Bài phát biểu dài 4 phút về giấc mơ giàu có của cậu bé 6 tuổi, nhiều người sống tới 40 tuổi mới nhận ra
"Bạn làm việc vất vả nhưng lại chỉ nhận được những thành quả rất hạn chế, giống như bạn đang bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn vĩnh viễn không tìm thấy được lối thoát", lời phát biểu của cậu bé 6 tuổi nói khiến không ít người tuổi ngoài 40 giật mình.
"Dậy sớm và đi làm sớm, trở về nhà vào lúc tối muộn, thế nhưng vẫn không thể đảm bảo được một mức lương tốt và đủ để trang trải cuộc sống gia đình... Cuộc sống này giống như đang ở trong một nhà tù vậy. Sau khi làm một loạt những việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này chẳng còn chút ý nghĩa nào hết".
"Bạn làm việc vất vả nhưng lại chỉ nhận được những thành quả rất hạn chế, giống như bạn đang bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn vĩnh viễn không tìm thấy được lối thoát"
"Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi cuộc sống máy móc vô vị này, và chỉ bằng cách trở nên giàu có, người ta mới có thể chạm tới được những mong muốn thực sự của mình trong cuộc sống. Tôi muốn trở nên giàu có để cuộc sống này có ý nghĩa hơn".
Có thể tin được không, đó là những phát biểu của cậu bé 6 tuổi tại Chiết Giang (Trung Quốc) trong một cuộc thi hùng biện với chủ đề "Tôi có một giấc mơ" ở trường.
Lý giải cho giấc mơ muốn trở thành người giàu có, cậu bé đã đưa ra những luận điểm sắc bén, "già trước tuổi" của mình, khiến người lớn không khỏi giật mình thảng thốt.
Ở lứa tuổi còn rất nhỏ như vậy, cậu bé lớp 1 không hề có những suy nghĩ "màu hồng" như những đứa trẻ cùng tuổi khác. Em nói rằng mình cảm nhận được áp lực quá lớn từ cuộc sống này, cảm thấy kiệt quệ và lo lắng cho tương lai của bản thân khi lớn lên.
Bài phát biểu 4 phút của cậu học trò nhỏ tuổi dù được trình bày với một tông giọng trầm buồn, thế nhưng lại thu hút được sự chú ý của rất nhiều người và nhận được một tràng pháo tay giòn giã sau khi em kết thúc.
Thế nhưng, nhiều người tỏ ra xót xa cho cậu bé, chắc hẳn em phải trải qua nhiều mệt mỏi, chứng kiến cơn vật lộn với miếng cơm, manh áo của người lớn mỗi ngày... nên mới có cái nhìn u ám về tương lai đến thế.
Cũng lại có người nói, em còn nhỏ nhưng vấp phải gánh nặng buộc Phải Giàu, Phải thành đạt mà cha mẹ giao phó, trong khi tuổi của em là được sống vô tư, hồn nhiên.
Nhưng, thực chất, điều cậu bé này muốn không phải chỉ là tiền bạc, vật chất. Được sống một cuộc sống tự do, thoát khỏi các khuôn phép, chuẩn mực sáo rỗng đã đặt lên đôi vai nhỏ bé của thế hệ chúng mới là mong mỏi mãnh liệt nhất".
Có bao giờ chúng ta rùng mình sợ hãi, khi nhìn thấy những đứa trẻ được đào tạo công nghiệp như đám gà con, cùng một kiểu hành văn, cùng một kiểu vui chơi, cùng một khung suy nghĩ giống như bài tập làm văn được vạch sẵn đề cương chi tiết?
Người lớn chúng ta đặt lên những đôi vai bé nhỏ của chúng hàng loạt gánh nặng: Phải ngoan, Phải giỏi, Phải xuất chúng. Rõ là con nhà mình, nhưng lại luôn ao ước chúng trở thành "con nhà người ta". Kỳ vọng của bậc làm cha mẹ, đôi khi hủy hoại tuổi thơ của con trẻ, triệt tiêu mong mỏi được – phép – sai – lầm, được - phép - sống - đúng - lứa tuổi - của chúng.
Cha mẹ cho rằng nếu con thua thiệt ngay từ vạch xuất phát thì cả cuộc đời này vĩnh viễn là kẻ thua cuộc. Và cứ thế, họ gò con cái vào những cuộc đua không hồi kết và cũng là cách để xoa dịu cho những bất an trong lòng mình.
Lớn lên một chút, những đứa trẻ ấy, đặc biệt là cánh nam giới bước vào đời, tiếp tục gánh vác trọng trách "định danh", "lập thân", miệt mài kiếm tiền để xứng tầm với kì vọng của cha mẹ. Nhưng cái độ tuổi 20~30 đâu phải tất thảy đều thành công. Nhiều người trong số ấy loay hoay, bế tắc với những dự án khởi nghiệp thất bại. Nhìn bạn bè thăng tiến, kiếm tiền ầm ầm, cánh đàn ông lại mệt mỏi lao đầu vào công việc mong tìm kiếm sự đổi thay.
Lúc này những đứa trẻ to xác như sói hoang bị nhốt trong xó nhà. Thế nhưng, mấy ai dám từ bỏ đâu vì họ còn phải lo kinh tế, duy trì cuộc sống hay chăm sóc gia đình. Áp lực và cái giá của sự trưởng thành nhiều khi khốc liệt, đáng sợ thế đấy.
Những đứa trẻ tội nghiệp, từ nhỏ tới lớn bị giấc mơ mong trở thành người thành công của cha mẹ đè nặng lên vai. Vì cái mẫu số chung ấy, mà tụi trẻ bị nhồi nhét, ép uổng vào những khuôn phép. Thay vì được dạy làm thế nào để trở thành người hạnh phúc, những đứa trẻ được huấn luyện cách kiếm được thật nhiều tiền. Vô tình, chúng bị rơi vào bị kịch "sống thuê" cho giấc mơ thành đạt của người lớn. Tự hỏi, cuộc sống nhiều mệt mỏi thế, liệu tiền và rất nhiều tiền có thể xoa dịu, hàn gắn được hay không?
Ước vọng trở nên giàu có không xấu, thậm chí rất tốt đẹp. Nhưng, hãy là một người giàu có hạnh phúc bắt đầu ngay từ những ngày thơ bé.