Bà Tôn Nữ Thị Ninh, "vua phở 24" Lý Quý Trung... nhắn nhủ người trẻ: Phải biết dừng lại, soi mình xem cái này nên làm hay không!
“Nếu chúng ta cứ chạy theo những cái mình thích thì quá dễ. Biết dừng lại, tự soi mình xem cái này có nên làm hay không mới là điều khó”, Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển Tp.HCM nhắn nhủ đến giới trẻ tại sự kiện mới đây.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển Tp.HCM
“Biết dừng lại, soi mình xem cái này có nên làm hay là không”
Bà Ninh cho rằng, bà rất tin tưởng vào thanh niên Việt Nam, họ vừa có trái tim nóng, vừa có cái đầu lạnh. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay có sức sống và khát vọng lớn hơn rất nhiều thế hệ trước.
Khi được hỏi, dường như giới trẻ hiện nay quá tập trung vào việc kiếm tiền và tiêu tiền mà quên đi giá trị đến cộng đồng, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắn nhủ: Có khát vọng, có ước mơ là tốt nhưng không thể phát triển ước mơ đó trong vô thức, phải làm chủ chính mình, phải nghĩ đến cộng đồng.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
“Trong cuộc sống có những lúc phải tĩnh lại, dừng lại. Nếu chúng ta cứ chạy theo cái mình thích thì dễ quá, biết dừng lại, tự soi mình xem cái này có nên làm hay không mới là điều khó. Không nhất thiết người khác làm được thì mình phải làm được y như vậy”, bà Ninh nhắn nhủ.
Theo bà Ninh, đã đến lúc thanh niên Việt Nam phải quan tâm đến việc “kinh doanh với định hướng xã hội”. Thế hệ trẻ khởi nghiệp cần nhận thức trong tầm nhìn, cách điều hành con người, cam kết với cộng đồng. Ở Việt Nam, những doanh nghiệp xã hội còn sơ khởi, cần được nhà nước khuyến khích để phát triển. “Nhà nước nên lắng nghe, đối thoại với những doanh nhân trẻ, có tư duy mong muốn để làm doanh nghiệp xã hội thực sự hiệu quả”, bà Ninh nhấn mạnh.
Còn với giới trẻ, bà Ninh nhắn nhủ, phải biết tham vọng hơn, theo kiểu tự đặt cho mình yêu cầu: Làm thế nào cung cấp sản phẩm dịch vụ của mình mà giúp được cho khách hàng - những đối tượng dễ tổn thương và yếu thế nhất, chẳng hạn như tư vấn cho công nhân vay vốn, hay khuyến khích phụ nữ kiểm tra nguy cơ ung thư vú… Có như vậy doanh nghiệp mới bền vững được.
Ông Ahmad Ashkar, sáng lập &CEO Hult Prize Foundation
“Không ai tới giúp mình ngoài chính mình”
“Những người trẻ chúng ta cảm thấy cuộc sống khó khăn, bức xúc vì bị đối xử không công bằng. Thực tế thì không ai tới giúp mình giải quyết những vấn đề đó cả, tự mình giúp mình thôi”, ông Ahmad nhấn mạnh.
Theo vị CEO này, không có siêu anh hùng nào ở đây cả, chỉ có chúng ta là những người đang chờ đợi chính chúng ta. Do đó, còn sức trẻ phải hành động sôi nổi và có tinh thần khởi nghiệp.
Ông Ahmad Ashkar
Ông Ahmad cho rằng, ở trường Đại học các bạn trẻ chỉ được học chút xíu về kiến thức thôi, còn khi ra trường trải nghiệm chúng ta phải tự tìm lấy cơ hội cho chính mình. “Đi theo con đường nào, tiến tới mang giá trị gì cho xã hội là ở chúng ta quyết định nhưng điều quan trọng nhất của con người và cách vận hành doanh nghiệp là sự đồng cảm”, ông Ahmad nhấn mạnh.
Theo ông Ahmad, thế hệ trẻ hiện nay là thế hệ internet, là thế hệ phù hợp nhất để làm doanh nghiệp xã hội. So với ông bà cha mẹ, 80% thanh niên hiện nay ra quyết định khác biệt, họ mua hàng dựa trên 3 tiêu chí giá cả, chất lượng và tác động xã hội. 8/10 người trẻ hiện nay tìm mua sắm những thương hiệu của các doanh nghiệp mang lại tác động xã hội. “Do đó, người trẻ khởi nghiệp phải hiểu rõ được ý nghĩa của doanh nghiệp xã hội để xác định hướng đi cho mình, chứ không phải thích gì thì làm đó”, CEO Hult Prize nhắn nhủ.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)
“Làm gì cũng phải có tính toán chứ không phải thích là nhảy ra làm”
Theo ông Trai, giới trẻ hiện nay thường có khát vọng lớn nhưng lại chưa suy nghĩ chín chắn. Nhiều bạn trẻ mạnh dạn ra khởi nghiệp nhưng lại thiếu những kiến thức cơ bản, chẳng hạn như thiếu nền tảng quản trị, quản lý công ty. “Mà hầu hết, theo thống kê, thất bại trong khởi nghiệp hiện nay đều từ lỗ hổng quản trị mà ra”, ông Trai khẳng định.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai
Vị Chủ tịch này cho rằng, đa số các bạn trẻ khởi nghiệp đều chưa hiểu rõ thị trường nên lên chiến lược hoạch định sai và làm sai, dẫn đến rủi ro. Vì thế, bước đầu tiên là các bạn startup xác định được tầm nhìn, chuyển ra thành mục tiêu. Khi đã có mục tiêu phải có chiến lược để thực hiện mục tiêu đó. Khi đã có chiến lược thì phải có hoạch định. Nếu doanh nghiệp startup đi đúng quy trình đó thì sẽ giảm rủi ro thất bại rất lớn.
Ông Trai cho rằng, làm gì cũng nên tính toán kỹ lưỡng chứ không phải thích là nhảy ra làm. Nếu làm có tính toán thì ít ra sẽ hạn chế được rủi ro thất bại.
Lý Quý Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24
“Đam mê chưa đủ phải có kiến thức”
Trong một chương trình diễn ra mới đây, ông Lý Quý Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24, hiện là CEO AKA Furniture Group đưa ra lời khuyên với giới trẻ khởi nghiệp: Trước khi dấn thân vào khởi nghiệp kinh doanh thì các bạn trẻ cần cân nhắc cho thật kỹ lưỡng. Muốn đi ra biển lớn thì phải biết ngoài đó có gì và mình có sẵn sàng hay không. Rồi phải mặc áo phao đầy đủ. Rồi phải chọn tàu hay thuyền bè cho chắc chắn, chứ đi bằng ghe thì không khác gì tự sát.
“Tôi luôn cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp nhưng một mặt khác tôi lại thấy lo vì có quá nhiều bạn trẻ “đi tắt đón đầu”, lao vào kinh doanh mà không có sự chuẩn bị cần thiết”, ông Trung bày tỏ quan điểm.
Ông Lý Quý Trung
Theo ông Trung, trong khởi nghiệp, câu hỏi khó nhất, quan trọng nhất là thị trường có nhu cầu hay không. Nếu mình có ý tưởng nhưng nhu cầu quá ít để thành dự án kinh doanh thì cũng cần xem lại. Thứ hai, đừng tạo ra dự án quá dễ để người ta copy. Trong kinh doanh, nếu nghĩ ra mô hình đơn giản thì phải làm cho nó phức tạp, có như vậy người ta mới không copy được.
“Các bạn trẻ muốn tiến xa, muốn thuyết phục NĐT bỏ tiền ra thì phải giải quyết được khâu: Phải giữ cho mình công thức riêng không ai làm được, để sau này nếu phát triển thì có thể nhượng quyền được”, ông Lý Quý Trung bật mí.