"Nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới thì đó nên là Việt Nam", bà Ninh khẳng định tại Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng hồi tháng 3/2019. Bà cũng nhấn mạnh rằng: "Đã đến lúc đất nước phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời".
-Trong năm 2019, Việt Nam đã nhiều lần được xướng tên trên truyền thông quốc tế như là địa điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều; trở thành Chủ tịch ASEAN 2020; Việt Nam cũng trở thành điểm đến yêu thích của dòng vốn đầu tư ngoại... Theo bà, điều này nói lên điều gì về vị thế đất nước so với trước?
Mọi thành quả đều phải có quá trình, có logic của nó. Tôi nghĩ rằng logic ở đây là của thế và lực. Thế và lực phải gặp nhau ở thời điểm, giao điểm nhất định, phải chín muồi thì mới được.
Với Việt Nam, lực của đất nước đã được tích luỹ qua đổi mới kinh tế, phát triển xã hội. Còn thế chính là quá trình hội nhập mấy chục năm qua. Nếu chỉ là một trong hai thì sẽ không thể tạo ra một Việt Nam như ngày hôm nay.
Sau mấy chục năm, chúng ta đã không còn bị cô lập mà được nhìn nhận như một đối tác đáng tin cậy, biết dung hoà lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích rộng hơn của khu vực và quốc tế. Nhìn trong suốt chiều dài đó, người ta đã thấy Việt Nam biết tham gia, tận dụng luật chơi nhưng tuân thủ và có đóng góp vì cái chung từ những thận trọng lúc ban đầu gia nhập.
Và chúng ta đã đạt được những gì? Thứ nhất, Việt Nam là đối tác, thành viên đáng tin cậy. Thứ hai, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có thể dự đoán được. Tức thế giới không quá khó để giải mã Việt Nam. Ở thời buổi bây giờ, tính dự báo được của một quốc gia là đức tính, lợi thế tốt.
Mặt khác, giao điểm và thời điểm của Việt Nam lại bắt gặp thời điểm chung của một thế giới của sự xáo trộn đầy bất định. Quốc tế cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với Trung Quốc và tiếp sau là Ấn Độ.
Tự nhiên vai trò, vị trí của một nước cỡ trung như Việt Nam với thế và lực như vậy, trở nên có lợi thế trong con mắt của các tác nhân, chủ thể từ lớn đến nhỏ ở khu vực.
Tôi cũng muốn nói thêm về quan điểm ngoại giao của chúng ta, Việt Nam tiếp tục khẳng định là sẽ làm bạn với tất cả các bên. Tôi cũng từng trả lời một vài tranh luận là Việt Nam có nên liên minh với vài cường quốc nào không. Tôi luôn nói nếu dự đoán dựa trên phân tích, logic của hội nhập quốc tế, chính sách đối ngoại...sẽ không có lợi cho đất nước khi đi liên minh với một bên duy nhất.
Việt Nam tiếp tục con đường làm bạn với các bên, mỗi bên khác thì mình chơi kiểu khác. Trừ khi người ta không chơi với mình thôi.
-Nhưng vị thế này của chúng ta có đến chậm không bởi Việt Nam đã độc lập hơn 30 năm, và những quốc gia hay được so sánh là có cùng xuất phát điểm như Hàn Quốc đã hoá rồng, hoá hổ từ nhiều năm trước?
So sánh như thế là khập khiễng. Quan điểm của tôi trong chuyện này là mình đi chậm hơn so với tiềm năng của mình, bức xúc là ở chỗ đó. Còn khách quan thì phải nói cho chính xác.
Hàn Quốc có bị tàn phá như Việt Nam không, có bom đạn trong mấy chục năm không. Hàn Quốc được viện trợ tái thiết, chống lưng bởi Mỹ. Họ cũng đâu có bị cấm vận trong suốt 20 năm, đâu phải chiến tranh khốc liệt với những đối tượng rất lớn?
Việt Nam chỉ thực sự được tái thiết và hội nhập từ thập niên 90, chứ không thể bảo Việt Nam cùng xuất phát điểm với Hàn Quốc được. Điểm xuất phát của chúng ta quá ư khó khăn. Cái may là năm 1986, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết định tiến tới Đổi mới, đấy chính là bước ngoặt mà nếu không có nó, chắc không có Việt Nam ngày nay.
Chúng ta phải nhìn từ các giác độ đấy để thấy rằng sự phát triển của Việt Nam vừa nhanh, vừa chậm.
Nhanh là khi những khách quốc tế tôi đã tiếp xúc trong thời gian dài nói rằng họ từng thấy hình ảnh của Việt Nam bị tàn phá bởi chiến tranh và giờ đây trước một đất nước của hiện tại, họ không thể tưởng tượng được.
Gần đây nhất Trưởng đại diện của UNESCO, từng làm việc ở Afghanistan và một vài nước châu Phi có xung đột nói với tôi: "Việt Nam từng chịu những tàn phá còn khủng khiếp hơn thế". Thành thử ở giác độ đó mà nhìn thì nhanh.
Tuy nhiên, sự phát triển của đất nước cũng đồng thời là chậm. Chậm chính là so với mong đợi, khát vọng đi lên, đặc biệt là của giới trí thức hay cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chậm ở đây là so với tiềm năng của dân tộc Việt Nam.
Nói cách khác, mình có tiến bộ, có tiến lên. Nhưng tôi thuộc trường phái cho rằng với trí tuệ, khát vọng, tiềm năng của dân tộc, lẽ ra ta đã phải tiến xa hơn, nhanh hơn. Còn xa và nhanh đến tầm nào, tôi không dám nói.
- Là người chứng kiến sự phát triển nhiều năm của Việt Nam với nhiều kế hoạch dự báo "hoá rồng, hoá hổ" nhưng chưa thành, bà nghĩ gì khi gần đây được nghe các thông điệp, phát biểu đầy khát vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay các doanh nhân, bạn trẻ?
Tôi nghĩ là may mà dân tộc ta nói chung đa số có khát vọng. Sợ nhất là sự thờ ơ, cứ bình bình, sao cũng được miễn là ngày mai vẫn có cái ăn. Nếu không có bất cứ khát vọng, tham vọng gì thì đó mới là thảm hoạ của dân tộc. Còn có thì phải nói là điều đáng mừng.
Nhưng phải lưu ý rằng khi khát vọng đó không được đáp ứng từng bước ở một mức độ nhất định, nó sẽ trở thành sự thất vọng, chán nản.
Vậy ở đây phải đặt ra câu hỏi về vai trò của những người lãnh đạo. Họ phải biết hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc bằng những đường lối, chính sách để tạo điều kiện cho mọi người. Để người dân đem khao khát đó cùng với năng lực, nỗ lực đưa còn thuyền đất nước tiến lên.
Thành thử bài toán là gì? Một là liệu lãnh đạo đã có chính sách phù hợp hay chưa. Hai là họ đã là đội dẫn đầu, gương mẫu và tạo cảm hứng tối đa chưa? Chính sách mà "lạnh lùng", kể cả tốt đi nữa cũng không được vì luôn phải có nhân tố con người. Đất nước cần những lãnh đạo tạo được sự tin tưởng, hứng khởi đó mới được.
Còn với công dân, tôi nghĩ là nếu yêu nước, có nghĩa là mình thực hiện thứ có khả năng một cách chủ động và không mệt mỏi. Nếu mọi người làm được như vậy, tôi tin con thuyền Việt nam sẽ đi nhanh, đúng và mau đến đích hơn thôi.
-Thời gian gần đây, phương tiện truyền thông quốc tế thường ca ngợi Việt Nam như một ‘con hổ mới" của châu Á về tăng trưởng, như một nơi đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Từ góc độ của một nhà ngoại giao lâu năm, bà bình luận gì về những nhận xét đó?
Tôi nghĩ hầu hết là họ nói thật, họ chẳng cần xã giao với mình. Những điều mà mình đọc, nghe là họ không nói cho một vị lãnh đạo nào mà bình luận ngang với báo chí. Nếu họ nói chuyện với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì còn hiểu, chứ trả lời với phóng viên thì việc gì phải xã giao, nhất là dân phương Tây quen nói thẳng.
