Bán cua trên xe lưu động chi phí 110 triệu đồng, lãi 7 tỷ đồng/năm không cần đến Grab, Now: Startup Vua Cua được 3 cá mập mời gọi để cùng thực hiện giấc mơ “biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”

03/05/2021 09:02 AM | Kinh doanh

Mở hàng cho Shark Tank Việt Nam mùa 4, Vua Cua ngay lập tức "chốt deal" thành công với 3,5 tỷ cho 10% cổ phần.

Startup đầu tiên "khai màn" cho Shark Tank Việt Nam mùa 4 là Vua Cua – một thương hiệu F&B chuyên về cua vốn đã khá nổi tiếng tại Tp.HCM. Tại đây, nhà sáng lập kiêm CEO – Đoàn Thị Anh Thư cùng ca sĩ Will – cổ đông, muốn kêu gọi 3,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.

Theo founder Đoàn Thị Anh Thư, Vua Cua được thành lập từ tháng 3/2016 và hiện có 5 chi nhánh nhà hàng sau 5 năm hoạt động. Nữ CEO cho biết thêm, trong năm 2020, doanh số của Vua Cua cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt 7 tỷ - vẫn tăng trưởng nhẹ 10%.

Kiosk hải sản với chi phí chỉ 100 triệu đồng

Thời gian gần đây, startup này mới triển khai thêm mô hình lưu động có tên Vua Cua Bike. Nhà sáng lập cho biết chi phí đầu tư cho mỗi chiếc xe này chỉ rơi vào khoảng 110 triệu đồng – đã tính cả mặt bằng và xe. Các kiosk hoặc sẽ dùng mặt bằng chia sẻ với người khác, hoặc thuê riêng với chi phí giới hạn không quá 11 triệu đồng/tháng.

Còn theo ca sĩ Will – cổ đông kiêm người phụ trách mảng PR-Branding cho Vua Cua, hiện nay hải sản vẫn là một thực phẩm khá đắt đỏ với những người có thu nhập trung bình hoặc thấp. Do đó, Vua Cua Bike có thể trở thành giải pháp, giúp nhiều người tiếp cận với những món ăn này hơn.

Dù mục tiêu mở 40 điểm bán lưu động nhưng CEO Đoàn Thị Anh Thư không có dự định nhượng quyền mà "tự tay làm hết".

Bán cua trên xe lưu động chỉ với 110 triệu đồng, không cần đến Grab, Baemin, Now: Startup Vua Cua được 3 cá mập mời gọi, cuối cùng chọn Shark Liên vì rất quan tâm đến cộng đồng LGBT - Ảnh 1.

CEO Đoàn Thị Anh Thư (trái) và ca sĩ Will gọi vốn cho Vua Cua trên Shark Tank Việt Nam mùa 4.

Trước câu hỏi của Shark Bình về USP (Unique Selling Point – lợi thế cạnh tranh) của mô hình so với rất nhiều nhà hàng hải sản khác trên thị trường, nữ CEO chia ra 3 điểm:

"Thứ nhất, Vua Cua chọn những mặt bằng giá rẻ, không cần đắc địa với diện tích tối đa 200m2 và tối ưu diện tích sử dụng. Thứ hai, sản phẩm có chất lượng rất cao nhưng có giá rất phù hợp với đại đa số người có thu nhập trung bình trở lên. Thứ ba, các loại sốt tự chế biến và gần như độc quyền".

Đồng thời, Anh Thư cho biết dù giá không rẻ hơn so với các nhà hàng hải sản bình thường nhưng rẻ hơn so với các nhà hàng Singapore. Tuy nhiên, shark Bình cho rằng như vậy giá không thể là lợi thế cạnh tranh vì khách hàng không quan tâm đến quy trình, họ chỉ quan tâm "ngon, bổ, rẻ".

"Khi chuẩn hoá được quy trình thì dù mở 100 cửa hàng thì chúng tôi vẫn mang đến cho khách được bữa ăn như nhau, ổn định được chất lượng và hương vị. Đó có thể coi là một lợi thế cạnh tranh", nữ CEO liền giải thích.

Để chứng minh, CEO Vua Cua kể lại thời gian cô sang Mỹ thăm gia đình và bị kẹt lại ở đó 9 tháng do Covid, đội ngũ của cô ở quê nhà vẫn hoạt động rất tốt và đạt được 56 tỷ doanh thu.

Shark Bình tiếp tục bày tỏ lo ngại về khả năng nhà sáng lập chuyển hẳn sang Mỹ định cư và bỏ rơi "đứa con tinh thần".

Bán cua trên xe lưu động chỉ với 110 triệu đồng, không cần đến Grab, Baemin, Now: Startup Vua Cua được 3 cá mập mời gọi, cuối cùng chọn Shark Liên vì rất quan tâm đến cộng đồng LGBT - Ảnh 2.

