Bác sỹ Trương Hữu Khanh giải thích lý do khiến cúm A bùng lên "trái mùa"

01/08/2022 12:35 PM | Sống

Cúm A là bệnh của mùa đông nhưng hiện nay miền Bắc đang giữa mùa hè mà các ca bệnh vẫn tăng cao theo từng ngày.

Theo báo cáo mới đây nhất của Sở Y tế Hà Nội, đến khoảng giữa tháng 7/2022 thủ đô ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm.

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9...

Tuy nhiên, hiện nay miền Bắc đang ở giữa mùa hè, thời tiết vô cùng nắng nóng nhưng các ca bệnh vẫn liên tiếp "leo thang" khiến người dân vô cùng lo lắng.

Chuyên gia giải thích lý do khiến cúm A bùng lên trái "mùa"

Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, sau đợt Covid-19, nhiều nhóm bệnh khác nhau bắt đầu quay lại, trong đó có bệnh cúm.

"Trước đây, mọi người hay nói cúm A là cúm mùa, tức là đến mùa thì mới có bệnh. Theo lý thuyết, cúm A thường xuất hiện vào mùa đông còn hiện tại miền Bắc đang rất nóng nhưng vẫn bùng dịch cúm.

Lý do cúm A xuất hiện trái mùa có thể giải thích khá đơn giản như sau:

Thứ nhất, cúm A rất phổ biến. Thông thường những người bị bệnh về hô hấp, khi được xét nghiệm thì có tới 30-40% là do virus cúm và cúm A là nổi trội hơn.

Thứ hai, sau một thời gian giãn cách, khả năng tiếp xúc với virus cúm của mọi người rất thấp. Song song với đó là chúng ta không tiêm phòng nên miễn dịch của những người bị cách ly, nhất là trẻ em bị giảm rất lớn.

Do đó, khi xã hội bình thường trở lại, mọi người đi giao lưu nhiều hơn, trẻ em cũng đi học...cùng với đó là khoảng trống miễn dịch do không chích ngừa nên hiện tượng cúm xảy ra sớm hơn bình thường. Thậm chí, trẻ em còn bị rất nhiều bệnh khác như tay chân miệng, sốt siêu vi, tiêu chảy,...", bác sỹ Trương Hữu Khanh cho hay.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM