Bác thông tin không khí Hà Nội có thủy ngân

26/04/2016 14:13 PM | Sống

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, thông tin có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí Hà Nội gây nguy hại cho con người là chưa chuẩn xác.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, tờ báo thông tin việc này đã giật tít không đúng, gây xôn xao, hoang mang dư luận. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đang yêu cầu phải cải chính và thông tin thêm một số vấn đề cho rõ ràng.


Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

"Trước đó, thông tin từ Đại sứ quán Mỹ về ô nhiễm bụi ở Hà Nội, một phóng viên của 1 tờ tạp chí có trao đổi với tôi về vấn đề này. Khi bạn ấy hỏi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình cũng đang tham gia.

Quan trắc, phân tích thủy ngân không đơn giản và hiện nay chúng tôi đang cùng quốc tế quan trắc và phân tích số liệu. Độc tố của nó cũng chả kém gì bụi PM2,5 đâu (Bụi PM2,5 là các hạt bụi có đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào các phế nang phổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp). Bụi ở Hà Nội cao và phát hiện từ lâu rồi nhưng sau này mới có thiết bị quan trắc để cảnh báo thường xuyên cho người dân.

Tôi khẳng định vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, toàn cầu. Thủy ngân có thể bay từ rất xa, từ Trung Quốc sang Mỹ, thành ra vấn đề ấy phải xác định xem Hà Nội có hay không, nguyên nhân từ đâu và hành động của mình như thế nào.

Tờ báo đó đã giật tít khiến mọi người lo lắng. Không có cơ sở nào để nói thế cả” – ông Tùng khẳng định.

Cũng theo ông Tùng, ô nhiễm bụi trong không khí ở Hà Nội đang ở mức độ gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép đối với bụi PM2,5. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí không riêng Hà Nội mà ở các đô thị nói chung, xuất phát từ nguồn chính là ô tô, xe máy.

Biểu đồ diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm tại một số trạm quan trắc tự động, liên tục, giai đoạn 2011-2015. Nguồn: CEM, Tổng cục Môi trường

Ngoài ra là quản lý công trình xây dựng chưa tốt, đốt các thể loại như rơm rạ, rác ngoài trời quá nhiều. Rồi ô nhiễm còn từ các nguồn công nghiệp chỗ khác chuyển về theo gió, không khí...

Trước đó, trên báo Khoa học Phát triển thông tin, Trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Tờ báo này dẫn lời TS Hoàng Dương Tùng, trong đó có thông tin thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội.

Theo Kiên Trung

Cùng chuyên mục
XEM