viên con, tuyệt đối không quát mắng khi con đạt kết quả chưa như mong muốn. Anh luôn tìm điểm tích cực ở các con để khen ngợi, giúp con tự tin và có động lực phấn đấu.

- Về mặt ngôn ngữ, đây là điều rất quan trọng. Khi sang Singapore, con phải giao tiếp và học tập chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh nên nếu không học giỏi ngoại ngữ sẽ khó theo kịp các bạn. Trước khi đi du học, anh Hà đã đăng ký lớp Anh – Văn học thuật cho con, tập trung vào viết luận nhiều để nâng cao ngôn ngữ.

- Về kỹ năng sống, anh Hà cho con tham gia Câu lạc bộ Kỹ năng Sao Chiến Sĩ của Quận Đoàn 1 TP. HCM. CLB không chỉ trau dồi khả năng giao tiếp mà còn giúp con học được kỹ năng sinh tồn đáng quý. Con sẽ biết cách xử lý mọi tình huống khẩn khi không có bố mẹ ở cạnh bên.

Về việc chuẩn bị tài chính, anh Hà xác định đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Và khi lập kế hoạch phải tính đến việc con thi trượt, phải học lại để lượng sức tài chính, không để con bị "đứt gãy giữa chừng" mà phải quay về nước. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu hệ thống giáo dục và những chính sách, chi phí liên quan khi lập kế hoạch du học. Từ đó xác định được số năm học tập, đưa ngân sách phù hợp tương ứng.

Nguồn thu nhập của gia đình sau khi trừ đi các khoản chi phí hàng tháng như: Tiền điện, tiền nước, tiền ăn,… sẽ được chia thành 3 phần:

Phần 1 có tên gọi là "cục gạch", dành việc học hành. Lý do phần này có tên gọi như vậy vì đây là khoản tiền xây nền móng tri thức vững chắc.

Phần 2 có tên gọi là "cục bê tông", dành cho việc dưỡng già. Ai cũng sẽ già đi, cần có khoản tiền tiết kiệm để chi tiêu và hạn chế sự hỗ trợ từ con cái.

Phần 3 có tên gọi là "cục thủy tinh", dành cho việc đầu tư kinh doanh.

Anh Hà chia sẻ: "Phân chia rõ ràng như vậy nên gia đình tôi sử dụng tiền đúng mục đích. Trong việc làm ăn, tôi chỉ dùng tiền ở "cục thủy tinh" nên chẳng may thất bại cũng không ảnh hưởng đến 2 khoản tiền còn lại. Thế nhưng, chia ra 3 khoản rất dễ nhưng để tuân thủ mới là điều khó. Tôi không muốn cuộc sống xảy ra bất trắc nên luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Và điều này cũng góp phần giúp con ổn định tâm lý trong học tập, không lo lắng về tài chính gia đình".

Cho 2 con sang Singapore du học từ năm lớp 7 và lớp 9, ông bố ở TP.HCM rút ra loạt kinh nghiệm - Ảnh 3.

Nhờ phân chia tài chính rõ ràng và có kế hoạch cụ thể nên vợ chồng anh rất tự tin khi cho các con ra nước ngoài học tập.

Đồng hành cùng con vượt qua hàng loạt thách thức và lời khuyên "4S" giá trị

Rào cản đầu tiên và lớn nhất khi con đi du học là tiếng Anh. Dù tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ ở Singapore nhưng yêu cầu chuẩn tiếng Anh của Singapore rất cao và được chú trọng. Để giúp con cải thiện ngôn ngữ, anh Hà yêu cầu con chuyển điện thoại, máy tính… sang chế độ ngôn ngữtiếng Anh. Ngoài ra, anh khích lệ con xem các kênh tiếng Anh, đọc sách truyện tiếng Anh, học 50 từ vựng/ngày; Viết essay (tiểu luận) theo quy định,…

Khó khăn thứ hai mà con gặp phải là làm quen với phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh "phát triển theo cách tự nhiên chứ không áp đặt hay bắt buộc trẻ theo một khuôn mẫu", có thể hiểu là chuyển từ "đọc chép" sang phần lớn là "tự nghiên cứu, tự do sáng tạo". Tất nhiên các con anh từng sốc trước cách học mới. Nhưng anh Hà đã khích lệ con tự tin tìm gặp thầy cô để hỏi những vướng mắc. Ngoài ra, con cũng cần tập tranh luận và nêu quan điểm. Đồng thời, anh yêu cầu con dành thời gian xem trước bài mới sau khi hoàn thành bài tập về nhà.

