Bác sĩ Ý nơi tâm dịch: Lệnh phong tỏa cần sớm cho tác dụng, vì đó là hy vọng duy nhất để nền y tế quốc gia không sụp đổ

20/03/2020 06:50 AM | Sống

Nước Ý hiện đã bước vào tuần thứ 4 hứng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 - cơn khủng hoảng quốc gia tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Thế chiến II nổ ra, và chưa hề có dấu hiệu khả quan.

Ngày 10/3, Ý ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi chứng kiến dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bùng nổ với tốc độ chóng mặt, lượng người chết liên tục tăng.

60 triệu người Ý được yêu cầu ở yên trong nhà, trong khi lệnh phong tỏa ngày càng bị siết chặt hơn. Những cửa hàng được phép hoạt động nay đồng loạt đóng cửa sớm. Ngoài đường phố, cảnh sát tuần tra đi lại với số lượng lớn chưa từng có, đuổi theo bất kỳ ai ra đường và áp giải họ về tận nhà - nếu không có lý do chính đáng.

Dẫu vậy, số lượng người nhiễm virus tại Ý vẫn đang tăng lên rất nhanh. Mỗi ngày, có khoảng 3500 trường hợp nhiễm mới, và thậm chí lượng người chết hiện tại đã gần 3000, sắp sửa ngang ngửa với Trung Quốc đại lục - nơi bùng phát đại dịch.

Bác sĩ Ý nơi tâm dịch: Lệnh phong tỏa cần sớm cho tác dụng, vì đó là hy vọng duy nhất để nền y tế quốc gia không sụp đổ - Ảnh 1.

Phần lớn các ca nhiễm bệnh tập trung ở miền Bắc nước Ý, đặc biệt là vùng Lombardy trù phú. CNN đưa tin, thi thể người chết đang chất đống chờ chôn, bởi dịch vụ tang lễ lúc này đã bị cấm tổ chức. Nhưng ngay cả người sống cũng rơi vào tình cảnh dồn cục, với việc số lượng bệnh nhân nhiễm virus đang khiến cả nền y tế bị quá tải. Bác sĩ và y tá cũng nhiễm bệnh, do không đủ dụng cụ phòng hộ khi làm việc.

Nhiều người tự hỏi, kết cục của câu chuyện này sẽ ra sao? Khi nào thì nó kết thúc, và liệu rằng thiệt hại kinh tế do lệnh phong tỏa mang lại có thực sự đáng để đánh đổi? Đã có những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy số lượng các ca nhiễm mới tại "vùng đỏ" phía bắc nước Ý nhiều khả năng sẽ giảm xuống, nhưng giới chuyên ra cho rằng vẫn còn quá sớm để tin tưởng vào xu hướng này.

Cầu mong một tín hiệu khả quan, vì đó là hy vọng duy nhất

Có hơn 2000 người đang được chăm sóc đặc biệt (ICU) trên khắp nước Ý (số liệu từ ngày 18/3). Hầu hết tập trung ở vùng Lombardy - nơi dịch bệnh bùng nổ từ ngày 23/2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rất có khả năng sẽ xuất hiện một số điểm nóng mới của dịch bệnh ở các vùng phía Nam. Nếu điều đó xảy ra, mọi chuyện sẽ còn căng thẳng hơn bây giờ bởi hệ thống y tế tại các khu vực này yếu hơn, và cũng có ít người tuân thủ lệnh phong tỏa.

Cảnh sát Ý thông báo, họ đã phải cảnh cáo gần 200.000 người trên khắp cả nước, và dự tính sẽ áp dụng những hình phạt nặng hơn kể từ cuối tuần này nếu người dân tiếp tục phá luật.

Bác sĩ Giorgio Palù, cựu chủ tịch Hiệp hội Virus học tại châu Âu và Italy, đồng thời là giáo sư truyền nhiễm tại ĐH Padova cho biết, ông mong rằng sẽ nhìn thấy dấu hiệu kìm hãm được dịch bệnh sau 1 tuần phong tỏa, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

"Hôm trước, chúng tôi dự tính sẽ thấy sự thay đổi trong khoảng 10 ngày kể từ lệnh phong tỏa, nhưng con số vẫn tiếp tục tăng," - bác sĩ Palù chia sẻ với CNN. "Lúc này, tôi nghĩ mình không nên đưa ra dự đoán nữa."

Palù cho biết, nhìn vào biểu đồ mô tả số lượng các ca nhiễm mới, đồ thị vẫn đang hướng lên trên, nên rất khó dự đoán được khi nào lệnh phong tỏa mới đem lại những lợi ích hữu hình. Và dù con số chủ yếu tập trung ở phía Bắc, cũng rất khó để so sánh giữa các vùng với nhau. "Virus không hề có biên giới, kể cả với nước Ý," - ông bổ sung.

Tuy nhiên, ông tin rằng không có bất kỳ giải pháp nào thay thế cho việc phong tỏa toàn quốc, miễn là tất cả mọi người phải hợp tác. "Chúng ta không thể đòi hỏi quyền dân chủ vào lúc này. bạn cần phải nghe theo các chuyên gia."

Bác sĩ Ý nơi tâm dịch: Lệnh phong tỏa cần sớm cho tác dụng, vì đó là hy vọng duy nhất để nền y tế quốc gia không sụp đổ - Ảnh 2.

Máy bay cấp cứu tại bệnh viện ở Brescia (Ý)


Bác sĩ dự đoán lệnh phong tỏa sẽ được siết chặt hơn và lan rộng ra, thay vì chỉ tập trung vào 11 cộng đồng trong "vùng đỏ" như hiện nay. "Chúng ta cần phải xét nghiệm, chẩn đoán nhiều ca bệnh hơn tại Lombardy. Mọi người cần hạn chế thời gian ra ngoài. Cô lập xã hội là điều tiên quyết hiện nay."

Ngoài ra, ông nhận xét rằng chính phủ Ý đã không hành động quyết liệt ngay từ đầu. "Đã từng có đề xuất cách ly những người đến từ Trung Quốc. Hành động ấy bị xem là phân biệt chủng tộc, nhưng sự thực là những người đó đã đến từ vùng dịch, và phải bị cách ly." - Palù chia sẻ điều mà ông nghĩ rằng đã góp phần gây nên tình cảnh đáng sợ ngày nay.

Gồng mình chống đỡ, y bác sĩ cũng nhiễm bệnh

Bác sĩ Alessandro Grimaldi - giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Salvatore tại L'Aquila, hiện đang điều trị cho Chiara Bonini - một nữ bác sĩ 26 tuổi từ Bergamo. 2 tuần sau khi Bonini nhiễm virus từ bạn trai - cũng là một bác sĩ tại Brescia, xét nghiệm hiện tại đã cho thấy cô âm tính với virus. Tuy nhiên, Bonini vẫn phải tiếp tục cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần hai.

Và nếu điều đó xảy ra, cô sẽ lại tiếp tục ra tiền tuyến chống dịch.

Bác sĩ Ý nơi tâm dịch: Lệnh phong tỏa cần sớm cho tác dụng, vì đó là hy vọng duy nhất để nền y tế quốc gia không sụp đổ - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân viên y tế tại Ý đổ gục bên bàn làm việc vì kiệt sức


"Tại Lombardy, hệ thống y tế đang sụp đổ," - Borini trả lời CNN. Cô đề cập đến chuyện các bác sĩ có lúc đã buộc phải lựa chọn người được điều trị. "Đơn giản là không đủ dụng cụ. Họ buộc phải ưu tiên người trẻ hơn, cứu lấy những người có tỉ lệ sống sót cao."

Bác sĩ Grimaldi cho biết, cách duy nhất để cứu lấy nền y tế vào lúc này là tăng cường nguồn cung dụng cụ và vật liệu. "Lẽ ra chính phủ cần nghĩ về tình cảnh này từ trước và có sự chuẩn bị tốt hơn."

Grimaldi chia sẻ, nếu không được bổ sung dụng cụ, các bác sĩ khó lòng tiếp tục chống đỡ. "Sự sống còn của nước Ý hiện tại đang nằm trong tay các bác sĩ và y tá - những người đang chiến đấu ngoài tiền tuyến, giành giật mạng sống của bệnh nhân."

"Chúng tôi hiện tại là những người lính đang chiến đấu vì đất nước. Nếu có thể kết thúc dịch bệnh tại Italy, chúng tôi hoàn toàn có thể chấm dứt nó ở châu Âu, và thậm chí là cả thế giới."

Grimaldi cũng đồng tình rằng, cách duy nhất để lệnh phong tỏa có hiệu quả là siết chặt quy định liên quan. "Chiến đấu với một kẻ thù như vậy thực sự là khó đối với tất cả mọi người. Trung Quốc là tấm gương cho thấy chúng ta cần những giải pháp quyết liệt hơn."

Lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội Ý. Nhiều người tỏ ra lo lắng về tổn hại có thể xảy ra với nền kinh tế. Dịp Lễ Phục Sinh - vốn là thời điểm kích cầu du lịch trên cả nước nay đã bị hủy bỏ, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tổn thất lớn, một số thậm chí còn phá sản.

Nguồn: CNN

Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM