“Bán cơm” cho Vietnam Airlines, doanh nghiệp này thu về hơn 1,3 tỷ mỗi ngày trong năm 2017
Trong năm 2017 vừa qua, NCS đã cung cấp tổng cộng 7,84 triệu suất ăn hàng không và doanh thu từ hoạt động này đạt gần 489 tỷ đồng, tương đương 1,34 tỷ đồng/ngày, mức cao nhất từ trước tới nay.
Hàng không là một trong những lĩnh vực có rất nhiều dư địa tăng trưởng tại Việt Nam. Theo Bộ Giao thông Vận tải, thị trường vận tải bằng đường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình từ 15,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2011- 2017 và là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất Thế giới.
Trong 5 năm tới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong những năm qua đang mang lại niềm vui cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ liên quan như kho bãi, bốc xếp hàng hóa hay cung cấp suất ăn.
Tại Cảng hàng không Nội Bài, CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài- Noibai Catering (NCS) là doanh nghiệp độc quyền cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, Qatar Airways, Asiana Airlines, All Nipon Airlines…Trong đó, Vietnam Airlines chiếm trên 60% doanh thu của NCS.
Theo báo cáo tài chính được công bố, trong năm 2017, doanh thu NCS đạt 614 tỷ đồng – tăng 15%; Lợi nhuận sau thuế 83 tỷ đồng – tăng 23% so với năm trước đó và đây cũng là con số kỷ lục kể từ khi thành lập.
Nguồn thu chủ yếu của NCS chủ yếu đến từ bán suất ăn hàng không với tỷ trọng khoảng 80%, phần còn lại đến từ việc cung cấp dịch vụ chuyến bay như cho thuê kho, vệ sinh dụng cụ, giặt là, bán phế liệu.
Trong năm 2017 vừa qua, NCS đã cung cấp tổng cộng 7,84 triệu suất ăn hàng không và doanh thu từ hoạt động này đạt gần 489 tỷ đồng, tương đương 1,34 tỷ đồng/ngày, mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá bán trung bình mỗi suất ăn của NCS trong năm vừa qua đạt 62.350 đồng/suất, tăng gần 3% so với năm trước đó. Tất nhiên, đây là mức giá bình quân mà NCS cung cấp cho khách hàng của mình. Còn các hãng hàng không tính giá bao nhiêu cho mỗi suất ăn lại là câu chuyện khác.
Đáng chú ý, biên lãi gộp của mảng bán suất ăn hàng không của NCS năm 2017 lên tới 19%, cải thiện mạnh so với mức 13% năm trước đó.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của NCS trong những năm qua ngoài yếu tố nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng gia tăng còn đến từ việc công ty liên tục mở rộng thêm khách hàng là các hãng hàng không quốc tế. Bên cạnh đó, việc Vietnam Airlines- khách hàng lớn nhất của NCS đã được nâng hạng hãng hàng không 4 sao cũng mang lại nhiều niềm vui cho NCS bởi việc nâng cao chất lượng món ăn sẽ là một trong những tiêu chuẩn mà Vietnam Airlines bắt buộc phải thực hiện.
Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng NCS vẫn gặp thách thức không nhỏ bởi sự bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air, Jetstar Pacific…bởi lẽ giá vé các hãng hàng không này sẽ không đi kèm đồ ăn để giảm chi phí cho khách hàng và đây là sự khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines với giá vé đi kèm đồ ăn.
Hiện trên thị trường cung cấp suất ăn hàng không tại Việt Nam, ngoài NCS còn có một số doanh nghiệp đáng chú ý khác như VINACS (Taseco Airs nắm 40%), Masco và VACS.