Nhưng chuyện "hoá rồng hoá hổ" thì cảm nhận của tôi là thời kỳ của "con rồng", "con hổ" đã qua rồi. Ý tôi muốn nói là thời giữa những nước hết sức bình bình xuất hiện một nước nổi trội theo cách khác biệt ghê gớm đã không còn. Giờ đây, hình ảnh như tôi thấy là một đội chim và có một số chim đầu đàn, kéo cả đội cùng bay. Có một khái niệm là: người đứng đầu giữa những người đồng đẳng. Cho nên, tôi thấy nên dùng cụm "nhóm dẫn đầu".
Rõ ràng Việt Nam đang gia nhập nhóm dẫn đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi có dịp đọc một cuốn sách có tựa The future is Asian (Tương lai thuộc về châu Á) của Parag Khanna. Trung Quốc đã trỗi dậy. Nếu giờ có ai nói sắp tới là sự trỗi dậy của Ấn Độ thì không đơn giản như vậy vì cùng lúc với Ấn Độ có một số nước khác trong ASEAN, trong đó có thể là có Việt Nam nếu chúng ta ra sức tiến lên.
Như vậy, ở châu Á sẽ có nhóm dẫn đầu và hình như Việt Nam đang bắt đầu tham gia nhóm đó. Và nếu quyết tâm vững vàng, kiên trí, biết cách hành động, chúng ta sẽ tiếp tục trong nhóm dẫn đầu này.
Việt Nam đang trở thành nhân tố dẫn đầu ở ASEAN. Nhìn lại khối này, có thời kỳ Indonesia phất ngọn cờ của ASEAN, có thời là Thái Lan, rồi thì Malaysia trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Mahathir. Nhưng thời gian gần đây, rõ ràng mỗi nước đó có những khó khăn nội bộ. Như thế, các cường quốc khu vực đều đang hướng tới Việt Nam, để Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong ASEAN.
Thành thử khi lấy châu Á – Thái Bình Dương nhìn rộng ra, ngoài Trung Quốc thì có sự phát triển mạnh của Ấn Độ và ASEAN. Và trong ASEAN thì phải thừa nhận Việt Nam đang có lợi thế nhất định.
-Như bà phân tích thì truyền thông quốc tế đã thật lòng nói về một Việt Nam đang đi lên. Nhưng trong nước, có thực tế là trước những phát biểu về khát vọng Việt Nam hùng cường, muốn Hà Nội trở thành Paris hay muốn TP. HCM phát triển như Hong Kong… thì không ít người "ném đá" trên mạng xã hội. Tâm lý đó, theo bà xuất phát từ đâu?
Chính tôi cũng thấy thực tế trong bộ phận thanh niên cũng như lớn tuổi hơn thanh niên có hai thái cực.
Một nhóm thì cứ hở tý là "ôi Việt Nam số 1". Ví dụ bóng đá mới khá khá lên thì nhiều người nói cũng ghê quá, thái quá. Tôi thừa nhận điều này cũng rất là Việt Nam và không nên như thế. Phải giữ cái đầu lạnh.
Nhưng cũng có những người vì sốt ruột, vì mong muốn cái cao hơn, đẹp hơn cho đất nước nên không nhìn thấy được con đường đã qua và cái thật sự nổi bật của Việt Nam.
Tôi đã có hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với người nước ngoài thường xuyên, thành thử khi nghe và nghiệm lại, tôi thấy thế này: Tôi không dám nói Việt Nam là nhất, nhưng tôi dám nói Việt Nam có duyên phận hơi đặc biệt. Khi tôi nói hơi đặc biệt không có nghĩa là hơn thiên hạ, nhưng khác thiên hạ thì có.
Ví dụ, đất nước người ta cũng có chiến tranh, có đổ vỡ mất mát, nhưng kiểu và cỡ như Việt Nam thì không. Thành thử, đôi khi thanh niên họ không nhìn thấy được vì họ bị thiển cận, tôi dám nói như vậy. Họ không suy ngẫm, suy nghĩ đúng mức nên họ không cảm nhận được bản sắc, bản ngã của người Việt qua lịch sử cũng như trong đời sống hàng ngày.
Tại Quỹ Hoà bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh mà tôi là Chủ tịch, tôi có đưa ra một số giá trị cốt lõi, chỉ mấy chữ thôi. Đầu tiên là bản sắc và nhân văn – bản sắc là của người Việt, nhân văn là thuộc về nhân loại. Tiếp là hiểu biết và kết nối. Rồi đồng cảm và hành động – tức không chỉ chảy nước mắt thương cảm mà không làm gì cả. Cuối cùng là sáng tạo và di sản. Chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo mà vẫn giữ gìn phát huy các di sản văn hoá, lịch sử của dân tộc.
Khi đi nói chuyện với thanh niên, tôi thấy không ít người đang mong tìm tòi, khám phá. Vậy những người lớn tuổi, có điều kiện hơn nên dành thời gian đối thoại, giao lưu, lắng nghe họ. Hãy nói với họ rằng không nên vì chưa thấy cái hay thành ra chỉ biết khen bên ngoài. Thay vào đó, phải tự tạo cái hay trong đất nước. Mình chưa thấy thì chính mình tạo đi.
- Còn với các bạn trẻ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, bà có nhận xét gì về việc họ trở về Việt Nam lập nghiệp hay tiếp tục đóng góp cho đất nước từ xa?
Hồi tháng 3 khi tôi qua Paris dự Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng, tôi có gặp một nhóm CLB sách của những nghiên cứu sinh người Việt, câu hỏi này đã được đặt ra. Tôi có nói rằng học xong, nếu có điều kiện thì ở lại làm việc mấy năm thì tốt để tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường chuẩn và hiện đại.
Còn sau đó có ở lại tiếp hay không thì tôi không đánh giá gì đặc biệt vì còn tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Thời buổi toàn cầu hoá, biên giới mềm, thì tôi thấy đó là quyết định và lựa chọn của mỗi cá nhân, tôi không ý kiến về điều đó.
Tôi chỉ nghĩ, mình đến từ một nước còn khó khăn, theo nghĩa nào đó là thực sự còn nghèo, chưa phát triển như mong muốn, thì dù mình ở đâu, chắc cũng nên cố gắng đóng góp gì đấy.
Thành thử ở xa mà đóng góp thì tốt thôi. Ở xa mà chỉ lo cho bản thân, gia đình thì tôi không lên án, nhưng đương nhiên, nếu tìm được cơ hội chuyển chất xám, các công việc làm ăn… về trong nước thì tôi thấy vui hơn.
Tôi cũng nói với anh em ở Paris đợt đó là giữa một người đang ở nước ngoài nhưng trong phạm vi và điều kiện của họ tìm cách hỗ trợ cho trong nước với một người đang ở Việt Nam nhưng thân thể ở trong nước còn tâm hồn đầu óc ở nước ngoài, thì tôi chọn người đầu tiên. Vì họ có dành một góc trái tim cho đất nước.
Ở trong nước mà sính ngoại, cứ chê hết cái này đến cái khác mà không làm gì để cho nó khá lên thì không được. Đã chê thì phải hành động, chứ đừng có chê bai không. Nếu mọi người chỉ biết chê thì ai làm, ai sửa, ai chống lại cái xấu. Suy cho cùng chỉ có người Việt với nhau chứ đâu có ai khác để sửa chữa.
Thành thử tôi suy nghĩ đơn giản, không cao siêu là mỗi người cần làm cái mình có thể làm được. Không phải kêu gọi ai cũng phải to tát đâu, nhưng trong phạm vi, điều kiện của mình, ai làm được gì tích cực, chủ động đóng góp cho cái thiện, cái hay thì hãy làm đi, thế thôi!
-Theo bà, muốn có một Việt Nam hùng cường như khát vọng của dân tộc, chúng ta – đặc biệt là với người trẻ, cần làm gì?
Tuổi trẻ thứ nhất phải có khát vọng. Khát vọng đó nên là sự kết hợp giữa khao khát cho cuộc sống bản thân, cho gia đình với cái rộng lớn của đất nước. Bài toán đặt ra là sự kết hợp của hai yếu tố đó chứ không ai đòi hỏi phải hi sinh khát vọng cá nhân cho cái chung.
Nhưng nếu đa số người trẻ chỉ chăm chăm làm giàu cho cá nhân, cho gia đình thì điều đó không đủ để làm nên một đất nước hùng cường và một kiểu Việt Nam như chúng ta mong muốn. Là không đủ!
Thứ hai là phải giỏi, phải rất chuyên nghiệp. Bạn là thợ đóng giày, người bán hàng, hay nhà khoa học không quan trọng, quan trọng là phải giỏi, phải lành nghề. Làm gì cũng được, đã không làm thì thôi, làm phải giỏi.
Nên lúc tôi thấy những mẫu váy áo của Công Trí xuất hiện trên sàn thời trang quốc tế tôi mừng lắm. Tôi mong như vậy. Thanh niên thì không nên an phận với sự bình bình, tầm tầm.
Thứ ba, tôi nghĩ đã là thanh niên của đất Việt, một nước châu Á với truyền thống lâu đời, có một số giá trị truyền thống tốt đẹp thì nên trân trọng, gìn giữ, phát huy và sáng tạo trên nền tảng đó. Như tôi nói lúc nãy, không thể vì sáng tạo mà phá di sản. Bài toán cho thanh niên là như thế. Các bạn cũng phải luôn trả lời được câu hỏi "Tôi là ai" và ngược lại, phải tự hào nói được "Tôi là người Việt Nam".
Có một số người rất thiển cận, chỉ vì người Việt ra nước ngoài ồn ào, một vài người ăn cắp hay gì đó mà cảm thấy xấu hổ. Xin lỗi, thế người phương Tây sang các nước châu Á, họ sống thoải mái trên văn hoá chúng ta như mặc quần sooc, áo ba lỗ vào chùa, thậm chí phạm tội ác như là ấu dâm, kinh khủng hơn nhiều thì dân tộc họ có cảm thấy xấu hổ, tránh mặt khi nói rằng tôi là người Pháp, người Anh, người Mỹ không…
Nói to trong thang máy, lấy thừa đồ ăn ở buffet,… là không nên, nhưng đó không phải tội ác. Đó là cái tật mà dân tộc nào cũng có. Tôi nói vậy không phải để biện minh cho thói xấu mà để nói lên rằng các bạn thanh niên đừng vì một vài hiện tượng mà dân tộc nào cũng có để thấy xấu hổ. Nếu thấy sai, thì mình góp ý chứ không thể chối bỏ nguồn cội.
Có lần một thanh niên thú nhận với tôi là em xấu hổ khi bị hỏi là đến từ nước nào. Cuối cùng em trả lời đến từ Philippines. Tôi chỉ biết cảm thán "Trời đất ơi, em đã có một câu trả lời sai bét", không thể vì vài nhược điểm của người Việt ở nước ngoài mà không dám công nhận mình là người Việt.
-Vậy nếu có một điều ước cho con đường đi đến tương lai của Việt Nam, bà sẽ ước điều gì?
Tôi nói như thế này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ dân tộc Việt cần độc lập – tự do – hạnh phúc thì tôi nghĩ đó chính là định hướng lâu dài. Trên thế giới chưa nước nào đưa vào phương châm định hướng của quốc gia dân tộc là có hạnh phúc. Độc lập, tự do thì có, nhưng hạnh phúc thì tôi chưa thấy. Mà điều này Bác nói từ những năm cuối thập niên 40. Đến mãi gần đây, thế giới mới xét đến chỉ số hạnh phúc với nhiều chiều kích, nhân tố cấu thành.
Nên tôi nghĩ cứ đúng 3 vế này thì chúng ta đi đúng đường. Độc lập thì chúng ta đang bảo vệ, tự do thì đang phải tiếp tục phát triển, và hạnh phúc thì cũng đang bước đầu khám phá những phức hợp của nó.
Làm thế nào để Việt Nam không chỉ là hùng cường, vì hùng cường chỉ là một vế, phải làm cho mọi người dân được sung túc mới đầy đủ hơn. Một quốc gia dù hùng cường nhưng bên trong người dân còn bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo lớn thì đó là hùng cường không bền vững.
Cuối cùng, tôi cho rằng một đất nước, một dân tộc phải thể hiện được trí tuệ của mình. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều nhà khoa học, nhà sáng tạo... làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Dấu ấn Việt Nam trong chiến tranh cả thế giới đã biết, nhưng nếu dừng lại ở đó thì sẽ không hay. Tôi muốn thế giới biết đến dấu ấn Việt Nam thời bình và trong phát triển!
Cảm ơn bà!
Trí Thức Trẻ