Anh Thư nhanh chóng khẳng định: "Tôi đã in luôn logo Vua Cua lên áo của mình. Bạn gái tôi còn nói là tôi yêu cua hơn tất cả những thứ khác, và Vua Cua là cuộc sống, là ước mơ, là niềm khao khát của tôi. Tôi muốn sau này khi Việt Nam giới thiệu một đặc sản với thế giới thì đó sẽ là cua sốt trứng muối và họ sẽ nhớ đến tôi - người khai sinh ra Vua Cua. Cho nên tôi đảm bảo là không có chuyện đi Mỹ".

Đồng thời, khi được Shark Hưng hỏi về thời gian hoà vốn của mỗi chiếc xe lưu động, nữ CEO cho biết dự kiến mất khoảng 10-18 tháng để đạt tới điểm hoà vốn và vị trí đặt xe quyết định 70% chiến thắng. Tuy nhiên, shark Hưng cho rằng nếu đầu tư với định giá cao như hiện tại, có thể nhà đầu tư phải mất đến 10 năm để hoàn vốn.

3 cá mập tranh nhau đầu tư

Shark Hưng cho rằng Vua Cua có thể tính theo DCF (discounted cash flow - dòng tiền chiết khấu) và hoàn vốn trong 3 năm. Do đó, vị "cá mập" này đề nghị mức đầu tư 3,5 tỷ cho 5% và 7% giá trị thương hiệu của Shark Hưng đi cùng Vua Cua, tổng cộng là 12% cổ phần.

Trong khi đó, Shark Bình lại băn khoăn về vấn đề có nhiều đối thủ cạnh tranh và cơ hội của startup như Vua Cua chỉ có con đường chuyển đổi số.

"Em không cần quan tâm đâu. Anh bán nhà mà anh còn chuyển đổi số được chứ bán cua chuyển đổi số là chuyện bình thường. Anh chuyển đổi số cho em", Shark Hưng bình luận.

"Chúng tôi đã chuyển đổi số rồi. Chúng tôi có website bán cua online và 5 năm qua, Vua Cua không phụ thuộc vào Now, Grab hay Baemin", nữ CEO trả lời.

"Càng phụ thuộc vào app lớn thì tương lai càng ngày càng bế tắc. Con đường kinh doanh của em là đúng hướng", shark Bình khen ngợi. Đồng thời, vị "cá mập"đề xuất mức đầu tư 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Trong khi đó, shark Việt và Shark Phú chưa có ý định đầu tư vào lĩnh vực này nên không đưa ra "offer".

Ca sĩ Will chuyển hướng sang Shark Liên để tìm kiếm thêm một đề xuất đầu tư nữa. Anh chia sẻ: "Mặt bằng chung người Việt tiếp cận hải sản rất thấp… Khi làm cái này (Vua Cua Bike), tôi muốn tiếp cận các khách hàng có thu nhập thấp và để hải sản dễ đến tay người tiêu dùng". Will cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, khi nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến Vua Cua như một đại diện thương hiệu cho quốc gia.

Bán cua trên xe lưu động chỉ với 110 triệu đồng, không cần đến Grab, Baemin, Now: Startup Vua Cua được 3 cá mập mời gọi, cuối cùng chọn Shark Liên vì rất quan tâm đến cộng đồng LGBT - Ảnh 3.

Shark Liên tiết lộ, ngay trong năm Covid, bà đã giúp đỡ các bạn trẻ mở 10 nhà hàng ở Đức trong thời điểm Shark bị kẹt lại đất nước này vì Covid. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư tương tự shark Bình: 3,5 tỷ cho 10% cổ phần. Vị "cá mập" nữ duy nhất trong chương trình không quên nhấn mạnh: "Nhớ một điều: muốn đi đường dài, hai bạn chọn ai để thực hiện được khát khao và ước mơ của mình".

Shark Hưng và Shark Bình tiếp tục thuyết phục Vua Cua bằng các cam kết sẽ hỗ trợ startup bù đắp các thiếu sót cũng như hỗ trợ startup mở rộng mạng lưới kinh doanh. Trước khi đưa ra quyết định, CEO Anh Thư đặt câu hỏi với shark Hưng: "Anh có cam kết dành nhiều thời gian cho chúng tôi không?".

"Gặp mặt trực tiếp thì tôi không hứa chắc chắn nhưng thời gian trao đổi điện thoại, đọc tài liệu hay góp ý thì lúc nào cũng có thể", Shark Hưng trả lời.

Tuy nhiên, cuối cùng founder Vua Cua đã chọn về với đội của Shark Liên. Lý giải về điều này, Anh Thư cho biết tuy ấn tượng với Shark Hưng và thấy mong muốn đầu tư cho Vua Cua của Shark nhưng do số lượng cổ phần hiện tại có thể chia sẻ với các nhà đầu tư mới là không nhiều. Bên cạnh đó, Anh Thư thích Shark Liên vì Shark rất quan tâm đến cộng đồng LGBT, cũng như Shark Liên có cùng quan điểm với Vua Cua về các vấn đề xã hội khác.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM