Bài học “phũ phàng” từ một startup vận chuyển: Mô hình hay, gọi vốn nhiều, nhưng không lợi nhuận thì vẫn thất bại thôi!
Một mô hình với tham vọng cách mạng hóa ngành vận chuyển, dưới sự “chống lưng” mạnh mẽ của những đại diện cho thế hệ đầu tư mạo hiểm thế kỷ 21 cũng đã chính thức phá sản chỉ vì … không mang lại lợi nhuận.
"Theo ý kiến của tôi thì giới startup thật là điên rồ, có hàng ngàn công ty không tạo ra một đồng lợi nhuận nhưng lại kêu gọi được hàng triệu USD tiền đầu tư. Rồi số tiền đó cũng bị "đốt" một các hoang phí vào những dự án chả hề có khả năng sống sót trong tương lai."
Phát biểu trên đến từ chính CEO Kevin Gibbon của Shyp. Vào thời điểm đó, Shyp vẫn đang cải thiện tình hình tài chính của mình bằng cách hướng đến các khách hàng có nhu cầu cao để đem lại lợi nhuận. Nhưng "giấc mơ" khởi nghiệp đó đã kết thúc vào đầu tháng này, khi Shyp chính thức chấm dứt mọi hoạt động và sa thải tất cả nhân viên vì đã … hết tiền hoạt động.
Giấc mơ khởi nghiệp đẹp đến mức … điên rồ
Shyp khởi đầu khiêm tốn vào năm 2013 với chỉ một nhà kho kiêm văn phòng, một bản Google Spreadsheet trên mạng để khách gửi yêu cầu, và một chiếc xe duy nhất được hai nhà sáng lập lái đi khắp mọi nẻo đường để vận chuyển hàng hóa.
Không lâu sau đó, Shyp bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp của mình khi gọi được tổng cộng 63 triệu USD tiền vốn, các nhà đầu tư đã rất tự hào về thương vụ này khi phát biểu: "Shyp là công ty đầu tiên cho phép vận chuyển hàng hóa cá nhân một cách dễ dàng đến thế, dễ đến mức như là một phép màu".
Với số tiền không nhỏ này, Shyp ngay lập tức thuê thêm nhiều nhân viên và thu mua cơ sở vật chất để tăng chất lượng dịch vụ. Tự hào gọi mình là "chuẩn mực vận chuyển mới của thế giới", Shyp đổ tiền vào quảng cáo để tăng số lượng khách hàng.
Cũng như bao startup đã gọi vốn thành công khác, Shyp nhanh chóng phát triển mô hình hoạt động để đáp ứng kỳ vọng từ các nhà đầu tư, với ứng dụng quản lý phức tạp, đội ngũ vận hành tinh nhuệ, những xe tải được bố trí một cách chiến lược để có thể lấy hàng từ tay khách một cách nhanh nhất và cả một kho hàng lớn để đóng gói và giao hàng cho UPS, Fedex hay USPS. Shyp tiến một bước dài từ một nhà kho kiêm văn phòng để trở thành công ty với hàng trăm nhân viên cung cấp dịch vụ khắp 5 thành phố lớn tại Mỹ.
Xét riêng về mặt trải nghiệm khách hàng, Shyp đã được đánh giá rất cao khi tập trung phần lớn nguồn lực để tăng chất lượng dịch vụ sau khi được đầu tư. Ứng đụng được thiết kế thân thiện với người dùng, nhân viên nhận hàng chuyên nghiệp và luôn có mặt trước cả thời gian dự kiến 20 phút, chưa kể đến chất lượng đóng gói luôn được khách hàng khen ngợi do Shyp sở hữu cả một hệ thống cắt thùng cho riêng mình.
Thực tế phũ phàng đằng sau "phép màu"
Như các nhà đầu tư đã nhận định, Shyp cung cấp một "phép màu". Nhưng đằng sau đó là cả một mô hình với chi phí hoạt động cực cao. Trên thực tế, CEO Gibbon cũng đã nhận ra sự thật này từ lâu: "Chúng tôi chỉ tính 5 USD cho mỗi lần nhận hàng, bao gồm luôn cả phí đóng gói. Và tất nhiên là chả sản phẩm nào giống nhau, vận chuyển một đôi giày hay một chiếc TV khổng lồ cũng đều tốn 5 USD, hoàn toàn không thực tiễn một tý nào."
Nhưng mục tiêu của Shyp không nằm ở những lần lấy hàng 5 USD, Shyp tham vọng dùng số lượng đơn hàng khổng lồ đó để thương lượng chi phí vận chuyển cực thấp từ các công ty như Fedex và UPS, và sau đó sẽ kiếm lời trên cước mà người nhận phải trả.
Nhưng Shyp cũng nhanh chóng thay đổi phương án "lấy hàng chỉ 5 USD" khi chi phí bị đội lên quá cao. Thay vào đó khách hàng có thể tự đóng gói hoặc trả một mức phí đóng gói từ 3 cho đến 75 USD tùy vào đặc tính hàng hóa. Một bước đi làm lu mờ hình ảnh "dịch vụ thần kỳ" đã thu hút rất nhiều khách hàng và nhà đầu tư khi xưa.
Chưa dừng lại ở đó, việc phải phục vụ quá nhiều khách hàng nhỏ lẻ đã ngày càng đội chi phí lên cao, khiến Shyp thua lỗ triền miên. Startup này bắt đầu chuyển hướng sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vận chuyển thường xuyên, hỗ trợ cho khách hàng các công cụ quản lý tồn kho, tích hợp giữa hệ thống quản lý sẵn có và ứng dụng Shyp, và còn giảm giá thêm cho khách hàng lớn.
"Chúng tôi đang gấp rút chạy thử mô hình mới cho một số khách hàng quen thuộc và đang có rất nhiều phản ứng tích cực." Nhưng tiếc rằng các nhà đầu tư mạo hiểm đã quá thất vọng với tình hình tài chính của Shyp và cũng không hứng thú gì với mô hình "mới và hứa hẹn" này của CEO Gibbon. Công ty dần dần sử dụng hết số tiền đầu tư và buộc phải tuyên bố phá sản.
Startup không lợi nhuận = Startup thất bại?
Sau khi phá sản, Gibbon nhìn nhận rằng "tất cả quyết định đầu tư và cơ sở vật chất mua được đều không đảm bảo cho lợi nhuận lâu dài của công ty. Đó chính là lý do chúng tôi thất bại. Kỳ vọng của nhà đầu tư quá lớn khiến Shyp nông nổi phát triển mà không suy nghĩ đến ổn định, chúng tôi đã "trưởng thành" quá sớm."
Nếu có cơ hội làm lại, vị CEO mong muốn thực hiện những bước đi mang lại sự ổn định tài chính cho công ty một cách sớm hơn. "Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm," Gibbon trả lời. "Tôi đã thất bại trong việc chọn đúng hướng đi để phát triển vào đúng thời điểm."
Shyp trong quá khứ luôn được mọi người gán biệt danh "Uber của vận chuyển hàng hóa," nhưng đã từ lâu, danh hiệu "Uber của…" đã không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư. "Mô hình của chúng tôi thực sự đem lại giá trị," Gibbon thở dài. "Khách hàng yêu thích Shyp. Các công ty vừa và nhỏ mong muốn trở thành đối tác của Shyp. Nhưng tiếc rằng chúng tôi không tập trung mang lại nguồn thu ổn định cho Shyp ngay từ những ngày đầu."
Vào những tháng cuối cùng trước khi phá sản, Shyp đã "liều mình" đặt cược tất cả vào lợi nhuận, công ty liên tục cắt giảm nhân sự, ngừng cung cấp dịch vụ ở 4 trong 5 thành phố lớn tại Mỹ, và tập trung chăm sóc những khách hàng có doanh thu cao nhất tại thị trường duy nhất còn lại.
Kết quả là Shyp đã lần đầu tiên có lợi nhuận vào tháng 12 năm ngoái, nhưng rất tiếc rằng các nhà đầu tư đã quá ngán ngẫm với chuỗi ngày dài không mang lại kết quả. "Và cuối cùng thì chúng tôi đã sử dụng đến đồng tiền cuối cùng và buộc phải ngừng cố gắng." CEO Shyp kết thúc tâm sự của mình.