Bài học khởi nghiệp từ Uber: “Thánh Gióng” lớn nhanh mà chẳng kịp trưởng thành
Hành trình thăng trầm của nhà sáng lập Travis Kalanick ở Uber để lại nhiều bài học cho ngành công nghệ. Lỗi của người đứng đầu là chắc chắn, nhưng cái lỗi của nền văn hóa khởi nghiệp ở thung lũng Sillicon còn lớn hơn nhiều.
Từ một ý tưởng khởi nghiệp nghe có phần hoang đường, chỉ trong 5 năm Uber không chỉ trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất trên thế giới mà còn là nguồn cảm hứng và hình mẫu cho hàng chục dự án khởi nghiệp sau đó. Nhưng sợ rằng, “tấm gương” này xấu nhiều hơn là tốt!
Công ty này khá hung hăng khi đối đầu với người ngoài, dù đó là đối thủ, nhà chức trách, tài xế hay bất kỳ ai. Một dịch vụ gọi xe coi tài xế như đối tác chứ không phải nhân viên, Uber mang đến một ý nghĩa hoàn toàn mới cho từ “người lao động”. Lờ đi những chuyện xấu của nhân viên, ngay cả khi vụ việc đã bị truyền thông phanh phui, người anh cả khởi nghiệp truyền bá một văn hóa “bơ đi mà sống” trẻ con và vô trách nhiệm, dù chẳng biết vô tình hay cố ý.
Lỗi tại ai? Rõ ràng là tại người thuyền trưởng, nhà sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick. "Tôi phải thay đổi trong vai trò lãnh đạo và lớn lên", ông từng thừa nhận. Uber giống như Thánh Gióng, lớn quá nhanh trong một thời gian quá ngắn. Kalanick nảy ra ý tưởng trong một giây phút xuất thần, nhưng chắc chắn chưa chuẩn bị tinh thần để điều hành một công ty được định giá 70 tỷ USD trong thị trường vốn tư nhân. Và dù muốn học, 5 năm có lẽ là không đủ để một người chuyển từ “chế độ” khởi nghiệp sang đế chế 12.000 nhân viên, hoạt động ở 570 thành phố trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, lỗi lớn hơn là của đám đông đứng đằng sau Kalanick. Chuyện xảy ra ở Uber là lỗi của tất cả những người cho phép, thậm chí cổ xúy ông Kalanick “tự tung tự tác”, là nhà đầu tư, là những lãnh đạo cấp cao của Công ty. Từ trên xuống dưới, Uber là một thất bại của cỗ máy khởi nghiệp ở thung lũng Sillicon.
Chịu quá nhiều áp lực, cuối cùng nhà sáng lập Uber vừa phải từ chức CEO
Đầu tiên và trên hết, đây là lỗi giám sát - của các nhà đầu tư, Hội đồng quản trị, đối tác và bất cứ ai có thể thay đổi đường lối của Uber nhưng rõ ràng đã không làm. Ảnh hưởng từ thành công tột bậc của những nhân vật như Steve Job của Apple hay Mark Zuckerberg của Facebook, nhà đầu tư tại thung lũng Silicon tạo ra một nền văn hoá mà những người sáng lập được “thần thánh hóa”, trở thành tượng đài hoàn hảo, với tầm nhìn vĩ đại, chỉ toàn làm điều đúng đắn và không thể mắc sai lầm.
Một lý do khác khiến ông Kalanick giành quyền lực tối thượng là vì Uber có rất nhiều cách để kiếm tiền. Thế giới có quá nhiều đại gia sẵn sàng đầu tư (chẳng hạn như những ông trùm dầu mỏ ở Ả-rập) nên Công ty này chẳng cần lo xin tiền của công chúng. Là một công ty tư nhân đồng nghĩa với việc lãnh đạo Uber mà chẳng có ai giám sát, chẳng cần minh bạch hay công khai. Và tất nhiên, khi Kalanick mắc sai lầm, không có ai cố vấn hay can ngăn.
Chắc nhiều người còn nhớ khi United Airlines dính bê bối cưỡng chế khách hàng, cổ phiếu lao dốc còn khách hàng thi nhau biểu tình, tẩy chay. Kết quả là CEO Oscar Munoz phải xin lỗi và Công ty này phải nhận hết trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho hành khách. Điểm khác biệt, United là một công ty đại chúng!
Lý do cuối cùng là lợi nhuận. Bất chấp bê bối, Uber vẫn phát triển, nhà đầu tư vẫn thích đổ tiền vào vì nhận ra tiềm năng tăng trưởng. (Uber hiện đang lỗ cả tỷ USD nhưng là do mở rộng thị trường còn doanh thu vẫn tăng). Vậy thì chẳng có lý do gì hãng này phải cải cách hay thay đổi.
Không ai giám sát, và cũng chẳng phải chịu hậu quả gì từ những việc làm sai trái của mình, Uber như một quý tử nhà giàu thích làm gì thì làm. Có thể, hiện nay Công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi này vẫn phát triển, nhưng sự phát triển này sợ rằng không bền vững. Từ văn hóa đến cơ chế kiểm soát, có lẽ đã đến lúc thung lũng Sillicon phải tìm cách sửa lại cỗ máy khởi nghiệp của mình.