Bán đắt hàng ở trời Tây, các làng nghề Chương Mỹ đang mỏi mắt tìm chuyên gia thương mại điện tử

14/04/2016 16:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Không biết tiếng Anh đủ giỏi, không hiểu về thương mại điện tử, đi thuê không hiệu quả, nhưng các mặt hàng mỹ nghệ của họ - những chủ doanh nghiệp ở Chương Mỹ, lại rất được thị trường thế giới ưa chuộng.

Không khí sản xuất tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Tuấn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội những ngày đầu tháng Tư đang rất nóng.

Hàng chục công nhân ào ào ra vào xưởng để nhanh chóng hoàn thành các đơn hàng mây tre đan giao cho các thị trường như châu Âu, Mỹ. Bên ngoài, xe tải liên tục chở hàng từ các xưởng khác đến để hoàn thành nốt công đoạn cuối.

Bên trong khu vực quản lý, chủ doanh nghiệp và nhân viên bộ phận kinh doanh vô cùng bận rộn xử lý các đơn hàng xuất khẩu. Một nhân viên kinh doanh cho biết, nhiều khi họ phải thức qua đêm để làm việc với khách châu Âu và Mỹ vì lệch múi giờ.

Doanh nghiệp này không chú trọng sản xuất hàng giá rẻ mà tập trung vào hàng phân khúc cao cấp, đó là các sản phẩm mành lót bàn ăn, mành treo trong các khách sạn cao cấp ở châu Âu.

Dù sản phẩm có giá cao như vậy, nhưng theo chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc kinh doanh của công ty Thanh Tuấn, số lượng các đơn hàng của công ty vẫn tăng trưởng đều đặn. Mỗi năm, doanh nghiệp xuất đi vài triệu sản phẩm sang các thị trường này.

Cho đến nay, kênh tìm kiếm khách hàng chính của doanh nghiệp chủ yếu vẫn là tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Như hội chợ Lifestyle hay GiftShow ở Việt Nam hay hội chợ ở Hồng Kông. Tham gia hội chợ trong nước, chi phí tham gia hội chợ có khi chỉ vài chục triệu không đáng kể. Nhưng khi sang đến Hồng Kông, chi phí cho một lần tham gia như thế lên đến cả trăm triệu đồng.

Việc tham gia hội chợ để tìm kiếm khách hàng không phải chuyện riêng của doanh nghiệp anh Khánh, mà chỉ riêng huyện Chương Mỹ thì hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đang làm tương tự.

Là những người nhạy bén trong kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp cũng muốn tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng từ các bạn hàng mới ở các thị trường khác để đảm bảo cho công việc kinh doanh, và họ đã tìm đến thương mại điện tử.

Mới đây, anh Khánh đã đại diện cho doanh nghiệp ký hợp đồng mở gian hàng để quảng bá sản phẩm trên một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Nhiều bạn bè của anh đã thành công và anh cũng đang đặt sự kỳ vọng rất lớn vào đây.

Tuy nhiên người nhanh nhạy, đủ khả năng hiểu biết thị trường và ngôn ngữ như anh Khánh, anh Tuấn không nhiều trong số hàng trăm, hàng nghìn doanh nhân cũng kinh doanh cùng ngành nghề dù họ cùng xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp tư nhân Giao Châu cũng xuất hàng triệu sản phẩm mây tre đan mỗi năm sang các thị trường như Anh, Nhật và Mỹ. Lựa chọn dòng sản phẩm rẻ tiền hơn, giá mặt hàng rẻ nhất chỉ khoảng 17 nghìn đồng (giá FOB), nên mặt hàng của công ty cũng ít chịu tác động bởi suy thoái kinh tế hơn.

Suốt nhiều năm làm ăn kinh doanh, doanh nghiệp cũng chủ yếu tìm đến các hội chợ để kiếm khách hàng. Dù muốn kiếm thêm bạn hàng nước ngoài qua thương mại điện tử nhưng đại diện doanh nghiệp bảo việc đó không hề dễ dàng.

Chị Nguyễn Thị Hải, đại diện kinh doanh của doanh nghiệp, cho biết suốt cả 1 năm trời vừa qua, chị cố gắng tự tìm hiểu nhưng vì trình độ ngoại ngữ còn hạn chế nên việc tiếp cận với thương mại điện tử còn hạn chế.

Chị đã nắm được thông tin về phần lớn các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của thế giới nhưng chưa có cách nào dứt hẳn công việc kinh doanh thường ngày để chuyên tâm nghiên cứu về việc này.

Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Vững cũng trên địa bàn huyện Chương Mỹ thì cho biết, cho đến nay anh cũng chưa thể nhớ đã đầu tư bao nhiêu tiền, có khi cũng đến 50-60 triệu để kiếm người phát triển mảng thương mại điện tử nhưng kết quả chưa đến đâu. Nhân viên tuyển vào gợi ý anh làm hết cái nọ đến cái kia, anh cũng cho tiền làm nhưng kết quả là vẫn không thể kiếm được đơn hàng nào mới.

Bản thân anh và người trong doanh nghiệp không biết tiếng Anh đủ giỏi và hiểu về thương mại điện tử để tự làm được mảng này, nhưng bỏ rất nhiều tiền để thuê cũng không hiệu quả.

Cùng lúc đó, việc tìm kiếm nhân sự để hỗ trợ họ trong thương mại điện tử cũng không hề đơn giản bởi phần lớn nhân sự của lĩnh vực này chỉ làm việc ở các thành phố lớn. Các doanh nhân địa phương cũng không có nhiều quan hệ để kiếm được người làm, nên dù thích và sẵn sàng đầu tư mà họ vẫn bế tắc.

Anh Vững cho biết, tình trạng trên không chỉ xảy ra với doanh nghiệp anh mà là phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn, họ vô cùng lo lắng khi chưa tìm được kênh nào mới để kiếm bạn hàng tăng thêm doanh thu nhưng cũng không biết phải làm cách nào.

Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, việc quá phụ thuộc vào một số kênh tìm kiếm khách hàng truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong thời gian tới khi các đối thủ ngoại vào nhiều hơn, đội ngũ tìm kiếm khách hàng đa dạng trên nhiều kênh hơn.

Bài & Ảnh: Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM