Bạn chỉ có thể thực sự thành công và giàu có nếu khẳng định được 3 giá trị quan trọng sau đây

12/06/2020 15:15 PM | Sống

Những giá trị bên ngoài có thể biến mất, chỉ có giá trị bên trong con người mới là tài sản đích thực, khẳng định thành công và giàu có.

Một người đàn ông 35 tuổi, làm việc trong công ty lớn, thu nhập cao, nhưng luôn lo lắng và bất an về tương lai của mình. Anh ta cho rằng, càng tới gần tuổi trung niên thì lại càng thấy mình không có nhiều giá trị, có thể ngồi ở vị trí hôm nay là chỉ là do thâm niên mà thôi.

Tình huống như vậy không khác gì loài Cua ẩn sĩ, phải sống nhờ trong vỏ của một kẻ khác. Một khi đánh mất lớp xác ngoài, chúng sẽ đánh mất năng lực tự bảo vệ bản thân.

Tương tự như vậy, trong môi trường làm việc, con người chúng ta cũng dễ dàng rơi vào khủng hoảng nếu không có được giá trị riêng của bản thân, có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Do đó, giá trị của một người còn quan trọng hơn cả tài sản hiện có. Bạn chỉ có thể thực sự giàu sang và thành công nếu khẳng định được những giá trị quan trọng sau đây.

1. Giá trị về thời gian

Peter Ferdinand Drucker là người được biết đến như là cha đẻ của phương thức quản trị hiện đại. Học thuyết quản trị của ông, đặc biệt là khía cạnh quản lý thời gian, đã giúp không ít doanh nhân đạt được thành tựu vượt bậc.

Ông từng nhận xét: “Chúng ta sẽ không thể quản lý được bất cứ điều gì nếu không quản lý được thời gian của mình".

 Bạn chỉ có thể thực sự thành công và giàu có nếu khẳng định được 3 giá trị quan trọng sau đây  - Ảnh 1.

Có câu chuyện kể rằng: Trong một buổi hội thảo, giáo sư mang tới một cái bình lớn, rộng miệng và đổ rất nhiều đá cuội vào trong.

Sau đó, ông hỏi: “Cái bình đã đầy chưa?"

Các học trò trả lời: “Rồi ạ”.

"Thật chứ?" Ông đáp, sau đó lại lấy ra thêm một túi sỏi nhỏ, tiếp tục nhét thêm vào bình qua các kẽ hở rồi lại hỏi: “Lần này, cái bình đã đầy chưa?”

Một học trò thận trọng đáp: “Có thể nó vẫn chưa đầy”.

Giáo sư gật đầu, lôi ra một túi cát và bắt đầu đổ thêm cho đến khi mọi lỗ hổng được lấp đầy. Một lần nữa ông hỏi: “Cái bình bây giờ đã đầy chưa?”.

Cả lớp chắc nịch hô: "Đầy rồi ạ"

Nhưng giáo sư mang ra thêm một lon bia và đổ gần hết vào trong bình.

Sau đó, ông nhìn các học trò và nói: "Thông qua ví dụ này, các em có thể thấy, nếu biết cách quản lý thì chúng ta luôn có thể tận dụng càng nhiều thời gian hơn nữa.”

"Thế nào là quản lý cho đúng? Nếu chúng ta cho bia vào trước thì không thể chứa thêm cát, sỏi, đá. Chỉ có xếp những viên đá to nhất, tượng trưng cho những điều quan trọng nhất trước tiên, chúng ta mới đảm bảo đủ không gian cho đại sự cuộc đời."

Đầu tư vào thời gian có nghĩa là đầu tư vào bản thân. Tận dụng tốt thời gian chính là khởi đầu để một người trở nên "có giá trị".

2. Giá trị về lời nói

Có người nói rằng “Im lặng là vàng, là vàng thì sẽ tự động tỏa sáng” nhưng nếu chỉ bảo trì im lặng mà không biết chủ động lên tiếng, nắm bắt cơ hội thì đồng nghĩa với việc đặt vàng trong tủ kín, không thể sáng lên.

Đôi khi, dám nói, dám nghĩ, dám làm cũng vô cùng quan trọng.

Nhìn lại câu chuyện Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin trên hành trình tìm đường cứu nước cũng thể hiện quan điểm này. Dù tại thời điểm đó, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ ở vị trí một đảng viên trẻ tại xứ thuộc địa, vốn tiếng Pháp còn hạn chế, vậy mà Người vẫn mạnh dạn mang tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam để trao tận tay các đại biểu tham dự.

Tinh thần không chút tự ti, dám phản bác lại những quan điểm trái chiều để bảo vệ quyền lợi của bản thân, của dân tộc này đã truyền cảm hứng cho không ít thanh thiếu niên của thời đại.

Dù ở vào giai đoạn nào đi nữa, một người dám nói lên suy nghĩ của bản thân, cũng dám nỗ lực hành động để đạt được suy nghĩ đó, mới có thể thay đổi nhân sinh.

Trước hết, hãy biến lời nói của bạn trở nên có giá trị, sau đó, bạn mới có thể nâng tầm giá trị tổng quan của chính bản thân. Khi bắt gặp cơ hội quý giá, hãy dũng cảm lên tiếng mà đừng bận tâm hay lo lắng quá nhiều.

3. Giá trị về cách từ chối

Trong cuốn tiểu sử về Lyndon Johnson, tổng thống thứ 36 của Mỹ những năm 60 có câu chuyện kể rằng:

Khi Johnson cố gắng mời gọi John Hicks, một thanh niên trẻ đầy tài năng về làm việc cho mình, ông đã gạ gẫm:

"Tôi sẽ cho cậu mượn 10,000 USD. Và tôi muốn cậu cầm nó, mua cho mình một chiếc Cadillac, dọn đến một căn chung cư sang hơn, trang hoàng lại tử tế. Tôi muốn cậu trở thành một ai đó có vai vế. Hãy mua một chiếc áo lông thú cho vợ. Tôi cũng muốn cậu tham gia một số hội của dân chơi và trở thành một người có tên tuổi ở cái đất này."

 Bạn chỉ có thể thực sự thành công và giàu có nếu khẳng định được 3 giá trị quan trọng sau đây  - Ảnh 2.

Cậu Hicks vô cùng ngạc nhiên nhưng sau một thời gian suy ngẫm kỹ càng, cậu thẳng thắn từ chối.

Khi phu nhân Lyndon Johnson đến thăm John Hicks sau đó, bà nói rằng mình rất kính trọng, thậm chí ngưỡng mộ quyết định của cậu ấy. Bởi vì bà "đã nhìn thấy rất nhiều kẻ chọn lấy 10,000 USD và chứng kiến chuyện gì đã xảy ra với họ."

Bởi vì, nếu không thể nói lời từ chối, bạn sớm muộn sẽ đánh mất tự do, trở thành một kẻ nô lệ.

Chỉ những người thực sự tự do mới hiểu giá trị của lời từ chối.

Nếu bạn không thực sự có nhu cầu đổi điện thoại, hãy thẳng thắn nói Không trước một lời chào mời iPhone đời mới.

Nếu có ai đó gọi điện xin bạn 3-5 phút để tư vấn bảo hiểm, hãy tự tin nói Không để tập trung làm việc.

Nếu thèm mua sắm, nhưng biết rằng mình sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, thậm chí phải đi vay nợ, hãy nói Không với việc tiêu xài lãng phí.

Học cách từ chối người khác, cũng từ chối chính những nhu cầu không chính đáng của bản thân, tránh lãng phí công sức và thời gian, bạn sẽ thu hoạch được nhiều giá trị hơn để đầu tư cho cuộc đời mình. Như vậy, bản thân mới càng trở nên đáng giá hơn.

Khi những việc bạn làm và cách bạn cư xử hòa hợp với các giá trị của mình, cuộc sống dường như vui vẻ hơn và công việc không còn là gánh nặng. Chúng ta có thể sống với tự với đúng năng lực và mong muốn của bản thân.

Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM