Bác sĩ Việt tại Mỹ: Nếu đạt được 2 điều kiện này, Việt Nam có thể sống chung với SARS-CoV-2 dù có hàng chục nghìn ca mỗi ngày

23/09/2021 09:14 AM | Xã hội

Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận cả chục nghìn ca nhiễm Covid-19, nhiều người lo lắng số ca mắc vẫn còn cao thì khó có thể sống chung với Covid-19. Tuy nhiên theo các chuyên gia, số ca mắc mỗi ngày không phải chỉ số quyết định việc một quốc gia có thể sống chung với virus hay chưa.

Số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Ví dụ ngày 20/9 số ca mắc là 8681 ca, ngày 21/9 là 11692 ca mắc, trung bình trong 7 ngày gần đây số ca mắc mới vẫn trên 10 nghìn ca.

Trong khi đó, các địa phương đang nới lỏng giãn cách. TP.HCM cũng đưa ra các biện pháp để đến 1/10 có thể nới lỏng các biện pháp cũ để sẵn sàng sống chung với virus SARS-CoV-2 .

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD, hiện đang sống tại Los Angeles, Hoa Kỳ cho rằng để 'thoát phong toả', có 2 chỉ số quan trọng nhất là tỷ lệ bao phủ của vắc xin và giảm số ca bệnh Covid-19 nhập viện, tử vong. Hai vấn đề này song song với nhau.

Đây là hai con số để các nước trên thế giới mở cửa trở lại, là tiêu chuẩn chung Việt Nam có thể áp dụng. Đến hiện tại người ta không còn để ý đến con số ca mắc mới Covid-19. Một đại dịch do bệnh truyền nhiễm kết thúc khi phần lớn dân số đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh này, làm giảm đáng kể số ca mới, và giảm hẳn số ca tử vong.

Thứ nhất: Tỷ lệ bao phủ vắc xin để người dân có kháng thể đặc hiệu với bệnh

Vào giữa năm 2021, nhiều nước trên thế giới như Israel và Hoa Kỳ đã vui mừng khi tỉ lệ chích vắc xin trong dân số đang tăng cao và tỉ lệ tử vong, nhập viện giảm rõ hẳn. Niềm vui đó không lâu vì biến thể Delta đã thay đổi tất cả. Israel từ một nước có tỉ lệ nhiễm bệnh thấp bỗng có số ca tăng vọt trong những ngày đầu tháng 9. Hoa Kỳ cũng có thêm làn sóng mới với ca nhiễm tăng và số tử vong tăng, chủ yếu là ở những người chưa tiêm vắc xin.

 Bác sĩ Việt tại Mỹ: Nếu đạt được 2 điều kiện này, Việt Nam có thể sống chung với SARS-CoV-2 dù có hàng chục nghìn ca mỗi ngày - Ảnh 1.

Các địa phương xác định sống chung với dịch. Ảnh minh hoạ.

Do tính lây nhiễm của biến thể Delta tăng, tỉ lệ phần trăm người dân cần chích vắc xin để dẫn đến miễn dịch cộng đồng càng lên cao, có thể lên đến hơn 90%. Trước đó, các nghiên cứu cho thấy với chủng virus gốc, cần 60-70% dân số được tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng với biến chủng Delta, tỉ lệ này cần đạt 80-95%.

Sự gia tăng số ca Covid-19 ở Israel gần đây một phần là do chỉ có khoảng 60% toàn bộ dân số nước này đã chích vắc xin.

Tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp giảm số ca nhập viện và số ca tử vong. Vì vậy, điều kiện để 'thoát phong toả' đầu tiên là bao phủ vắc xin. Tuy nhiên, khi vắc xin đã tiêm đủ thì CDC Hoa Kỳ vẫn khuyến cáo đeo khẩu trang.

Thứ hai, ca tử vong và nhập viện ở mức thấp hay mức chấp nhận được

Bác sĩ Huynh Wynn cho biết hiện nay tỷ lệ tử vong ở Việt Nam vẫn ở mức cao 3 con số. Để sống chung với virus SARS-CoV-2 như chúng ta sống chung với cúm, sốt xuất huyết thì lý tưởng nhất vẫn là số ca tử vong ở 1 con số. Vì vậy, không thể đòi hỏi không có ca mắc Covid-19 mới hàng ngày trong cộng đồng mới là sống chung với Covid-19 mà chúng ta cần xác định giảm số ca bệnh nhân phải vào bệnh viện, giảm số ca tử vong ở mức chấp nhận được.

Một đại dịch kết thúc khi căn bệnh không còn là gánh nặng về tử vong, số người nhập viện, và ảnh hưởng gián đoạn đến toàn xã hội.

Có thể thấy tuy nhiều đại dịch đã kết thúc, virus hay căn bệnh vẫn còn tồn tại và có thể tiếp tục sống chung với chúng ta. Ví dụ rõ nhất là virus cúm gia cầm H1N1, từ năm 2009 đến nay vẫn còn lưu hành, và chích ngừa vắc xin cúm hằng năm có thể giúp chúng ta bảo vệ khỏi virus này. Tuy không còn là đại dịch, cúm mùa hằng năm vẫn gây ra khoảng 30.000 đến 80.000 ca tử vong tại Mỹ.

Mức thấp như thế nào để có thể gọi là chấp nhận được còn tùy vào mỗi nước và điều kiện xã hội. Ví dụ như bệnh dịch lao phổi tại Việt Nam hiện nay cướp đi sinh mạng của khoảng 17.000 người mỗi năm. Con số 17.000 ca tử vong mỗi năm là nhiều nhưng căn bệnh này vẫn chưa được gọi là đại dịch và xã hội chúng ta vẫn phải chấp nhận sống chung với các con số tử vong này – BS Huynh Wynn nói.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM