Bắc Ninh: Tăng trưởng âm do sản xuất công nghiệp giảm

04/04/2023 06:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong quý I, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh âm 11,85%. Đây là địa phương có mức tăng trưởng giảm sâu nhất cả nước.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói rằng, Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, bởi vậy, quý I năm 2023, tăng trưởng kinh tế Bắc Ninh giảm là do sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp trọng điểm giảm.

Bắc Ninh: Tăng trưởng âm do sản xuất công nghiệp giảm - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Ninh đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm. Ảnh: Nguyễn Thắng

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 71,6% cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh. Quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Bắc Ninh giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 18,8%. Có 15/20 ngành cấp 2 có chỉ số giảm, trong đó các ngành giảm nhiều như: Sản xuất trang phục giảm 33,7%, sản xuất thiết bị điện giảm 30%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 28,5%. Ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 19,6%.

Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh đánh giá, quý I năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có mức sụt giảm GRDP nhiều nhất kể từ năm 2019 đến nay. Theo Cục Thống kế tỉnh Bắc Ninh, công nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh nên tác động lớn đến tăng trưởng chung của tỉnh. Bởi vậy, tăng trưởng chung quý I của tỉnh Bắc Ninh có mức giảm sâu và bị kéo xuống chủ yếu do khu vực công nghiệp, đặc biệt ở một số ngành cấp 2 chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh. Các ngành này tăng trưởng âm, thậm chí âm rất nhiều như ngành điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, đồng thời, do thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Vừa qua, khi Trung quốc thực thi chính sách Zero COVID, đóng cửa hoạt động nhiều nhà máy làm đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Để khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm, tỉnh Bắc Ninh chủ động chuẩn bị đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới, xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết theo từng quý gắn với giải pháp cụ thể, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Thắng

Cùng chuyên mục
XEM