Bài viết không lãng phí của bạn 1 giây nào khi đọc của Tiến sĩ giáo dục gửi tới cha mẹ đang có con học cấp 1 trước thềm năm học mới

01/09/2020 15:48 PM | Sống

Một năm học mới lại “mấp mé” khai giảng. Mỗi năm vào thời điểm này, đều rất muốn viết một cái gì đó cho các bố mẹ có con học cấp 1, đặc biệt là nếu con đầu chuẩn bị vào lớp 1.

Đã dự giờ cả 2.000 tiết học cấp 1 ở 30+ trường, và cũng đã dõi theo tầm hơn nghìn đứa trẻ đi qua thời cấp 1 và "tiến hóa" thế nào lên cấp 2, và trực tiếp dạy vài trăm đứa cấp 1 từ các trường đình đám nhất của Hà Nội và Sài Gòn, lẫn "nghe ngóng" bao nhiêu trang mạng, đội nhóm phụ huynh, có lẽ mình đã thấy quá nhiều những điều không ổn trong cách định hướng, đồng hành và dạy con trẻ suốt thời cấp 1. (Mình không dám nói đến chuyện Nuôi, vì chưa có kinh nghiệm.)

Nếu không nói ra thì chắc được "yên ổn", không bị cà chua gạch đá, nhưng cứ phải chứng kiến cách người lớn đang "nhào nặn" tụi trẻ con hơi lệch và đôi khi phản giáo dục, nhiều lúc mình thấy... quá bất an. Thôi thì hôm nay cũng mạo muội nhắn gởi vài điều cho các anh chị em đang làm bố mẹ cho lũ trẻ cấp 1 vậy.

Lời đường mật thì dễ nói lọt tai, ai ai cũng thích lắm, nhưng có khi "thuốc đắng" thì… không sắc không được.

1. Kỹ năng học tập nền tảng

Học tập đúng là quan trọng, nhưng cũng cần xác định cái gì là nền tảng nhất. Với con nít cấp 1, biết đọc lưu loát, viết văn gãy gọn, có đầu có đuôi và làm toán cơ bản ổn thì đã là… quá ổn rồi. Giờ đây, nhiều người cứ thích nhồi cho tụi nhỏ những cái cao siêu của cấp 2 đẩy xuống để thi thố này kia, thật ra nếu làm quá trớn thì là phản khoa học và phản giáo dục.

Phần lớn đứa trẻ không cần những thứ cao siêu đó. Mong mọi người bình tĩnh, đừng vì chạy đua để rồi quên mất, với con trẻ cấp 1, học tập chỉ là MỘT TRONG NHỮNG MỤC TIÊU, chứ KHÔNG PHẢI LÀ MỤC TIÊU DUY NHẤT của tuổi thơ.

 Bài viết không lãng phí của bạn 1 giây nào khi đọc của Tiến sĩ giáo dục gửi tới cha mẹ đang có con học cấp 1 trước thềm năm học mới  - Ảnh 1.

Và đừng có lấy cái luận điểm cực kỳ "ngây thơ" là bộ não của đứa trẻ như tờ giấy trắng, học gì cũng thấm, mà từ đó cứ nhồi lấy nhồi để những thứ chưa cần thiết tại thời điểm này. Hãy nghĩ đến một cái tủ lạnh chất đầy đồ ăn không có một chỗ trống nào, thì chúng ta nhìn vào cũng phát ớn, muốn lấy một thứ gì cũng chưa biết chắc nó nằm ở đâu trong cái tủ lạnh "giàu có" đó. Đừng biến bộ não của tụi trẻ con thành một cái tủ lạnh như thế. Nó sẽ dễ bị hư lắm đó ạ.

2. Năng lực tự kiểm soát bản thân

Nghiên cứu giáo dục gần 50 năm qua đã chỉ rõ rằng: Khả năng tự kiểm soát bản thân của một đứa trẻ mới là điều quan trọng nhất để quyết định thành công và hạnh phúc lâu dài của nó về sau. Nếu như đứa trẻ được "gà luyện" quá sớm và quá trớn, nhưng riêng chuyện hết thời cấp 1 mà trẻ còn chưa biết cách tự ý thức ngồi vào bàn học, chú tâm làm bài trong 20-30 phút thì cái sự học hành "gượng ép" cao siêu kia cũng chỉ là… con dao hai lưỡi.

Bởi lẽ, đầy đứa trẻ xuất sắc trong trường bước ra ngoài đời, thậm chí còn không quản lý nổi cảm xúc của mình. Hoặc là lên cấp 2, chúng không thể cưỡng lại được những cơn ghiền "vô thức" với điện thoại, mạng xã hội, games, quần áo thời trang, đồ ăn nhanh dầu mỡ, nước uống có gas,…

Đừng vì lo nhồi những thứ học thuật cao siêu để nở mày nở mặt và mua lấy sự an tâm "không bền vững", mà quên đi rằng đứa trẻ cần nhiều hơn mấy thứ đó để phát triển bền vững và tồn tại ở đời.

3. Niềm yêu thích và động lực học tự nhiên

Trái cây bị bơm thuốc cho chín sớm, nhìn đẹp tươi, nhưng cũng dễ bị thối rữa nhanh lắm. Con nít cấp 1 mà chưa gì đã "bào mòn" thời gian một tuần bằng những lịch học chi chít, điểm số sẽ long lanh thôi. Nhưng đó cũng là cái cưa rõ to, ngấm ngầm đục khoét động lực học tập tự nhiên của lũ trẻ.

Các bố mẹ có để ý thấy một đứa trẻ vào lớp 1-2 rất hào hứng đến trường, nhưng lớn dần lên thì từ từ uể oải, học hành cực kỳ đối phó không? Đến cấp 2, nhiều đứa sập nguồn, không muốn học nữa. Ánh mắt long lanh, tràn đầy sự tò mò và hứng khởi ngày nào cũng dần dần… đờ đi.

Đó là sai lầm và, nếu nói mạnh tay hơn, là… "tội lỗi" của người lớn.

Con người sinh ra, ai cũng có nhu cầu và động lực học tập rất đỗi tự nhiên, chẳng cần dạy bảo. Cứ nhìn cách một đứa trẻ táy máy thế giới, hỏi han đủ điều, tò mò cho cái gì cũng chơi là tự hiểu.

Thế nhưng, bước vào cấp 1, bao nhiêu đôi bàn tay người lớn thi nhau nhào nặn vì những cái danh hiệu thi đua, chỉ tiêu thành tích, hiệu ứng truyền thông và sự nóng vội của lòng người, nên mỗi người "đẽo" đi một miếng trong cái cục động lực và yêu thích học tập tự nhiên của trẻ con. Thế nên, càng lên lớp trên, tụi nó càng mệt mỏi và biếng lười, mất dần động lực học tập, để rồi chính người lớn lại vô tư, buông miệng đổ lỗi, đổ thừa là do tụi nhỏ.

Hãy quan sát đứa trẻ mỗi ngày và hãy tỉnh táo nhận ra khi nào nó đang tắt dần những điều hết sức tự nhiên ấy. Và hãy bình tâm để biết chúng ta đã sai ở đâu và tiếp theo cần làm gì.

 Bài viết không lãng phí của bạn 1 giây nào khi đọc của Tiến sĩ giáo dục gửi tới cha mẹ đang có con học cấp 1 trước thềm năm học mới  - Ảnh 2.

4. Được NGỦ, được CHẠY và được CHƠI

Đi qua thời cấp 1, một đứa trẻ điểm học bạ chói lóa, cổ đeo đầy huy chương, facebook bố mẹ chi chít những lời tán dương, nhưng mỗi ngày đứa trẻ chỉ ngủ có 6-7 tiếng, cả tuần vận động được chưa đầy một tiếng, và chơi với tụi nó chỉ có điện thoại, iPad, máy tính,… thì đó là một sự "ngu muội" của người lớn. Chính những điều này đã lấy đi thời gian vàng của tuổi thơ lũ trẻ và đang ngấm ngầm "giết chết" tụi nhỏ từ bên trong và ở tận gốc rễ.

Con nít cấp 1 vì những mục tiêu và tham vọng của người lớn, hay vì cuộc chạy đua của các nhà trường, mà ngủ một ngày ít hơn 9 tiếng thì đó là phản khoa học, đang ngấm ngầm giết chết bộ não của trẻ.

Con nít cấp 1 mà không vận động thường xuyên, chỉ có thù lù ngồi một chỗ ôm "vú em công nghệ", thì đừng mong trẻ tỉnh táo học hành, đừng mong chúng nó có bộ não khỏe mạnh để kiểm soát logic, cảm xúc. Thêm vào đó toàn một đống bim bim, gà rán, khoai tây chiên, nước uống có gas mỗi ngày… thì đúng là đang đầu độc trẻ hơn là nuôi chúng nó.

Con nít cấp 1 mà không được nhảy lo cò, nhảy dây, chơi tạt lon, rượt đuổi nhau, chơi năm mười, bịt mắt bắt dê… nói chung là những trò chơi không công nghệ, được chơi tự do và do chúng nó tự biên tự diễn, thì là một sự giáo dục lệch và phi lý. Các nhà khoa học đã đúc kết cả trăm năm qua, chơi tự do với con nít là hình thức học tập… đỉnh cao nhất.

5. Tấm gương mang tên Người Lớn

Con nít cấp 1 học từ sách vở, bài tập thật ra chỉ là 1 thôi; chúng học từ người thực việc thực và những câu chuyện mới là 10. Chúng như những loài sinh vật "copycat" (bắt chước), lúc nào cũng quan sát cách người lớn nói chuyện, ứng xử, biểu hiện trên gương mặt và cơ thể để bắt chước theo. Đó mới là cách chúng hình thành nhân sinh quan, lời nói, hành động và tính cách, và cũng chính là con đường đời mà chúng sẽ đi.

Đừng có tốn tiền cho chúng học những ngôi trường đắt đỏ nhất, những lớp học trang trọng nhất, nhiều giờ học Tây xịn sò, Tiếng Anh chém như gió, công nghệ hoành tráng nhất mà ở đó, người ta cư xử với nhau như chợ búa, ăn to nói lớn, hành xử thô lỗ và trong tâm trí thì tràn ngập những điều tiêu cực, dù miệng đang nở nụ cười.

Về nhà, hãy xem cái cách mà những người trong nhà tương tác với nhau và tương tác với lũ trẻ. Hãy kể cho chúng những câu chuyện tốt đẹp, hãy cùng chúng làm những việc nho nhỏ nhưng giá trị, và hãy đừng ngại ngần thể hiện yêu thương với con.

Đó là giáo dục ưu việt, chứ không phải những trường học, trung tâm, con người hoành tráng long lanh nhưng rỗng ruột và không có tâm.

 Bài viết không lãng phí của bạn 1 giây nào khi đọc của Tiến sĩ giáo dục gửi tới cha mẹ đang có con học cấp 1 trước thềm năm học mới  - Ảnh 3.

Những đứa trẻ lớn lên đong đầy cảm xúc, biết lắng nghe chia sẻ, biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, tuy khởi đầu về học thuật có thể không bằng dàn siêu sao, nhưng đường dài mới biết ngựa hay.

Chúng nó vẫn còn rất nhiều cơ hội để vượt mặt nhiều siêu sao chỉ biết có học mà "rỗng ruột", thiếu thốn các mối quan hệ tích cực trong cuộc sống. Khoa học và cuộc đời đã chứng minh những điều đó, chúng ta cũng không nên mờ mắt mà quên đi rằng: Bố mẹ vẫn mãi là những thầy cô giáo tuyệt vời nhất với lũ trẻ con, đặc biệt là khi chúng còn cấp 1.

6. Những thói quen "nhỏ mà có võ"

Để thành công và hạnh phúc ở một cuộc đời dài rộng, cần nhiều hơn việc chăm chăm "điên cuồng" những điểm số thành tích "con nhà người ta" ở thời cấp 1 hay chém Tiếng Anh như bản xứ. Nhiều khi mình chỉ muốn thét lên: Trời ơi, cả nhà mở đôi mắt ra cho to hơn được không ạ.

Để nhìn xem: tụi nhỏ đi qua thời cấp 1, có biết cách tự sắp xếp và tổ chức cuộc sống "bé con" của mình không, tự gấp quần áo, tự mặc quần áo giày dép, tự sắp xếp không gian học tập, tự ăn cơm dọn phòng, tự dọn dẹp đồ chơi, tự tắm rửa… Muốn đi xa và đi bền ở đời, cần lắm những chự Tự như thế ở thời cấp 1, thì mai kia lên cấp 2, cấp 3 mới có thể dạy cho chúng những chữ Tự khác.

Không ít lần nhìn vài siêu sao cấp 1 mà những cái Tự đó cứ như là vật thể ngoài hành tinh với chúng nó, mình thấy lo cho tương lai của chúng nhiều hơn là vui với thành tích hiện tại. Chúng ta cứ tự hỏi: Mình đang chạy đua vì điều gì và muốn dạy một đứa trẻ thành người như thế nào?

Hình như cái sự học hành điểm số trên trường nó choáng hết đầu óc của vài bố mẹ, cứ như bố mẹ chỉ lấy một cái kính lúp soi vào bài vở và xem đó là cả thế giới. Để rồi họ không thấy luôn những chữ Tự bên cạnh, đang "gào thét rát họng", đòi bố mẹ để tâm và dựng xây cho lũ trẻ con.

7. Đừng giết chết bộ óc sáng tạo vĩ đại

Ngành công nghiệp giáo dục giờ đây cái gì cũng có thể lôi ra kiểm tra cho bằng được. Phần lớn bài kiểm tra chỉ là những thứ học rồi quên, luyện hoài cũng lên điểm. Nếu luyện thi không tinh tế, không hiểu sâu bản chất của sự học thì chúng ta rất dễ lỡ tay giết chết luôn sự sáng tạo vốn dĩ đang tràn đầy trong từng milimet não của lũ trẻ.

Bao thầy cô ở trường, ở trung tâm, ở nhà cứ như bán tống bán tháo một rừng thông tin, kiến thức, khuôn mẫu bài, cách giải đề vào đầu lũ trẻ con trong một khung thời gian chật hẹp. Có lần nhìn bài vở của vài đứa siêu sao Toán lớp Năm và bài tập kiểu đếm có bao nhiêu cách ghép, mình té ghế khi thấy các thầy cô "cao thủ lão làng" quăng luôn công thức tổ hợp, chỉnh hợp A, C mà ngày xưa lớp 11, 12 mình mới học, để chúng nó lắp số vào như một cái máy, tính cho nhanh để đi thi làm bài cho được nhiều.

Trời ơi, giáo dục "siêu sao" là thế này đây?

Trong khi đó, không mấy người chịu để tâm đến việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo cho trẻ. Điều này dẫn đến một hệ thống kiểu dạy và học nhanh, gọn, nhẹ, tiện lợi như... mì ăn liền. Cứ lôi tụi nhỏ ra kiểm tra trắc nghiệm hết thì người lớn chấm bài nhanh lắm, khỏe re. Nhưng còn bầu trời đầy sáng tạo của trẻ thì sao? Ai sẽ trả lại cho trẻ?

Kiểu học luyện và kiểm tra ấy, về mặt giáo dục, chỉ là cách học đóng hộp và nông cạn, chứ không phải là việc học thật sự, học sâu. Vì thế, ở cấp Một, nhiều đứa trẻ có thể đạt được 9-10 điểm, nhưng khi bảo chúng sáng tạo một cái gì đó "bản sắc" của riêng mình, thì hầu hết các câu trả lời đều na ná giống nhau, hoặc buồn hơn, chúng... tịt ngòi.

Một đứa trẻ sinh ra là phải chạy, nhảy, nghịch nước, tắm mưa, phải nghịch đất, xây lâu đài cát, bắt côn trùng, vẽ vời, sống với thế giới bên ngoài lung linh bao sắc màu,... Giải phóng con trẻ, có lẽ nên bắt đầu từ việc trả lại cho chúng cái năng lực học tự nhiên rất tuyệt vời của con người: táy máy, tò mò, sờ mó, động chạm, cảm và yêu thế giới xung quanh.

Và đừng đóng khung tụi nhỏ bởi những kiểu dạy – học khuôn mẫu chỉ có đúng hoặc sai, mà hãy cho chúng được… bay. Nhiều người lớn đã tịt ngòi sáng tạo cũng vì cái kiểu dạy – học đó, giờ chính chúng ta lại dùng cái sự "không sáng tạo" của bản thân để gò trẻ theo đúng lối mòn và bẫy lồng mà bản thân chúng ta đã và đang bị nhốt.

 Bài viết không lãng phí của bạn 1 giây nào khi đọc của Tiến sĩ giáo dục gửi tới cha mẹ đang có con học cấp 1 trước thềm năm học mới  - Ảnh 4.

Kurt Hahn, nhà giáo dục người Đức vào đầu thế kỷ 20, đã chỉ ra 6 sự tụt dốc của giới trẻ hiện đại, do công nghệ và lối sống hiện đại gây ra:

-- Tụt dốc về sức khỏe thể chất

-- Tụt dốc về ý tưởng và tò mò

-- Tụt dốc về trí nhớ và tưởng tượng

-- Tụt dốc về kỹ năng và chăm chú

-- Tụt dốc về kỷ luật, kiểm soát bản thân

-- Tụt dốc về thấu cảm và yêu thương

Với ông, giáo dục chân chính là phải giúp tạo ra những trải nghiệm để hình thành nên giá trị của học sinh, giúp bảo vệ sự sống còn của những phẩm chất đang bị đe dọa như động vật quý hiếm trong sách đỏ:

–– Trí tò mò

–– Tinh thần hăng hái không mệt mỏi

–– Kiên định theo đuổi mục tiêu

–– Cưỡng lại những cám dỗ

–– Yêu thương

Thế nhưng, với những cuộc "đánh cướp" không ngưng nghỉ của người lớn với con trẻ, dù vô tình hay cố ý, dù tự nguyện hay do bị ràng buộc, áp lực, thì không biết đâu mới là cái phanh cho sự tụt dốc này.

Mong bố mẹ có con cấp 1, trước thềm một năm học mới và một chặng đường mới, được "chân cứng đá mềm", vững tâm và vững bước trước những cám dỗ, thị phi, chạy đua để thông minh và bình tâm hiểu được: Thế giới và tuổi thơ của một đứa trẻ cấp 1 cần nhiều hơn những cái ngắn hạn, tủn mủn và nông hời kia.

Mưa dầm thấm lâu lắm. Còn những cơn mưa rào thì chỉ ào ào, làm ướt áo rồi một lát sau mọi thứ lại khô tạnh, bốc hơi hết mà thôi. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng cội rễ của việc học, dù khởi đầu có chậm và có "bình thường", nhưng cũng sẽ chạm được đến hai chữ "Thiên Tài".

Bởi mỗi đứa trẻ được sinh ra đã là một Thiên Tài đang chờ được đánh thức và ươm mầm, chứ không phải để người người cướp giật, đánh tỉa và thổi tắt ngày chúng ngây thơ và hào hứng bước chân vào cấp 1.

Vài nét về tác giả:

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhận bằng Cử nhân tại Trường Kinh tế London (Anh) năm 2007, bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) năm 2012 và bằng MBA của Đại học Oxford (Anh) năm 2016.

Anh là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục khi thành lập và biến đổi hơn 100 trường học. Với mục đích giúp cho quá trình giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã đào tạo hơn 25.000 giáo viên về việc giảng dạy đổi mới.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục và các vấn đề liên quan. Hiện tại, anh là Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục IEG.


TS Nguyễn Chí Hiếu

Cùng chuyên mục
XEM