Bài phân tích Aquaman "chất từng chữ" và câu cuối nói về CK AFF Cup khiến triệu người Việt phấn khích!

13/12/2018 14:30 PM | Sống

Dù đi sâu và phân tích về đạo diễn gốc Á của bộ phim bom tấn Aquaman vừa ra mắt tối 12/12, tác giả Bình Bồng bột vẫn khéo léo chốt bằng 1 câu về CK AFF Cup khiến các bạn đọc thích thú.

Mới ngoài 40, anh đã là một huyền thoại của Hollywood nhờ vực dậy dòng phim kinh dị ngỡ như đã hết thời.

Sinh ra tại Malaysia, gốc gác Trung Quốc, lớn lên tại Úc và thành danh tại Mỹ, kinh đô điện ảnh thế giới, anh là James Wan, người mê phim đến mức quên cả… yêu.

James Wan là một người tất bật. Anh nói chuyện rất nhanh (và sệt ngữ âm của Úc), đi nhanh và ăn uống cũng qua loa. Cuộc đời anh dường như chỉ có hai mục đích: làm phim và… làm phim.

Gần đây nhất, bộ phim The Nun (Ác quỷ ma sơ) do anh sản xuất vừa oanh tạc các phòng vé Việt Nam và thế giới.

Bài phân tích Aquaman chất từng chữ và câu cuối nói về CK AFF Cup khiến triệu người Việt phấn khích! - Ảnh 1.

Đạo diễn James Wan.

Đấy là bộ phim thứ năm trong "vũ trụ điện ảnh" The Conjuring do anh làm cha đẻ. Cho đến nay, các phim kinh dị do anh đạo diễn hoặc sản xuất đã vượt qua cột mốc tỷ đô từ lâu.

Người ta làm phim chỉ mong một vốn hai lời đã là hạnh phúc. Bàn tay phù thủy của James Wan chạm vào phim nào, phim ấy đều một vốn bốn lời, thậm chí… mười lời.

Năm 2004, Wan bước ra ánh sáng với Saw. Thuở mới vào nghề, đâu có ai tin tưởng Wan. Huống chí lúc ấy, dòng phim kinh được cho là đã cáo chung, với hàng loạt những tác phẩm bết bát, cũ kỹ.

Chạy vạy hết các kiểu Wan mới kiếm được ngân sách 1,2 triệu USD. Người bạn thân Leigh Whannell cùng viết kịch bản với Wan rồi thủ luôn vai chính.

Sau khi rời khỏi các rạp chiếu, Saw thu về hơn 100 triệu USD. Các nhà làm phim nhìn Wan ngưỡng mộ lẫn tò mò: gã châu Á này từ đâu ra thế nhỉ.

Bài phân tích Aquaman chất từng chữ và câu cuối nói về CK AFF Cup khiến triệu người Việt phấn khích! - Ảnh 2.

James Wan trên phim trường Saw.

Thấy bở đào mãi là thói quen khó bỏ ở Hollywood. Tính đến nay, "Saw" đã có tổng cộng 7 phần với tổng doanh thu gần 900 triệu USD, con số đáng mơ ước với một loạt phim kinh dị.

Wan vẫn có tên ở vị trí sản xuất vì đây là sản phẩm sáng tạo của anh, nhưng từ chối ngồi vào ghế đạo diễn. Suốt ba năm sau Saw, anh không làm thêm một bộ phim nào nữa mà dành trọn tâm huyết cho hai dự án lấy chủ đề cái chết.

Năm 2007, Wan tung liền… một cặp: Death Sentence và Dead Silence.

Kết quả? Thất bại thảm hại. Nhiều người hiện nay ca ngợi Wan như thần tiên giáng thế, như Midas chạm đâu cũng thành vàng mà bỏ quên mất hai cú ngã ngựa nặng nề của anh trong cùng một năm.

"Tôi đã từng tin Death Sentence là bộ phim hoàn hảo nhất của mình, nhưng đáng tiếc khán giả không nghĩ thế," Wan nói.

Phải mất thêm ba năm nữa, Wan mới trở lại ghế đạo diễn. Trong ba năm ấy, Wan không ngừng đặt câu hỏi: khán giả thực sự thích gì, liệu dòng phim kinh dị có còn đất sống, hay Saw chỉ là một cú ăn may nhất thời của gã trai thuở mới vào nghề?

Đến khi Insidious ra đời năm 2010, Wan đã có câu trả lời. Vẫn là người bạn thân Leigh Whannell viết kịch bản và thủ một vai trong phim, Insidious với mức đầu tư 1,5 triệu USD đã mang về 97 triệu USD doanh thu toàn cầu.

Và từ ấy, Wan không dừng lại nữa. Giữa lúc các phim kinh dị xung quanh đìu hiu và nhạt nhẽo, phim của Wan dù là sản xuất hay đạo diễn đều hốt bạc đều.

Năm 2013, "The Conjuring" thu về 318 triệu USD dù chỉ sản xuất 20 triệu. Không chỉ một vốn mười mấy lời, phim còn được giới phê bình nhiệt liệt ca ngợi.

Họ gọi đó là tác phẩm gieo sợ hãi xuất sắc hiếm thấy trong suốt một thập kỷ, có thể sánh ngang với các kiệt tác "The Ring" hay "Let The Right One In".

Thừa thắng xông lên, Wan tung ra Insidious: Chapter 2 (2013), Annabelle" (2014), "The Conjuring 2" (2016). Insidious: Chapter 2 có doanh thu "hẻo" nhất là 160 triệu USD (đầu tư 5 triệu).

Còn lại đều vượt mốc 250 triệu USD. Phim nào cũng gieo vào lòng khán giả nỗi sợ hãi tột cùng, khiến họ vài ngày sau vẫn còn ám ảnh.

Vì sao Wan lại thành công như thế? Vì anh tiếp thu tinh hoa của cả hai nền văn minh Á, Âu. Anh đã dành nhiều thời gian để tự đặt ra câu hỏi: con người sợ nhất là điều gì?

Câu trả lời chẳng phải là những kẻ giết người hàng loạt, những màn trả thù báo oán xáo mòn. Con người sợ nhất những gì mà họ không biết, không thấy, không thể trả lời.

Quan điểm của Wan, mà có lẽ đa số sẽ đồng tình: cái bóng đen bí ẩn sau cánh cửa hé mở còn đáng sợ hơn thứ bên trong ấy.

Phim của Wan luôn đi trực diện vào nỗi sợ hãi ấy của con người, khiến ta người ta vừa sướng, vừa sợ, vừa tò mò và chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của anh.

Về mặt hình thức, phim của Wan luôn có tông màu ảm đạm, ánh sáng tương phản cao, cách kể chuyện dứt khoát, âm thanh dồn dập, sự ma mị u ám được kết hợp thủ pháp hù dọa máu me truyền thống, cài cắm thêm những chi tiết hóc búa buộc người xem phải đồng hành cùng nhân vật. Cứ thế, Wan lấy tiền trong túi khán giả dễ như trở bàn tay.

Bài phân tích Aquaman chất từng chữ và câu cuối nói về CK AFF Cup khiến triệu người Việt phấn khích! - Ảnh 3.

James Wan trên trường quay Conjuring 2.

Wan chưa có vợ, và hình như cũng chưa có bồ. Nhưng sau lưng anh vẫn có bóng dáng của một người phụ nữ là mẹ. Bà từng là một nữ y tá, hay kể cho con trai mình nghe những câu chuyện ma mà mình từng nghe được hoặc… thấy được ở bệnh viện.

Bà dắt con trai đến rạp xem phim từ rất sớm, chủ yếu là… xem phim kinh dị. Cậu bé Wan mê phim và nghiện… nỗi sợ ngay từ những ngày ấy.

Có một điều trớ trêu: Wan không phải là một người quá tin vào linh hồn, kiếp sau hay ma quỷ. Nói cách khác: kẻ gieo rắc nỗi sợ cho mọi người thực ra không hề sợ hãi những gì mình làm ra.

Trong một lần trả lời phỏng vấn cực kỳ hiếm hoi với GQ, anh nói: "Tôi nhớ Roland Emmerich, người đã làm ra bộ phim về người ngoài hành tinh là Independence từng nói ông không tin vào… người ngoài hành tinh. Nhưng ông vẫn làm rất hay bộ phim vì đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: nếu có thì sao?".

"Nếu có thì sao" có lẽ là một khẩu quyết của dòng phim kinh dị. Nếu có ma thì sao, nếu có thế giới bên kia thì sao, nếu có thế giới song song thì sao, nếu búp bê biết… giết người thì sao? Tự trả lời những câu hỏi "nếu có thì sao" ấy, Wan đã tạo ra một vũ trụ phim kinh dị của riêng mình.

Rồi một hôm, Wan tự đặt câu hỏi: nếu mình làm phim bom tấn thì sao? Thế là anh nhận lời làm phần 7 của loạt Fast & Furious đình đám.

Khán giả mê như điếu đổ, ca ngợi đó là phim xuất sắc nhất trong serie này. Phim thu về… 1,5 tỷ USD toàn cầu. Từ chỗ franchise tỷ đô, Wan trở thành đạo diễn tỷ đô trong chớp mắt.

Và bây giờ, anh lãnh trọng trách vực dậy vũ trụ phim DC, với nhân vật Aquaman trong bộ phim cùng tên.

Bài phân tích Aquaman chất từng chữ và câu cuối nói về CK AFF Cup khiến triệu người Việt phấn khích! - Ảnh 4.

James Wan và dàn diễn viên Aquaman.

Lãnh đạo của DC hy vọng James Wan sẽ có thể vực dậy một thương hiệu đang thua thấy rõ so với đối thủ Marvel, như anh đã từng vực dậy cả một dòng phim xưa cũ, thậm chí còn đưa nó lên một tầm cao mới chưa từng có trong lịch sử.

Thần tượng của James Wan khi ngồi trên ghế nhà trường là Steven Spielberg, James Cameron và George Lucas, những bậc thầy của dòng phim bom tấn. Ở tuổi tứ tuần, Wan đã chính thức bước vào con đường của những thần tượng.

Cuộc đời anh là hành trình vươn lên, mặc kệ những lời dèm pha, rằng một gã châu Á sẽ làm nên trò trống gì ở kinh đô điên ảnh Mỹ, rằng làm sao có thể vực dậy một dòng phim đã chết, rằng phim kinh dị thì làm sao có giá trị nghệ thuật cao, rằng một gã chuyên làm phim rẻ tiền sẽ làm nên trò trống gì với Fast 7, rằng một cánh én James Wan sao kéo được mùa xuân DC?

Anh mặc kệ tất cả. Vì cha đẻ của những nỗi sợ hãi kỳ thực là một kẻ… không sợ gì cả!

Tuy Aquaman rất mãn nhãn, và là phim tốt nhất của DC từ trước đến giờ. Phim của Wan sẽ thắng, nhưng quê hương của anh sẽ thua.

Mã Lai có biệt danh là hổ, nhưng Việt Nam là dân chuyên cạo xương cọp ra làm cao hổ cốt. Chúc mừng anh vì đã có một Aquaman thành công. Nhưng chia buồn vì Mã Lai của anh chuẩn bị làm á quân AFF Cup.

Bình Bồng Bột

Cùng chuyên mục
XEM