Bác sĩ BV Đại học Y dược hướng dẫn: 2 bài tập tống đờm, làm sạch phổi rất cần thiết dành cho F0

25/08/2021 19:19 PM | Sống

Bác sĩ Như Vinh cho biết, bệnh nhân mắc COVID-19 nếu đang khó thở mà vẫn cố gắng khạc đờm có thể làm nặng tình trạng khó thở lên. 2 bài tập dưới đây giúp bệnh nhân tống đờm, làm sạch phổi dễ dàng hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết, khi mắc các bệnh đường hô hấp, như: hen, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt là COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, phổi của người bệnh có thể có nhiều đàm (đờm), gây khó thở, khó chịu.

Theo thông kế có khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, 20% bệnh nhân còn lại có 4 triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho khan, mệt mỏi, khạc đàm. Đây là 4 triệu chứng thường gặp nhất của bệnh nhân COVID-19. Một bệnh nhân COVID-19 có đờm cần phải khạc rất thường xuyên.

Bác sĩ Như Vinh cho biết, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 hay các bệnh lý phổi khác nếu đang khó thở mà vẫn cố gắng khạc đờm có thể làm nặng tình trạng khó thở lên. Để khạc đờm đúng cách và dễ dàng trước tiên cần phải làm cho đờm loãng ra bằng 2 cách: uống các thuốc thuốc nhóm long đờm; Cách 2 uống nhiều nước (nên uống nước ấm).

Các bài tập để khạc đàm làm sạch phổi

Bài tập ho tống đờm

Người bệnh mắc các bệnh đường hô hấp, như hen, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt là Covid-19 ngồi trên ghế vững chắc, thoải mái. Sau đó thực hiện lần lượt các động tác sau:

- Hít sâu bằng mũi, nín thở rồi hà hơi thật dài về phía trước mặt (như động tác hà hơi lên tấm kính để làm mờ tấm kính). Thực hiện động tác hít và hà hơi 3-4 lần, để đàm đi từ đường dẫn khí nhỏ ra đường dẫn khí lớn.

- Hít sâu thêm một lần nữa và sau đó ho gằn giọng hai tiếng đôi (không cần ho mạnh quá, chỉ ho vừa sức thành hai tiếng: hực, hực). Động tác này giúp tống đàm từ đường dẫn khí lớn ra khỏi phổi để khạc ra ngoài.

Bài tập ho chủ động

Ho chủ động giúp đẩy đàm ra khỏi phổi định kỳ, nhằm làm sạch phổi mà không đợi đến khi đàm quá nhiều gây ho (thụ động). Ho thụ động có thể ho thành cơn, sặc sụa gây mệt mỏi và khó thở. Khi cảm thấy cổ họng vướng đàm, thực hiện động tác ho này sẽ tống đờm ra ngoài một cách chủ động.

Người bệnh ngồi trên ghế vững chắc, thẳng lưng, dùng hai tay ôm lấy bụng sao cho hai bàn tay nắm vào khuỷu tay đối bên. Sau đó:

- Hít vào bằng mũi, thở ra hơi sâu bằng miệng hơn bình thường 2-3 lần.

- Lần hít vào thở ra tiếp theo, động tác thở ra thay bằng cách ho mạnh 2-3 tiếng ngắn (hả miệng khi ho). Đồng thời dùng tay ép bụng về phía lưng, người cúi về phía trước. Đờm sẽ được đẩy từ phổi ra ngoài.

Nếu vẫn cảm thấy vướng đàm, có thể thực hiện vài lần nữa.

Bác sĩ Vinh lưu ý, việc ho tống đờm mạnh có thể khiến chất tiết trong đường hô hấp bay ra ngoài không khí. Trường hợp người bệnh mắc COVID-19 thì có thể lây nhiễm cho những người xung quanh. Do đó, khi thực hiện bài tập họ cần phải thực hiện đúng 5K, chỉ ho trong không gian, không để chất tiết ra ngoài môi trường và xử lý rác thải đúng quy định để không lây bệnh cho người khác.

Theo bác sĩ Vinh bài tập này có thể áp dụng được cho tất cả các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chế tạo Robot biết nói chuyện và gửi thông tin hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM