Bạn có biết: Chỉ cần 20 công ty khổng lồ này đã sản xuất ra hơn một nửa rác nhựa dùng một lần trên toàn thế giới?
Sản xuất nhựa dường như đang trở thành lối thoát cho các công ty hóa dầu. Mà trước nay họ vẫn chỉ đứng trong bóng tối.
Năm 2019, nhân Ngày Thế giới Dọn rác 18/9, các nhà khoa học tại tổ chức Break Free From Plastic (BFFP) đã thực hiện một nghiên cứu kinh điển. Họ đã liên lạc với 70.000 tình nguyện viên ở 50 quốc gia trên thế giới, yêu cầu họ đếm số mảnh rác nhựa mà mình nhặt được trong chiến dịch.
Tổng cộng có 476.423 mẩu rác nhựa đã được tìm thấy. Nhưng bước thứ hai mới là phần thú vị của thí nghiệm. Các tình nguyện viên được hỏi họ có nhận ra mảnh rác nhựa đó thuộc về sản phẩm của công ty nào hay không?
Mặc dù đa số các mẩu rác thải này quá nhỏ và vô danh, nhưng các tình nguyện viên vẫn phát hiện 11.732 mẩu rác được thu hồi là của Coca-Cola, đứng thứ hai là Nesele với 4.846 mẩu, kế đó là Pepsi với 3.362. Các thương hiệu tiêu dùng nhanh và bánh kẹo như Mondelez, Unilever và Mars đều lọt vào top 10 nhãn hàng xả rác nhựa nhiều nhất.
Nhưng thí nghiệm này cuối cùng đặt ra một câu hỏi: Liệu nó có đang đẩy toàn bộ trách nhiệm môi trường về phía các công ty này và bản thân người tiêu dùng? Thế còn các nhà sản xuất nhựa, họ ở đâu?
Gần 3 năm sau cuộc nghiên cứu của BFFP, một tổ chức khác là Minderoo Foundation cuối cùng cũng đã kéo những nhà sản xuất nhựa hàng đầu thế giới ra ánh sáng. Không những vậy, họ còn tiết lộ các nhà đầu tư, các ngân hàng đã cho các công ty này vay vốn, những người trước nay vẫn từng giấu mặt và đứng sau cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu.
Một phân tích toàn diện cho thấy chỉ cần 100 công ty ở top đầu đã sản xuất tới 90% nhựa dùng một lần cho toàn thế giới. Top 20 công ty trong số đó tiếp tục phải chịu trách nhiệm cho 55% tổng lượng rác thải nhựa toàn cầu.
Kim tự tháp tiếp tục to ra ở đỉnh: Chỉ riêng 3 công ty dẫn đầu là ExxonMobil, Dow của Mỹ và Sinopec của Trung Quốc đã sản xuất ra 16% rác thải nhựa. Đó đều là các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực hóa dầu.
Chỉ 20 công ty sản xuất tới hơn một nửa lượng nhựa dùng một lần cho toàn thế giới
Trong nghiên cứu hợp tác với Wood Mackenzie, Trường Kinh tế London và Viện Môi trường Stockholm, Minderoo Foundation đã lần đầu tiên đưa ra chỉ số "nhà sản xuất chất thải nhựa" để xếp hạng 100 công ty có sản phẩm là polyme, nguyên liệu đang được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, từ túi nilon đến chai nhựa và khẩu trang.
Đa số các sản phẩm này không được tái chế sẽ bị đốt cháy, chôn lấp trong các bãi rác, nếu không chúng sẽ bị vứt bỏ ở đâu đó và tìm được đường đầu độc đại dương. Nhựa dùng một lần đang góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu khi chúng tạo ra những núi rác thải toàn cầu không thể xử lý được.
Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10% -15% nhựa sử dụng một lần được tái chế trên toàn cầu mỗi năm.
Nhưng nguyên liệu nhựa đã được tạo ra từ đâu? Phân tích của Minderoo Foundation lần đầu tiên đã cho chúng ta cái nhìn chưa từng có về những gã khổng lồ sản xuất nhựa. Họ thực ra là những công ty hóa dầu, được hỗ trợ tài chính bởi những nhà đầu tư và ngân hàng lớn trên thế giới.
Chẳng hạn, ExxonMobil hiện là công ty sản xuất nhựa dùng một lần lớn nhất trên thế giới, đóng góp tới 5,9 triệu tấn vào núi rác toàn cầu. Công ty hóa chất lớn nhất thế giới Dow có trụ sở tại Mỹ đã tạo ra 5,5 triệu tấn chất thải nhựa, trong khi doanh nghiệp dầu khí của Trung Quốc, Sinopec, tạo ra 5,3 triệu tấn.
Phân tích cho biết, chỉ cần 20 công ty trong top đầu bảng xếp hạng đã sản xuất hơn một nửa trong số 130 triệu tấn nhựa sử dụng một lần bị vứt bỏ vào năm 2019. Đó là 11 công ty có trụ sở tại Châu Á, 4 công ty ở Châu Âu, 3 công ty ở Bắc Mỹ, một công ty ở Châu Mỹ Latinh và một công ty ở Trung Đông.
Sản xuất nhựa của họ được tài trợ bởi các ngân hàng hàng đầu, trong đó đứng đầu là Barclays, HSBC, Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase. Còn tính trên vốn chủ sở hữu, Ả Rập Xê-út lại là nơi có đầu tư mạnh nhất cho việc sản xuất nhựa. Đứng thứ hai là Trung Quốc, và thứ ba là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Bảng xếp hạng cũng tiết lộ trên bình quân đầu người, Australia hiện là quốc gia tạo ra nhiều rác thải nhựa một lần nhất. Kế đó là Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Anh. Còn nếu tính trên tổng lượng rác thải, Trung Quốc đang là quốc gia xả nhựa dùng một lần nhiều nhất, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh.
Tại sao các công ty hóa dầu chuyển sang sản xuất nhựa?
Cựu phó tổng thống Mỹ đã về hưu Al Gore, đồng thời là một nhà môi trường học cho biết phân tích của Minderoo Foundation là một nghiên cứu đột phá. Nó đã tiết lộ một sự thật cho thấy các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch đang gấp rút chuyển sang sản xuất nhựa.
Giải thích xu hướng này, Gore cho biết đó là bởi hai thị trường chính hái ra tiền cho các gã khổng lồ dầu khí là lĩnh vực vận tải và sản xuất điện đang bị kiểm soát chặt chẽ. Các quy định giảm tải cacbon và giá dầu hạ đang khiến hoạt động của họ bị ảnh hưởng.
Trước tình thế đó, nguyên liệu polyme dường như là một lối thoát. Sản phẩm hóa dầu có thể được sử dụng để sản xuất polypropylene (PP), high- polyethylene mật độ (HDPE), polyethylene mật độ thấp (LDPE), polyethylene mật độ thấp tuyến tính (LLDPE) và polyethylene terephthalate (PET). Đó là 5 nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tuy nhiên, Gore cho biết: "Vì hầu hết nhựa được làm từ dầu và khí đốt - đặc biệt là khí đốt - việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đang trở thành một động lực quan trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Hơn nữa, rác thải nhựa - đặc biệt là từ nhựa sử dụng một lần - đang chất thành đống trong các bãi chôn lấp, ven đường và các con sông sẽ mang một lượng lớn trong số chúng ra đại dương".
Việc kiểm soát chuỗi sản phẩm nhựa trước nay chỉ mới tập trung vào các nhà sản xuất thành phẩm nhựa, như các công ty tiêu dùng, và bản thân khách hàng sử dụng chúng. Các nhà nghiên cứu cho biết suốt vài thập kỷ qua, những gã khổng lồ dầu khí và ngành công nghiệp nhựa ở đầu chuỗi cung ứng nguyên liệu gần như vẫn đứng trong bóng tối.
Và khi nền kinh tế nhựa và các gã khổng lồ sản xuất nguyên liệu polyme này không được kiểm soát, chúng ta nhiều khả năng sẽ thất bại trong các kế hoạch quản lý và giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.
Tiến sĩ Andrew Forrest AO, chủ tịch của Minderoo Foundation cho biết: "Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất và nghiêm trọng nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt. Và triển vọng hiện tại còn trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta không thể để cho các nhà sản xuất nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch này tiếp tục hoạt động bên ngoài sự kiểm soát".
Qua nghiên cứu mới của mình, Forrest và Minderoo Foundation muốn thúc đẩy các chính phủ, giới tài chính và bản thân các nhà sản xuất hành động để quản lý lại hoạt động sản xuất nguyên liệu nhựa.
"Với việc các đại dương đang bị bót nghẹt và nhựa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, chúng ta không thể không hành động", ông nói.
Tham khảo Theguadian, Sciencealert