Khó khăn thứ ba là con phải tập quen dần với những món ăn không ngon như "cơm mẹ nấu". "Tôi thường nói con rằng, bạn ăn được thì mình cũng phải ăn được. Ăn để tồn tại trước nên hãy cố gắng ăn đúng bữa để có sức khoẻ. Sau đó, con có thể liệt kê các món con thèm rồi cuối tuần "đi cải thiện" cùng bạn bè hoặc chờ khi bố mẹ qua thăm sẽ dẫn đi ăn", anh Hà hóm hỉnh chia sẻ.

Khó khăn thứ tư con gặp phải là sự xáo trộn giờ giấc. Ở Singapore, mọi người đều học tập và làm thông trưa, tức không ngủ trưa và chỉ có thời gian nghỉ ăn khoảng 1 tiếng. Thời gian đầu, do không quen nên con rất buồn ngủ vào giờ chiều. Anh Hà dặn con bữa sáng nên ăn nhiều còn bữa trưa không nên ăn vì khi no dễ gây buồn ngủ. Còn khi cơn buồn ngủ trưa ập đến thì con có thể xin giáo viên ra ngoài rửa mặt, "khua chân múa tay" cho tỉnh ngủ.

Và cuối cùng là "homesick" (nhớ nhà). Thời gian đầu, các con hay bị nhớ nhà, thèm được nằm cạnh mẹ khi ngủ, giờ phải ngủ 1 mình với các bạn học sinh đến từ các nước khác (do con ở ký túc xá) nên không quen. Trước vấn đề "đau đầu" này, anh bày cho con mang theo những "món đồ ghiền" ở nhà theo để ôm ngủ, như thú nhồi bông, chăn, gối… để đỡ nhớ.

Cho 2 con sang Singapore du học từ năm lớp 7 và lớp 9, ông bố ở TP.HCM rút ra loạt kinh nghiệm - Ảnh 4.

Gia đình hạnh phúc của anh Hà.

Rút kinh nghiệm từ thực tế bản thân và từ nhiều trường hợp xung quanh, anh Hoàng Hà đúc rút được công thức "4S", tức "4 sẵn sàng" dành cho một gia đình khi quyết định cho con đi du học sớm. Trong đó, "2S" đầu tiên dành cho cha mẹ và "2S" sau dành cho con cái.

- "S1" - Sẵn sàng về tài chính: Cha mẹ cần tìm hiểu cặn kẽ hệ thống giáo dục và các chi phí, chính sách liên quan của nước sở tại để đề ra lộ trình học tập phù hợp. Từ đó đưa ra được ngân sách cho việc học tập của con đến khi tốt nghiệp. Khoản tài chính này cần được khoanh lại, không dùng vào việc khác và chia sẻ cho con biết để con yên tâm học tập.

- "S2" – Sẵn sàng xa con và tin tưởng con: Chỉ khi làm được điều này, con mới an tâm và bản thân cha mẹ cũng yên tâm.

- "S3" – Sẵn sàng tự lập: Điều này rất quan trọng giúp một đứa trẻ tồn tại ở môi trường mới. Trẻ phải chắc chắn khả năng "tự do, tự lo" cho mình.

- "S4" - Sẵn sàng hoà nhập: Trẻ cần nhập với nền văn hoá mới, quy định mới, phương pháp giảng dạy mới, thầy cô bạn bè mới, đồ ăn khác "cơm mẹ nấu" và cả múi giờ mới. Cha mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn để giúp con hoà nhập nhanh và hoà nhập tốt.

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM