Bài học từ 'Ngôi nhà Thần kỳ' sống sót giữa cảnh hủy diệt bởi cháy rừng Hawaii

01/09/2023 15:00 PM | Sống

Ngôi nhà mái đỏ “cô đơn” này gây chú ý giữa thảm cảnh hủy diệt khi cháy rừng quét qua Lahaina, xóa sổ phần lớn thị trấn nghỉ dưỡng của Hawaii này.

Bài học từ 'Ngôi nhà Thần kỳ' sống sót giữa cảnh hủy diệt bởi cháy rừng Hawaii - Ảnh 1.

"Ngôi nhà thần kỳ" bình an trước cơn bão lửa, trong khi tất cả những nhà hàng xóm chỉ còn lại đống tro tàn. Ảnh: NPR

Khi bão lửa "địa ngục" quét qua Lahaina trên đảo Maui, nó đã biến thị trấn lịch sử và quyến rũ này thành tro bụi và đống đổ nát. Nhưng ngọn lửa dường như đã dừng lại trước ngôi nhà mái đỏ ở địa chỉ 271 phố Front, nó giờ đã nổi tiếng với tên gọi "Ngôi nhà thần kỳ".

Các chuyên gia ước tính 80% nhà cửa ở thị trấn Lahaina, nơi sinh sống của khoảng 12.000 người, đã bị phá hủy. Hình ảnh “Ngôi nhà thần kỳ” xuất hiện trên Internet đang khiến mọi người suy đoán về điều gì đã có thể cứu được ngôi nhà. Thực tế thì có lẽ là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả ý thức chủ quan của các chủ nhân cùng với sự may mắn.

Trip Millikin, người sở hữu ngôi nhà ở 271 Front St., nói với đài NPR: “Mọi người gọi nó là ‘ngôi nhà kỳ diệu’”. Nhưng điều đó không khiến Millikin thấy thoải mái, anh vẫn vô cùng đau xót khi ngôi nhà của mình sống sót, trong khi cộng đồng xung quanh đã bị xóa sổ.

“Trái tim của chúng tôi tan vỡ vì những gì đã xảy ra”, ông Millikin nói. "Chúng tôi yêu khu phố của mình và yêu bạn bè, nhưng không thể tin rằng thế giới mà chúng tôi hiểu và yêu quý, nó đã biến mất vĩnh viễn."

Đầu tháng này, trận hỏa hoạn lớn, tàn khốc ở Maui, hòn đảo lớn thứ hai ở Hawaii, đã khiến ít nhất 115 người được xác nhận thiệt mạng và có thể có tới hơn 1.000 người còn mất tích trên đảo Maui. Sau thảm họa, những bức ảnh về ngôi nhà gỗ vẫn còn nguyên vẹn giữa khung cảnh hủy diệt xung quanh đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Bạn bè của Millikin gọi đó là ngọn hải đăng của hy vọng. Còn đối với ông, sự tồn tại của ngôi nhà lịch sử có nghĩa là nó có một vai trò mới.

Ông nói: “Ngay khi có thể, chúng tôi muốn mở cửa nó cho các vùng lân cận và mở cửa cho tất cả mọi người, như một mô hình tham khảo để giúp xây dựng lại một phần Lahaina của chúng tôi”.

Bài học từ 'Ngôi nhà Thần kỳ' sống sót giữa cảnh hủy diệt bởi cháy rừng Hawaii - Ảnh 2.

Ngôi nhà của gia đình Trip Millikin vượt qua trận "bão lửa" nhờ sự kết hợp của một loạt yếu tố. Ảnh: NPR

Thật không dễ để giải thích chính xác làm thế nào ngôi nhà vẫn sống sót sau trận hỏa hoạn thiêu rụi hàng trăm công trình xung quanh nó. Ông Millikin chỉ ra hai yếu tố lớn: may mắn và mái nhà kim loại mà ông và vợ, Dora Atwater Millikin, đã lắp đặt trong quá trình cải tạo gần đây. Bên cạnh đó còn là dải đá mà ông rải bao quanh nhà.

Millikin nói: “Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa mái tôn, một dải đá bao quanh nhà, những loài cây xung quanh nhà hấp thụ nhiệt - và rất nhiều sự can thiệp của thần linh".

Sức sống của ngôi nhà gỗ trăm tuổi

"Ngôi nhà thần kỳ" đến nay đã gần tròn 100 năm tuổi. Nó ra đời từ 1925, và người ta tin rằng nó đã được chuyển tới từ một địa điểm khác trên đảo Maui. Sau khi ông Millikin và vợ mua căn nhà vào năm 2021, họ đã hoàn thành dự án trùng tu vào năm 2022.

Millikin cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ 5 lớp nhựa đường trên mái nhà. Ông cho biết thêm, khi mái kim loại mới được lắp đặt, nó còn có một lớp túi khí để tản nhiệt. Trên mặt đất, họ loại bỏ tất cả thảm thực vật dọc theo đường ống của ngôi nhà và thêm một lớp đệm ngăn cách bằng đá, một giải pháp mà ông thực hiện ban đầu không phải nhằm ngăn chặn hỏa hoạn mà là ngăn mối mọt.

Dù cố ý hay không, những thay đổi đó đều tuân theo hướng dẫn về phòng chống cháy rừng từ Sở Lâm nghiệp Bang Colorado, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước như giảm khả năng bắt lửa của ngôi nhà. Ưu tiên đầu tiên được đề cập trong danh sách kiểm tra của sở này là đảm bảo vật liệu lợp có xếp hạng chống cháy Loại A - bao gồm mái kim loại.

Bài học từ 'Ngôi nhà Thần kỳ' sống sót giữa cảnh hủy diệt bởi cháy rừng Hawaii - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân thăm hiện trường thảm họa cháy trên đảo Maui, Hawaii. Ảnh: Reuters

Ông Daniel Beveridge tại Sở lâm nghiệp Colorado nói với NPR rằng than hồng bay trong không khí là nguồn lây lan cháy rừng phổ biến nhất. Ông Beveridge cho biết không có cách nào để biết chính xác điều gì đã bảo tồn ngôi nhà ở Front Street, nhưng "mái kim loại và việc giảm thiểu vật liệu dễ cháy xung quanh chắc chắn đã hạn chế khả năng khiến cấu trúc có thể bị đốt cháy."

Khi gió lớn từ cơn bão Dora thổi ngọn lửa đi qua Lahaina, những cục than hồng lớn bay lên trong không khí - nhưng chúng không gây ra thảm họa tại nhà của Millikin. Chỉ có một thiệt hại duy nhất tại đây là ống nhựa PVC bị cong vênh trên tường. Ngoài ra có một số phần sơn tường ở bếp bị phồng rộp do nhiệt độ cao của môi trường. “Đằng sau nó là những tấm ván nguyên bản – tôi nghĩ chúng là gỗ đỏ – từ khoảng năm 1920. Nhưng chúng không cháy”.

Điều may mắn nữa là bình khí propan ở gần đó cũng còn nguyên vẹn. "Bạn có thể tưởng tượng nếu bình khí propane đó bắt lửa không? Toàn bộ nơi này sẽ biến mất."

Gia đình Millikin không ở Lahaina khi hỏa hoạn xảy ra: họ đang đi thăm bạn bè và gia đình ở Massachusetts. Millikin cho biết lần đầu tiên ông biết về vụ cháy rừng là từ một người bạn đang chạy khỏi thảm họa.

Hành lang an toàn quanh nhà

Trên thực tế, sự tồn tại của “Ngôi nhà kỳ diệu” ở Lahaina đã nhấn mạnh vai trò của những “hành lang” an toàn, có thể giúp cho ngôi nhà bình yên trước hỏa hoạn và các vấn đề khác.

Thật dễ dàng nhận thấy lớp đá rải bao quanh ngôi nhà đã giúp ngăn lửa như thế nào, vì đá chắc chắn sẽ không bao giờ bắt lửa. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà có thể không biết rằng việc lựa chọn một số loại cây và lớp phủ mặt đất cũng giúp giảm nguy cơ hỏa hoạn. Các lính cứu hỏa thì thường đào mương, hoặc trải lớp phủ trung tính để ngăn lửa lan rộng.

Vào năm 2023, chủ nhà ở các bang đặc biệt khó khăn về khí hậu khắc nghiệt, như California và Arizona, đã được khuyến khích tạo lập các hành lang an toàn thay thế cho bãi cỏ. Các bang này phụ thuộc vào nguồn nước thường được dẫn vào từ nơi khác, khiến nước trở thành nguồn tài nguyên quý giá và tốn kém không nên dành để chăm sóc các loài thực vật không phải bản địa, như nhiều loại cỏ thông thường.

Bài học từ 'Ngôi nhà Thần kỳ' sống sót giữa cảnh hủy diệt bởi cháy rừng Hawaii - Ảnh 4.

"Ngôi nhà kỳ diệu" có thể trở thành mô hình tham khảo cho nhà cửa ở những vùng dễ xảy cháy. Ảnh: Getty Images

Ngay cả trong một thế giới hoàn hảo với nguồn nước dồi dào, bản tính của con người là dễ quên hoặc trì hoãn làm một công việc vặt như tưới cỏ. Vòi phun nước có bộ hẹn giờ thì tốn tiền. Nhiều người sống trong những ngôi nhà mà họ không chăm sóc bãi cỏ vì họ là người đi thuê. Những lý do đó có nghĩa là những bãi cỏ quanh nhà có thể bị khô, và đó là nơi đám cháy dễ lan rộng.

Mặc khác, việc chọn một bãi rêu, các loại cây chịu hạn, hoặc rải đá – hoặc kết hợp những thứ này – sẽ loại bỏ tình trạng khô hạn. Đá hoặc sỏi cho phép lượng mưa chảy qua đất và vì nó bao phủ bề mặt đất nên hơi ẩm không dễ bay hơi. Rêu có thể bám trên mặt nước, giống như những cây xương rồng mềm nhỏ, và chúng giúp giữ độ ẩm cho đất xung quanh.

Và những cây chịu hạn, có thể bao gồm nhiều cây địa phương hơn, cũng như những cây nhập khẩu có khả năng chịu hạn cực cao, đã quen với điều kiện ít khan hiếm nước mà không bị khô và dễ cháy. Việc chọn một “bãi cỏ” phi truyền thống cũng làm giảm việc cắt tỉa cỏ, thường bỏ lại xác cỏ khô và vô tình khiến chúng trở thành mồi lửa.

Giải pháp tạm thời cho người dân ở những khu vực thường xảy cháy rừng trầm trọng do biến đổi khí hậu là có thể sử dụng hỗn hợp các loại cây phi truyền thống khác nhau để các bãi có phát triển tốt mà không cần nhiều nước, và không cần bảo trì đặc biệt để tránh bị khô.

Theo Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM