Bài học chuyển đổi số cho các SMEs từ chuyện Thiên Long dán QR Code trên từng hộp sản phẩm
Xưa, đưa sản phẩm ra thị trường không biết đến tay người dùng thế nào? Ai đã tiếp cận? Nay, cứ 45/100 sản phẩm tung ra thì nhà sản xuất là Bút bi Thiên Long đã "bắt" được thông tin, và có thể tương tác với end users...
"Khi đối mặt với khó khăn, những gì doanh nghiệp đang nắm cần nhắm chắc trong tay", bà Trương Tố Linh – Phó Tổng Giám đốc iCheck - chia sẻ tại sự kiện mới đây.
"Khách hàng cũ cần giữ thật tốt. Khách hàng mới cần làm sao có được họ với một chi phí kiểm soát được. Đó là lý do chuyển đổi số trong mảng Sales và Marketing đặc biệt quan trọng trong thời điểm này, bởi nó phù hợp và đem lại những "quick win" (thắng lợi nhanh chóng) cho doanh nghiệp trước mắt".
Một trong những doanh nghiệp điển hình bà Linh viện dẫn là CTCP Tập đoàn Thiên Long, tiền thân là Cơ sở Bút bi Thiên Long. Bên cạnh chuyển đổi số trong sản xuất, đẩy mạnh tự động hóa, doanh nghiệp cũng đã áp dụng chuyển đổi số trong Marketing, mà động thái mới nhất là triển khai chương trình Loyalty (khách hàng trung thành) bằng việc dán các mã QR Code trên một số dòng sản phẩm máy tính Flexio.
Cụ thể, mỗi hộp sản phẩm sẽ có 1 mã QR để định danh sản phẩm, quản lý đường đi của sản phẩm và tương tác với người tiêu dùng.
"Thống kê tuần gần đây cho thấy hơn 45% code có sự tương tác của người dùng tham gia chương trình. Xưa, đưa sản phẩm ra thị trường không biết đến tay người dùng thế nào? Ai đã tiếp cận? Nay, cứ 45/100 sản phẩm tung ra thì nhà sản xuất là Bút bi Thiên Long đã "bắt" được thông tin, và có thể tương tác với end users", Phó Tổng Giám đốc iCheck nói.
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.
iCheck là một trong 30 thành viên của Mạng lưới Chuyển đổi số Việt Nam (DTN), trực thuộc Câu lạc bộ các Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam (CSMO). Mạng lưới được thành lập nhằm tư vấn chuyển đổi số, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ SaaS sales, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số. DTN cũng đang triển khai đề án chuyển đổi số cho 10.000 doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực Sales và Marketing.
"Mọi doanh nghiệp sống còn hay không phụ thuộc vào câu chuyện của Sales và Marketing", ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch CSMO, cho biết.
"Chúng ta hình dung Sales và Marketing giống như đầu kéo của một con tàu. Nếu đầu kéo không đi được, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều bị dừng lại".
3 thách thức trong chuyển đổi số
Theo ông Liêu Hưng Tiến - thành viên ban điều hành CSMO miền Nam, 3 thách thức chính doanh nghiệp chia sẻ khi bắt đầu chuyển đổi số gồm:
- Mindset: Tư duy của tổ chức. Chủ doanh nghiệp dù hiểu và muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề do đội ngũ không có góc nhìn chung về chuyển đổi số sau khi tiếp nhận thông tin truyền đạt từ cấp trên.
- Toolset: Thách thức về công cụ. Khi cả tổ chức cùng có chung cách hiểu về chuyển đổi số thì vấn đề đặt ra tiếp theo là làm thế nào để ứng dụng các công cụ cho phù hợp và hiệu quả.
- Skillset: Thách thức về bộ kỹ năng của đội ngũ. Trong bối cảnh mới, năng lực của nhân sự cần đáp ứng được sự đột phá của công nghệ và thích ứng được với sự thay đổi của tổ chức.
"Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động liên quan để các doanh nghiệp có thể cập nhật được các giải pháp công nghệ mới - những giải pháp làm thay đổi câu chuyện Sales và Marketing. Quan trọng nhất trong dự án là chúng ta không nằm ở lý thuyết mà đi vào câu chuyện chuyển đổi số thực sự", ông Ngọc Anh cho biết.
Hiện mỗi tháng CSMO tổ chức 2 workshop cho cộng đồng. Chủ đề gần đây nhất là topic rất thực tế với những doanh nghiệp đang khó khăn sau thời gian dài giãn cách - "Làm thế nào bán lại cho khách hàng cũ".
"Covid-19 cho thấy đa số vấn đề của doanh nghiệp là thiếu kết nối với khách hàng. Chỉ cần thực hiện việc đó thật tốt là giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong câu chuyện tồn tại và tăng trưởng", sếp iCheck nhận định.