Bài học lãnh đạo sâu sắc từ đoạn đối thoại của cha con tập đoàn Phan Thị
"Mày sẽ không thể làm lãnh đạo nếu mày không có 5 quyền lực của lãnh đạo gồm: Quyền lực vị trí, quyền lực thưởng, quyền lực phạt, quyền lực noi theo và quyền lực chuyên môn."
Cánh cửa phòng phán xử khép chặt. Dưới ánh đèn vàng leo lắt, ông trùm Phan Quân đang ngồi suy tính tương lai của tập đoàn Phan Thị. "Rầm!". Cánh cửa bật tung ra, Phan Hải nghiến răng ken két đi vào, lớn tiếng.
Phan Hải: Bố, bố định để thằng con hoang của bố ngồi vào cái ghế này à? Con muốn trở thành Người Phán xử đời thứ 2.
Ông trùm Phan Quân đanh mặt lại.
Phan Quân: Tao chẳng thiên vị ai cả. Tao là người lãnh đạo. Tao phải có trách nhiệm với toàn bộ cái Phan Thị này. Cái gì tốt cho tập đoàn, tao sẽ làm. Nếu mày có thể giúp cái Phan Thị này đi lên, thì tao mời.
Phan Hải: Cái tập đoàn nhỏ này là cái đếch gì. Con có thể làm tốt. Tốt hơn cả bố nữa kìa.
Phan Quân: Mày sẽ không thể làm lãnh đạo nếu mày không có quyền lực của lãnh đạo. 5 quyền lực lãnh đạo mày đã có chưa?
1, Quyền lực vị trí
2, Quyền lực thưởng
3, Quyền lực phạt
4, Quyền lực noi theo
5, Quyền lực chuyên môn
Phan Hải: Con đếch cần mấy cái quyền lực đấy. Con nói bọn nó nghe răm rắp.
Phan Quân: Mày còn non lắm, con ạ. Chúng nó nghe mày vì cái vị trí mày là con tao. Chúng nó nghe lời con của Người Phán Xử chứ không phải Phan Hải, mày hiểu chưa? Cái quyền lực vị trí cho phép mày sai khiến chúng nó. Nhưng khi mày mất cái vị trí ấy đi, khi tao nằm xuống thì chúng nó coi mày là cái gì. Mày có mẹ mày, chị gái mày, con trai mày và tao. Thế thôi! Còn tất cả những đứa khác sẵn sàng đâm sau lưng mày.
Phan Hải: Đứa nào theo con, chúng nó sẽ có tiền. Đứa nào chống con, con cho nó ăn đạn.
Phan Quân: Mày tưởng thưởng phạt thôi là đủ để cho lũ chó săn nghe lời mày à? Lòng tham của con người là vô đáy. Mỗi ngày mày ném cho lũ chó miếng thịt. Hôm nào, chúng nó không được ăn, nó sẽ cắn chính mày. Mày liệu có cho thịt chúng nó mãi được không? Mày cho được thịt thì liệu người có thể cho nó miếng thịt ngon hơn không. Thưởng là công cụ nhưng không phải là tất cả.
Ông trùm thở dài, thất vọng về đứa con.
Phan Quân: Mày có thể phạt chúng nó. Nhưng đàn áp sẽ dẫn tới nổi loạn. Chỉ cần một sơ hở, chúng nó sẽ đâm cho mày không thể đứng dậy được. Nhẹ hơn, chúng nó sẽ rời bỏ mày khi có thể. Mà mày biết để sống được trong cái thế giới này, cần nhất là gì không – lòng trung thành. Trừng phạt luôn là lựa chọn cuối cùng vì nó chỉ khiến người làm vừa đủ để tránh phạt thôi.
Phan Hải: Vậy con cần phải làm gì?
Phan Quân: Ba cái quyền lực trên – vị trí, thưởng, phạt chỉ có tác dụng trong giờ làm việc. Ngoài giờ làm việc, mày sẽ không thể ảnh hưởng lên chúng nó. Muốn chúng nó luôn nghe mày. Mày cần quyền lực noi theo và chuyên môn. Lương Bổng là một sát thủ chuyên nghiệp. Ngay cả trong kế hoạch ám sát Thế Chột, tao cũng phải nghe theo lời khuyên của Lương Bổng dù tao có là chủ của cái Phan Thị này. Lương Bổng biết cần phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó tạo cho hắn quyền lực "mềm".
Phan Quân đăm chiêu, hồi tưởng lại quá khứ.
Phan Quân: Mày có biết nhờ ai mà tao có ngày hôm nay không? Chính là nhờ Thế Chột. Khi tao còn là đàn em của lão. Tao đã luôn mơ ước cái ngày mình là chủ cái đất này. Tao muốn được như lão. Chính vì ước mơ đó mà tao không quản ngày đêm vất vả, cố gắng gấp trăm lần lũ lâu la hồi đó để có ngày hôm nay. Chính cái quyền lực "noi gương" đã giúp bố mày có được ngày hôm nay. Không cần giám sát, không cần thúc giục, bất kể thời gian, không gian, kết quả trên cả yêu cầu... mày hiểu được sức mạnh của quyền lực này chưa?
Phan Hải đứng lặng im một lúc rồi nói: "Bố cứ chống mắt lên mà xem. Con sẽ cho bố thấy. Thằng này nói được là làm được."
"Rầm"! Cánh cửa phòng phán xử lại đóng lại một lần nữa khi Phan Hải bước ra ngoài.
Phan Quân ngồi, tay gõ gõ lên mặt bàn và lầm bầm: "Thực ra, còn một quyền lực thứ 6 nữa -quyền lực thông tin. Nếu mày có được một thông tin giá trị, mày có thể tạo ảnh hưởng lên người khác, bắt chúng nó làm việc cho mày. Tao vừa cho mày một thông tin giá trị. Mày có thể lớn khôn tới đâu thì đều do mày thôi."
Căn phòng chìm vào im lặng!
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.