Bác sĩ điển trai tiết lộ những "sự thật" về nghề bác sĩ thẩm mỹ, kể về ca thẩm mỹ "đỉnh cao" từng can thiệp và trải lòng về một năm COVID-19 nhiều khó khăn trong nghề
'Số tiền đó chẳng đủ tiền thuê nhà nên tôi phải ngủ tại phòng khám mà mình làm việc'...
Một năm 2021 vừa qua đi với biết bao thăng trầm, mất mát và cả sự hi sinh. Từ trong khó khăn của dịch bệnh, ta mới thấm thía được các giá trị của cuộc sống và càng thêm biết ơn, tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ nước nhà.
Nếu như nói năm 2021 là một năm mà nhiều người lao động phải lao đao, khốn khổ thì với nhiều y bác sĩ, nhất là các bác sĩ ngành thẩm mỹ - da liễu thì đây cũng là một năm không mấy khởi sắc. Thẩm mỹ - da liễu vốn là ngành làm đẹp siêu hot, thế nhưng trải qua một năm COVID-19 với "giãn cách, đóng cửa" diễn ra liên tục, các bác sĩ đã sống và làm việc như thế nào? Hôm nay hãy cùng lắng nghe bác sĩ Nguyễn Vũ Vương (Bác sĩ thẩm mỹ nội khoa rất "mát tay" tại Hà Nội với 12 năm kinh nghiệm) tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời và cái duyên đến với nghề thẩm mỹ nội khoa.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Vương.
"Nghề bác sĩ không xa hoa như mọi người nghĩ, đã có lúc tôi chỉ nhận mức lương 3 triệu!"
Mỗi người đến với nghề bác sĩ vì những lý do khác nhau, nhưng với BS Vương lý do khiến anh quyết định theo đuổi ngành Y ban đầu chỉ đơn giản vì muốn nối nghiệp mẹ và dòng họ. Bắt đầu không bằng sự đam mê nhưng càng học, BS Vương lại càng yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với ngành Y.
Bs Vương kể, cuộc sống của một sinh viên trường y rất thú vị, nó không sách vở như nhiều trường đại học khác mà luôn cần sự trải nghiệm thực tế. Từ năm học thứ nhất, sinh viên y đã phải làm quen với những lần trực gác đêm trong bệnh viện. Năm học thứ 2 đã được đi đến những khoa tổng quát, được làm việc chung với các bác sĩ. Cuộc sống đi trực và tiếp xúc nhiều với bệnh nhân khiến anh hiểu ra được ý nghĩa của nghề y và càng cảm thấy được trách nhiệm của mình.
"Năm 3 đại học, tôi được học những bài bệnh học về mụn trứng cá, vậy là tôi thích luôn. Từ khi học về da liễu thẩm mỹ , tôi nhận ra tôi rất hứng thú với nó, tôi thích làm đẹp cho mọi người và thích nhìn người khác được đẹp. Cơ duyên với da liễu thẩm mỹ của tôi bắt đầu từ đó".
Ra trường, bác sĩ Vương quyết tâm theo đuổi chuyên khoa thẩm mỹ nhưng lại không được bố mẹ ủng hộ bởi thời điểm đó ngành làm đẹp còn khá mới mẻ. Quyết theo đuổi đam mê, anh đã có nhiều năm tự bươn chải tại Hà Nội, anh vừa học thêm vừa xin vào làm ở các phòng khám về chuyên ngành da liễu - thẩm mỹ để có thêm kinh nghiệm thực tế.
"Nghề bác sĩ không xa hoa như mọi người nghĩ, đã có lúc tôi chỉ nhận mức lương 3 triệu đồng. Số tiền đó chẳng đủ tiền thuê nhà nên tôi phải ngủ tại phòng khám mà mình làm việc. Tôi nghĩ khó khăn nhất khi vào nghề chính là tài chính, còn lại mọi thách thức khác đều có thể chấp nhận và tìm cách khắc phục", BS Vương trải lòng.
Để theo đuổi đam mê, bác sĩ Vương không vì khó khăn mà nản lòng, anh dần trau dồi bản thân và trở thành một trong những vị bác sĩ "mát tay" nhất ở Hà Nội trong lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ cho bao bệnh nhân.
Những điều khó khăn mà chỉ BS thẩm mỹ mới hiểu được
BS Vương thú thật: Cái khó khăn nhất của một vị BS thẩm mỹ đó chính là vượt qua được sức hút của đồng tiền. Khi thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân, anh luôn cố gắng cân đối các phương pháp điều trị và làm đẹp sao cho phù hợp nhất, xứng đáng nhất. Quyết không vì đồng tiền mà đưa bệnh nhân đến với rủi ro sức khỏe. Với những bệnh nhân quá lạm dụng thẩm mỹ, BS Vương lại đóng vai như một chuyên gia tư vấn tâm lý giúp họ hiểu được đâu mới là điều cần thiết và thứ gì không nên thực hiện. Làm đẹp nhưng vẫn phải an toàn - đó chính là kim chỉ nam hàng đầu mà bác sĩ Vương luôn đặt ra cho mình.
Ngoài ra, nghề BS thẩm mỹ còn có vô số vấn đề khó, một trong số đó đó có thể kể đến là quá trình điều trị nám da. Khách hàng thường hiểu lầm rằng sắc tố melanin là yếu tố duy nhất gây nám da, nhưng thực tế nám da còn có thể xuất hiện vì nhiều yếu tố như hàm lượng collagen không đồng đều, do yếu tố mạch máu... điều quan trọng là bác sĩ phải có đủ kiến thức để giải thích cho bệnh nhân hiểu và đưa ra cho họ quy trình điều trị phù hợp.
Theo BS Vương, ngày nay vấn nạn kem trộn cũng như các phương pháp "lạ" trong ngành thẩm mỹ làm đẹp còn hiện hữu gây hậu quả đau lòng cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Bản thân anh đã gặp và phải khắc phục rất nhiều bệnh nhân. Kem trộn tuy đem lại kết quả nhanh nhưng mang lại hậu quả sau rất nhiều năm, khiến làn da bị tổn hại nghiêm trọng khó chữa lành hoàn toàn.
Cũng theo BS Vương, nghề bác sĩ thẩm mỹ cần phải đi đôi với cái tâm. Trong các kỹ thuật điều trị như filler, botox, căng chỉ cần phải thực hiện tỉ mỉ, khéo léo. Vừa cần nắm chắc giải phẫu, kinh nghiệm thực tế và cũng đòi hỏi tư duy thẩm mỹ cao, phù hợp mong muốn của khách cũng như tỉ lệ vàng khuôn mặt.
Trong năm COVID-19, ngành thẩm mỹ lại thêm nhiều khó khăn với lịch đóng cửa, giãn cách... điều đó không chỉ khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong kinh tế mà còn lo ngại không có cơ hội để rèn luyện tay nghề, thậm chí nhiều người còn nghĩ đến chuyện sẽ nghỉ việc tìm công việc mới. BS Vương kể, năm 2021 là một năm rất nhiều điều đáng nhớ của anh. Vốn là một vị BS "đắt khách" nhưng có những tháng ngày anh bị "trói một chỗ" vì lệnh giãn cách. Những ngày tháng đó anh dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cô con gái nhỏ, hỗ trợ vợ công việc buôn bán, không quên dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức thẩm mỹ, và rồi đã trở lại vô cùng mạnh mẽ vào những tháng cuối năm 2021.
Sau 12 năm làm việc BS Vương được mệnh danh là "bàn tay vàng" khi thay đổi diện mạo cho vô vàn số phận. Anh kể, trong sự nghiệp của mình có một vài điểm nhấn.
Một trong những ca bệnh mà anh ấn tượng nhất đó là một cô gái trẻ, xuống Hà Nội lập nghiệp nhưng do gương mặt không thẩm mỹ nên bị rất nhiều công ty từ chối. Quá thất vọng, cô gái đó tìm đến BS Vương để thay đổi bản thân.
"Khi tôi thăm khám, ngoài vấn đề da mụn thì còn nhận thấy gương mặt bạn ấy thiếu sót rất nhiều như má hóp, mũi tẹt. Nhìn khuôn mặt chán nản, đầy tự ti của bạn, tôi tự hứa bản thân phải làm thật tốt để bạn ấy có một gương mặt trong mơ. Tôi quyết định hỗ trợ bạn ấy 50% chi phí. Sau khi hoàn thành, ngoại hình của bạn thay đổi hoàn toàn với chiếc mũi cao hơn, má đầy hơn, gương mặt hài hòa hơn. Bạn ấy rất vui và tự tin đi xin việc. Sau 3 năm gặp lại, giờ bạn ấy đã là trưởng phòng kinh doanh của 1 hãng mỹ phẩm, điều đó khiến tôi rất vui và tự hào", BS Vương kể.
Nói về sự hi sinh trong nghề, BS Vương bảo: "Làm nghề dịch vụ và chăm sóc sắc đẹp nghĩa là đem niềm vui, cái đẹp cho biết bao người nhưng điều mình còn thiếu sót đó là không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Cuối tuần mọi người quây quần bên tổ ấm nhỏ thì lại là lúc tôi lao vào công việc quên thời gian. Vợ và con gái là những người đã chịu nhiều thiệt thòi nhất".
Dù vậy, BS Vương vẫn cảm thấy may mắn vì có vợ luôn thông cảm và ủng hộ, cô con gái nhỏ đáng yêu luôn biết cách động viên bố đúng lúc, họ đều là những hậu phương vững chắc, là những người luôn ở bên và chờ đợi BS Vương sau những giờ làm việc căng thẳng.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của BS Vương.
"Làm đẹp hay bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng có rủi ro"
Theo BS Vương: "Làm đẹp hay bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng có rủi ro". Chính vì vậy, các bác sĩ được đào tạo ra để hạn chế tối đa những tai nạn thẩm mỹ bằng kiến thức, khoa học và kinh nghiệm.
Bằng nhiều năm kinh nghiệm, BS Vương cho rằng: Không có gì tự nhiên mà đẹp, nhưng làm đẹp sao cho nó tự nhiên nhất mới là cái tài của người bác sĩ. Các phương pháp làm đẹp đều có ưu và khuyết điểm.
Theo bác sĩ, làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của mọi người nhưng hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ. Đặc biệt là khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn thì hãy tìm đến các bác sĩ có hiểu biết, kiến thức sâu rộng để được tư vấn. Hơn nữa, không nên lạm dụng "dao kéo", bởi một khuôn mặt hài hòa, cân xứng và tự nhiên sẽ phù hợp hơn với kiểu khuôn mặt Á Đông của người Việt ta, vì vậy đừng nên lạm dụng thẩm mỹ quá để làn da, khuôn mặt bị đơ cứng, mất biểu cảm khuôn mặt. Trước khi thực hiện thẩm mỹ, mọi người nhất định phải tìm đến các bệnh viện, phòng khám bác sĩ đã được cấp phép hoạt động.