Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực

03/04/2022 12:17 PM | Xã hội

Khoảng thời gian chiến đấu với dịch COVID-19 cứu sống từng bệnh nhân nặng đến rất nặng, anh cùng đồng nghiệp luôn lấy bệnh nhân làm 'báu vật' mà cố gắng.

Nhận giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2021 trong lĩnh vực hoạt động xã hội, Ths. BS. Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991 - Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai) là bác sĩ điều trị các bệnh nhân nặng đến nguy kịch; đồng sáng lập, vận hành Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện được 1415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện...

"Những bác sĩ trên mây như chúng tôi khi được ra ‘thực địa’ chiến đấu là trải nghiệm đáng nhớ. Nhìn những bệnh nhân rất nặng được cứu sống, chúng tôi xem đó là báu vật để cố gắng" - BS Đỗ Doãn Bách chia sẻ khi được hỏi về thời gian chống dịch vừa qua.

PV: Chào BS, đầu tiên xin chúc mừng anh đã nhận được giải thưởng cao quý vừa qua. Cảm xúc lúc này của anh như thế nào?

BS. Đỗ Doãn Bách (cười): Cảm xúc thì vẫn lâng lâng từ nhiều hôm nhận giải đến giờ. Đó là vinh dự rất lớn với tôi. Những đóng góp đó là trách nhiệm mà một bác sĩ trẻ cần phải làm. Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người. Mọi cống hiến đều là trải nghiệm của bản thân.

PV: Anh có thể chia sẻ thêm về những hoạt động chống dịch của mình trong 2 năm vừa qua không?

BS. Đỗ Doãn Bách: Thực chất, tôi biết đến dịch COVID khá sớm. Tháng 1/2020 tôi đón Tết dương lịch tại Trung Quốc, khi ấy đã râm ran thông tin về một chủng virus mới. Sau đó, WHO thông báo cho toàn bộ các nước trên thế giới về đại dịch này, chúng tôi được tổ chức tập huấn tại bệnh viện.

Đến tháng 3/2020, thật không may, Viện Tim mạch là một trong những khoa đầu tiên của BV Bạch Mai tiếp xúc với ca nhiễm. Tôi tiếp xúc với bác sĩ điều trị cho ca nhiễm đó và được xác định là F2. Khi ấy, tôi tự cách ly mình trong bệnh viện 2 tuần vì sợ lây cho gia đình.

Sau 2 tuần, bệnh viện phát hiện ra nhiều ca nhiễm khác, bệnh viện bị phong tỏa thêm 14 ngày. Tôi ở trong bệnh viện 1 tháng. Trong vòng 1 tháng đó, tôi tìm hiểu sâu về COVID, cố gắng đưa thông tin chính thống về COVID lên trang cá nhân cho mọi người hiểu, tránh hoang mang, hiểu nhầm về đại dịch.

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 2.

5 năm trong nghề Y, bác sĩ Bách đã có từng ấy năm tham gia thiện nguyện. Ảnh: NVCC.

Nửa đầu năm 2021, khi dịch bùng phát tại Hải Dương và Bắc Giang, khi ấy tôi đang làm việc tại Tổ Tiêm chủng của bệnh viện ở Hà Nội, cũng làm đơn để tham gia chống dịch. Nhưng mãi đến tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp. Tôi tham gia hoạt động tại Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam để khảo sát nguyên nhân của sự quá tải ở trong Nam.

Sau khi làm khảo sát, nguyên nhân quá tải y tế chủ yếu đến từ sự hoảng loạn của người dân do thiếu hiểu biết về COVID-19. Họ vào viện kể cả khi không có triệu chứng, dẫn tới số lượng người bệnh nhiều hơn khả năng đáp ứng thực tế của bệnh viện và khiến những bệnh nhân nặng không có điều kiện tiếp cận y tế.

Từ thực tế đó, Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam kết hợp với Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh Phòng chống COVID-19 thành lập Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành. Mục tiêu là kết nối các bác sĩ trên cả nước, các bác sĩ có thể hỗ trợ y tế, tiếp cận, tư vấn cho bệnh nhân F0 từ xa. Điều đó sẽ khiến người bệnh yên tâm hơn. Đồng thời, nó cũng tạo niềm tin cho bệnh nhân với nhân viên y tế. Chúng tôi sàng lọc, phân tầng người bệnh theo 4 nguy cơ và sau đó xem xét bệnh nhân nào cần thiết vào viện, cần xe cấp cứu.

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 3.

Có mặt ở nhiều chiến tuyến, bác sĩ Bách cũng là người đầu tiên sáng lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Bên cạnh tư vấn và kết nối hỗ trợ y tế, chúng tôi cũng tạo ra clip hướng dẫn điều trị F0 tại nhà sau khi được Bộ Y tế hướng dẫn, ban hành giúp truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.

May mắn, từ tháng 7 - 10/2021, ngay lúc dịch bùng phát mạnh nhất, chúng tôi đã gọi hơn được 1 triệu cuộc điện thoại, tiếp cận 42% bệnh nhân F0 cả nước.

PV: Thời điểm dịch bùng căng nhất tại TP HCM, Mạng lưới thầy thuốc Đồng hành lập ra đã giúp không ít bệnh nhân. Vậy, khi ấy anh và đồng nghiệp có khó khăn và áp lực gì không?

BS. Đỗ Doãn Bách: Khó khăn nhất là tình hình dịch cấp bách, nên chúng tôi gần như ăn, ngủ, nghỉ cùng với Mạng lưới và không có thời gian cho gia đình. Khi ấy, có những ngày, tôi bê bát cơm lên phòng, vừa ăn vừa ngồi trước máy tính làm việc.

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 4.

Xông pha vào thực địa, BS Bách càng thấm thía những khốc liệt COVID mang lại.

Những ‘bác sĩ trận chiến trên mây’ vào ‘thực địa’

PV: Không những vận hành Mạng lưới, anh còn xung phong xông vào tâm dịch. Lúc ấy anh cảm thấy thế nào? Khi vào tâm dịch phải đối mặt với viễn cảnh khá khốc liệt, anh có cảm thấy bị áp lực không?

BS. Đỗ Doãn Bách: Sau 10 ngày chuẩn bị và Mạng lưới chính thức đi vào hoạt động được 1 ngày, tôi được nhận lệnh vào TP HCM chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 16 & Trung Tâm Hồi Sức Tích Cực trực thuộc BV Bạch Mai. Ban đầu cảm giác hơi buồn vì bản thân được phân công đi đợt 2, nhưng khi đó có một đồng nghiệp có vấn đề về sức khỏe nên tôi được gọi đi gấp lúc 5h sáng, 8h sáng lên đường, tôi chỉ có 3 tiếng chuẩn bị. Nhưng chúng tôi đã có sẵn tinh thần chuẩn bị từ trước, nên mọi việc không quá khó khăn. Thêm nữa, nhiệm vụ của tôi tại Mạng lưới chỉ là vận hành nên anh chị đồng nghiệp có thể hỗ trợ trong thời gian tôi làm việc tại ICU (Trung tâm hồi sức – PV) hàng ngày.

Khi vào trong Nam, tôi lại thấy mừng vì được tiếp cận bệnh nhân trực tiếp. Thời điểm ấy, lúc nào tôi cũng hừng hực sức trẻ, luôn mong muốn được cống hiến, mong muốn được giúp đỡ mọi người.

Thêm nữa, khi vào đây, mình sẽ có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với bệnh nhân và các bác sĩ. Chúng tôi hay đùa với các bác sĩ tại Mạng lưới là "Bác sĩ trận chiến trên mây", khi không có bác sĩ nào được trực tiếp tiếp cận bệnh nhân mà chỉ tư vấn bệnh nhân qua điện thoại.

Khi tiếp cận bệnh nhân, chúng tôi bị choáng ngợp dù đã được tập huấn trong 5 ngày. Chưa bao giờ tôi thấy choáng ngợp như vậy, bệnh nhân được đẩy vào liên tục và rất nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong,…

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 5.

Được nhìn thấy bệnh nhân sống đó là cả một báu vật.

Thực tế thì không giống phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID mình học của nước ngoài, vì không phải ai cũng đều đáp ứng được phác đồ điều trị. Điều này có thể dẫn tới các nhân viên y tế có thể gặp stress, hoặc gặp các vấn đề về tâm lý và có thể để lại di chứng sau này.

Khi tiếp xúc và điều trị cho các bệnh nhân, chúng tôi nhận định có khoảng 80% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng, trong 20% còn lại thì có 15% chỉ cần thở oxy, còn 5% là đặt ống thở máy.

Tại trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 chủ yếu tập trung vào bệnh nhân thở máy. Và bệnh nhân điều trị được chia làm 3 khu, tôi được phân công làm tại khu bệnh nhân nặng nhất.

Trong 15 phòng tại khu 3, tôi làm tại phòng lọc máu và ECMO. Trong thời điểm chống dịch đó, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID không đủ số lượng, những bác sĩ chuyên ngành tim mạch như tôi gần với chuyên môn điều trị COVID nhất.

Trong giai đoạn đó, mỗi một kíp trực, tôi điều trị khoảng 20 bệnh nhân. Khi điều trị cho những bệnh nhân nặng, mình cảm thấy cần phải cố gắng hết sức. Vì bình thường ở ngoài, 1 bác sĩ chỉ phải điều trị cho 3 bệnh nhân hồi sức cùng với 6 diều dưỡng theo dõi.

Nhưng thời điểm đó chỉ có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng. Nếu có phải dùng thuốc thì bác sĩ phải cố gắng theo dõi hết vấn đề ăn uống, sinh hoạt của các bệnh nhân. Hồi sức phải quan tâm đến tất cả chỉ số để xem bệnh nhân đáp ứng như thế nào, liệu mình có giữ được bệnh nhân hay không.

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 6.

Hơn 2 tháng tham gia cứu chữa bệnh nhân COVID nặng đến rất nặng, BS Bách không có thời gian dành cho gia đình.

PV: Quả thật khi vào thực địa mới thấy nó khá khốc liệt. Vậy anh đã đối diện với nó như thế nào? Trong số những bệnh nhân anh điều trị, có bệnh nhân nào anh nhớ nhất không?

BS. Đỗ Doãn Bách (cười tiếp): Bệnh nhân tôi nhớ nhất thì đã lên tivi với tôi rồi. Đó là chị Lê Phước Hồng Văn, là một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy vào hồi tháng 8/2021.

Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.

Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau, để chị được nhìn thấy chồng và con gái đầu lòng. Cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng COVID-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sĩ. Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là một trong những nguồn động viên rất lớn với người bệnh.

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 7.

Ngày 27/3,tại lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu chị Lê Phước Hồng Văn đã lặn lội từ TP HCM ra để gửi lời cảm ơn đến BS Bách vì đã cứu sống mình. Ảnh: HC.

Bệnh nhân được chúng tôi xem như là ‘báu vật’. Chúng tôi giúp bệnh nhân, nhưng chính bệnh nhân là người là giúp chúng tôi có thêm động lực.

Vì có nhiều thời điểm, các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng không bệnh nhân nào qua khỏi. Các bác sĩ càng cố gắng, càng tỉ mẩn nhưng cuối cùng lại không cứu được bệnh nhân. Điều này khiến chúng tôi khá áp lực và hụt hẫng. Điều những người làm y chúng tôi sợ nhất, chính là bệnh nhân không qua khỏi.

Rất may chị Văn là một trong những bệnh nhân đầu tiên vào viện và khỏi bệnh. Đây là động lực giúp chúng tôi tin vào phác đồ điều trị hiệu quả. Đến khi gặp lại chị ở chương trình, tôi cũng không giấu nổi sự xúc động.

Trong thời gian đó, chúng tôi cũng được ban lãnh đạo bệnh viện động viên rất nhiều, rằng: "Đừng nhìn vào con số tử vong, mà hay nhìn vào tỉ lệ tử vong". Từ khi chúng tôi vào, tỉ lệ tử vong đã giảm đi đáng kể.

PV: Câu chuyện khá xúc động, và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất. Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc, là một bác sĩ Tim mạch, khi vào thực địa của cuộc chiến COVID, việc điều trị cho bệnh nhân F0 có gây khó khăn cho anh không vì nó cũng khác xa chuyên ngành?

BS. Đỗ Doãn Bách: Thực ra chúng tôi có 5 ngày tập huấn trước khi vào cuộc chiến. Hơn nữa, chuyên ngành Tim mạch khá gần với Hồi sức tích cực. Một trong những biến chứng của COVID là có thể gây ra viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim… nhiều bệnh nhân huyết áp tăng lên sau khi điều trị thuốc. Việc này cũng làm tăng lên biến cố tim mạch, biến chứng phổi, nhồi máu cơ tim…Chúng tôi có chuyên môn thì sẽ hỗ trợ bệnh nhân siêu âm tim, sau đó đánh giá dung lượng mức độ co bóp của tim để điều chỉnh thuốc và dịch...

 Bác sĩ trẻ điều trị cho F0 nặng được tôn vinh: Xem bệnh nhân như ‘báu vật’ để có động lực - Ảnh 8.

Trở về bình thường mới, bác sĩ Bách lại tận tâm với bệnh nhân. Ảnh: Lê Liên.

PV: Để có nhiệt huyết xung sức tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội, anh có ảnh hưởng từ ai không?

BS. Đỗ Doãn Bách: Có chứ, người tôi ảnh hưởng là ông nội. Ông cũng làm trong ngành y. Ông từng dạy: "Muốn làm được một vị bác sĩ giỏi, cháu phải có lòng thương người".

Vốn dĩ tôi không có theo y mà theo ngành vận tải như bố, nhưng cơ duyên đưa đẩy tôi quyết định du học tại Trung Quốc ngay sau khi đăng ký thi vào đại học giao thông vận tải. Và đến giờ tôi đã có 5 năm gắn bó với nghề Y.

Với tôi, tuổi trẻ là sống và cống hiến, mọi cống hiến đều là trải nghiệm để hoàn thiện chính bản thân mình. Chúng ta hãy cứ nỗ lực hết mình, để tuổi trẻ không trôi qua vô ích.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện này. Chúc anh nhiều sức khỏe, luôn nhiệt huyết vì xã hội!

Theo Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM