Coolmate lên Shark Tank gọi vốn 250.000 USD: Shark Bình tuyên bố "chốt deal luôn" chỉ sau vài phút, hứa sẽ đưa startup vươn ra Đông Nam Á và cùng nhau trở thành “trăm triệu phú”

03/05/2021 07:43 AM | Kinh doanh

Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã mở màn với 3 cái đầu tiên: Lần đầu tiên Shark Bình có một deal riêng tới 500.000 USD, lần đầu tiên Shark chịu nhún trước một startup khi 4 cá mập còn lại đều rút lui, và lần đầu tiên cá mập cọc luôn 200 triệu cho startup. Startup được Shark Bình để mắt và theo đuổi đến cùng là Coolmate – một startup cung cấp giải pháp mua sắm cho nam giới, chuyên bán những món đồ thời trang cơ bản như áo phông, quần lót, bít tất…

Shark Bình vừa giã từ biệt danh "Shark ké" (chuyên đi ké deal của các Shark khác) khi rót vốn thành công vào Coolmate – một startup cung cấp giải pháp mua sắm cho nam giới với những món đồ cơ bản như áo phông, quần lót, bít tất.

Startup bán áo phông, quần lót đồng ý đổi trả miễn phí 60 ngày với bất cứ lý do gì, có bưu tá đến tận nhà khách hàng đổi trả, đạt doanh số 39 tỷ

Theo chia sẻ của Phạm Chí Nhu – Nhà sáng lập và điều hành Coolmate, công ty được hành lập từ năm 2019, từ năm 2020, doanh số đã tăng 6 lần nhờ vào việc bán các sản phẩm cơ bản như áo thun, đồ lót và bít tất dành cho nam giới.

"Khách hàng chỉ cần 2ph lên website có thể đặt ngay cho mình một tủ đồ bao gồm các sản phẩm như áo thun, bít tất, đồ lót và cả khẩu trang, chỉ phải trả 199.000 đồng và 25.000 đồng phí vận chuyển", Nhu cho biết.

Elise, Canifa còn chưa tính chuyện IPO, nhưng một startup Việt trên Shark Tank chỉ chuyên bán áo phông, quần lót thu về 39 tỷ, hứa hẹn lên sàn năm 2025, vươn ra Đông Nam Á - Ảnh 1.

Có tới 98% khách hàng hài lòng với chi phí sản phẩm cũng như trải nghiệm mua sắm, 47% khách hàng trở lại mua hàng trong vòng 2 tháng.

"Tại sao chúng tôi có thể làm như vậy? 100% sản phẩm của Coolmate được sản xuất tại Việt Nam, đi từ sợi tới may và hoàn thiện tại Việt Nam – một đất nước có lợi thế rất lớn trong ngành dệt may, và phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử".

"Điểm khác biệt, Coolmate là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có chính sách đổi trả miễn phí 60 ngày với bất cứ lý do gì. Các Shark mua một cái áo không vừa sẽ có một bạn bưu tá mang áo size vừa đến và cầm chiếc áo mua trước đó đi, thay vì Shark phải tự đem ra bưu điện gửi lại. Tất cả chu trình đổi trả thường diễn ra trong 1 - 2 ngày", Nhu nói.

Từ khi thành lập đến nay, Coolmate đã bán hơn 200.000 đơn hàng, doanh số năm 2020 là 39 tỷ, lợi nhuận 5,6 tỷ. Startup này đã có kế hoạch mở rộng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cũng như có kế hoạch IPO vào năm 2025.

Đến với Shark Tank, Coolmate muốn gọi 250.000 USD cho 4% cổ phần.

"Tôi chốt deal luôn", Shark Bình tuyên bố chỉ sau màn thuyết trình vài phút.

Trước khi đưa ra đề nghị, Shark Bình thuyết phục startup: "Anh có hàng ngàn livestreamer bán hàng cho em. Anh có mạng lưới kho vận fulfillment rộng khắp Đông Nam Á để em có thể mở rộng ra Đông Nam Á luôn vào ngày mai không cần chờ đến năm sau. Anh có cả hệ sinh thái kinh tế số thương mại điện tử làm bệ phóng cho em. Anh có thể quẹt thẻ đặt cọc ngay 10.000 USD nếu cả hai chốt deal với nhau. Anh sẽ làm "gió đông" thổi em ra Đông Nam Á".

Startup gọi vốn 250.000 USD, Shark Bình trả luôn gấp đôi, màn "cò cưa" cổ phần khiến các Shark ngồi ngoài tán thưởng

Elise, Canifa còn chưa tính chuyện IPO, nhưng một startup Việt trên Shark Tank chỉ chuyên bán áo phông, quần lót thu về 39 tỷ, hứa hẹn lên sàn năm 2025, vươn ra Đông Nam Á - Ảnh 2.

Với các lý do này, Shark Bình đồng ý đầu tư cho Coolmate gấp đôi số tiền mà startup kêu gọi là 500.000 USD nhưng đổi lấy 25% cổ phần.

Trả lời Shark Bình, đại diện Coolmate cho rằng, họ đã qua 2 vòng gọi vốn, vòng gọi vốn gần đây nhất với nhà đầu tư Hàn Quốc được định giá 4,5 triệu USD pre-money, đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái và sẽ kết thúc trong tháng này.

Với deal này, Shark Phú lắc đầu vì đã có nhiều sản phẩm để lo bán, trong khi Coolmate cũng là một đơn vị bán sản phẩm. Shark Việt, Shark Hưng và Shark Liên cũng nhường cuộc thương lượng lại cho cá mập NextTech.

Tuy nhiên, Shark Bình muốn mình sẽ nhận được "ưu đãi" từ startup kèm theo lời hứa "chắc chắn anh sẽ làm được cho em thành một startup E-commerce cho nam lớn nhất Đông Nam Á. Anh không những làm em thành triệu phú mà chúng ta sẽ cùng nhau thành trăm triệu phú". Vì thế, Shark Bình đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần, trong đó 15% cổ phần và 5% advisory shares (cổ phần tư vấn) kèm cam kết cụ thể, tính toán bằng 6 "gió đông" và hệ sinh thái kinh tế số của NextTech mà Shark Bình đã nêu ra từ đầu và Shark sẽ xuống tiền luôn 10.000 USD để "đặt cọc".

Đại diện Coolmate không phủ nhận câu chuyện NextTech sẽ hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên anh kiên quyết với con số 500.000 USD cho 10% cổ phần vì "phải công bằng với các nhà đầu tư trước".

Shark Bình đồng ý nhưng vẫn đòi cộng thêm 5% advisory shares.

Coolmate lúc này tiết lộ có một cam kết 1 triệu USD vào cuối năm nay với mức valuation (định giá) của công ty là 9 triệu USD.

"Tức là nếu Shark vào ngay bây giờ, thì đợi tầm 6 - 7 tháng nữa, khi bọn em close vòng ấy, valuation đã gần như gấp đôi. Nghĩa là mức đề xuất hôm nay hoàn toàn hợp lý", Nhu nói.

Cuộc "giằng co" giữa "cá mập công nghệ" và startup tiếp tục được đầy lên cao trào bằng những màn đề nghị qua lại giữa 2 bên.

Cuối cùng, Coolmate cũng cũng chốt đề nghị của mình là 500.000 USD cho 10% cổ phần, cộng thêm 2,5% advisory shares và đã nhận được cái gật đầu của Shark Bình. Đúng như lời hứa, Shark Bình đã "quẹt thẻ" đặt cọc ngay cho startup 200 triệu đồng.

Tổng quan thương vụ gọi vốn của Coolmate:

- Mô tả: Coolmate là một công cung cấp giải pháp mua sắm cho nam giới, chuyên bán những món đồ thời trang cơ bản như áo phông, quần lót, bít tất, thành lập năm 2019, lên kế hoạch vươn ra các nước Đông Nam Á và IPO năm 2025.

- Founder: Phạm Chí Nhu

- Lĩnh vực: Bán lẻ thời trang

- Tình hình kinh doanh: Doanh thu năm 2020 đạt 39 tỷ đồng, lợi nhuận 5,6 tỷ đồng.

- Gọi đầu tư: 250.000 USD đổi lấy 4% cổ phần

Kết quả: Gọi vốn thành công từ Shark Bình với số vốn 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần + 2,5% advisory shares.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM