Bà Sáu Thia, người 17 năm dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em vùng sông nước
Dạy bơi cho tụi con nít không công trong suốt hơn 17 năm ròng rã mà không lấy bất kỳ một đồng học phí nào, có mấy ai "dại" như bà Sáu Thia. Vậy mà mỗi lần nhắc đến bà lại cười: Miễn tụi nhỏ bình an là tui vui rồi.
Buổi chiều bà Sáu cặm cụi kéo mớ lưới ra bờ sông để đánh mẻ cá, rồi tranh thủ đem đi bán kiếm ít đồng mua gạo. Vừa ra tới nơi thì điện thoại reo.
- Alo, tui nghe!
- Bà Sáu, chúc mừng bà nghen!
- Chuyện gì mà chúc mừng đó chú?
- Ở nước ngoài người ta bình chọn bà Sáu vào danh sách 100 người phụ nữ tiêu biểu thế giới đó. Giờ bà chạy lên uỷ ban để nhận cái giấy khen nè.
- Thôi chú cứ để đó mai tui lên, giờ đang bận đi giăng lưới rồi. Dị nghen!
Tờ giấy khen ở đẩu ở đâu tận nước ngoài nghe to tát, chứ với người đàn bà chân lấm tay bùn ở cái miệt sông nước này thì... bữa cơm chiều nay quan trọng hơn nhiều, không tranh thủ kéo cá là đói chứ không đùa. Bà Sáu cười sảng khoái khi kể lại cái lần nhận giấy khen của nước ngoài. Ừa, với bà già này chuyện bỏ công sức 17 năm trời để dạy bơi cho mấy ngàn đứa nhỏ ngó cũng nhỏ xíu như con cá lia thia ngoài đồng mà thôi.
Bà Sáu Thia dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ nhỏ miền Tây. Clip: Kingpro.
Đi tới đầu xã Hưng Thạnh hỏi người ta về bà Sáu Thia hay bà Sáu bơi lội thì ai cũng biết, ai cũng sẵn lòng chỉ dẫn tận tình đường tới nhà bà Sáu. Sinh ra ở Tiền Giang nhưng gần nửa đời người bà Trần Thị Kim Thia (61 tuổi) gắn bó với mảnh đất sen hồng Đồng Tháp.
"Hồi đó gia đình nghèo lắm Sáu đi làm đủ nghề để sống, bữa thì làm hồ, khi thì bốc vác, rồi đốn tràm...ôi thôi là đủ thứ nghề, cực khổ gì cũng trải qua" - bà Sáu móm mém kể. Tham gia công tác phụ nữ từ năm 1992, đến năm 2002 bà Sáu tay ngang nhận trọng trách dạy bơi cho tụi con nít trong xã. Ở xứ này con nít trước khi biết chữ phải biết bơi, phải biết rằng sự sống cái chết mong manh đến chừng nào trước con nước dữ, ấy vậy mà đâu phải đứa nhỏ nào cũng có điều kiện đi học bơi đến nơi đến chốn.
Với 4 cây cọc, tấm vải mùng bà Sáu hì hục lặn xuống sông làm cái hồ bơi "miệt vườn" cho tụi nhỏ, rồi cũng bà Sáu đi đến từng nhà vận động bà con đưa con cháu đi học bơi, vì mùa nước sắp tới nơi.
- Chèn ơi, tui hỏi thiệt chứ bà Sáu có biết dạy bơi không?
- Tui thì biết bơi là chắc cú rồi đó, còn dạy được hay không thì cô bác phụ tui một tay, ngó chừng tụi nhỏ!
Tối về bà Sáu trằn trọc cả đêm, không biết ngày mai dạy mấy đứa nhỏ làm sao, không biết có nguy hiểm gì không, không biết tụi nó có nghe lời không...quá nhiều cái không biết. Rồi bao nhiêu lo lắng cũng trôi theo con nước, sau 10 ngày chăm chỉ học hành 14 em nhỏ đầu tiên đã tốt nghiệp khóa bơi "miệt vườn" của bà Sáu. Thừa thắng xông lên, năm tiếp theo lớp bơi tăng lên 20 em, rồi năm sau nữa nhân lên thành 7 lớp khác nhau, bà Sáu vừa dạy vừa "chạy show" mệt nghỉ. "Dạy điểm này xong là Sáu tranh thủ chạy qua điểm khác dạy, cứ bận bộ đồ ướt nhẹp vậy rồi chạy khắp làng xã. Vậy mà vui nha, hông có thấy mệt. Chứ thử thả ở nhà mấy bữa là bệnh liền đó" - Sáu hóm hỉnh kể.
- Hết hè này nữa là Sáu dạy được bao nhiêu đứa nhỏ rồi?
- Đâu cũng hơn 3000 em rồi!
Sáu nói nghe nhẹ tênh. 17 năm dài miệt mài dạy bơi, mỗi tháng xã hỗ trợ đôi ba trăm tiền xăng xe chứ Sáu chưa từng lấy đồng tiền học phí nào của phụ huynh, không phải chê tiền mà vì bà biết dân ở đây ai cũng khó, và quan trọng tụi nhỏ cần học bơi để tự bảo vệ mình. Thành ra ngoài những giờ đi dạy Sáu phải đi giăng lưới, bán vé số, cạo vỏ hột điều...để có tiền trang trải cuộc sống.
Ở đời, mình cứ sống hết lòng thì người ta cũng sẽ hết dạ, Sáu nói vậy. Mà thiệt vậy, dăm bữa nửa tháng là có người ghé nhà cho con cá lóc, bó rau muống hay mấy ký gạo...ôi thôi là đủ món cây nhà lá vườn, mấy món đồ không nặng về vật chất nhưng đổi ra tình cảm thì không biết bao nhiêu cho vừa. Đầu năm nay Sáu được trên xã cấp cho miếng đất, rồi bà con chung tay xây cho cái nhà tình thương để có nơi ăn chốn ở khang trang hơn cái nhà tạm bợ lúc trước.
Thế nhưng niềm vui lớn nhất của Sáu là tụi nhỏ ngoan hiền và tự bảo vệ được mình trước những hiểm nguy mỗi khi mùa nước tới. "Có lần học trò của Sáu bị rớt xuống sông, may mà nó lội lên được, rồi nó chạy thẳng qua nhà Sáu, nó nói: con cảm ơn bà Sáu, không nhờ bà Sáu dạy bơi thì con đã chết rồi". Nghe thương thiệt thương.
Đầu giờ chiều tôi theo chân bà Sáu và tụi nhỏ ra hồ bơi để tập bơi, nghe đâu có người trên thành phố ngưỡng mộ công việc ý nghĩa của "bà già bơi lội" nên cất công đem cái hồ bơi nhân tạo này xuống tặng cho lớp. Hồ không quá lớn nhưng đủ để mấy bà cháu tập bơi an toàn và vệ sinh hơn dưới sông.
Dạy học Sáu rất nghiêm khắc, rầy tụi nhỏ để nghiêm túc học hành, nhưng chưa bao giờ đánh hay có lời nặng nhẹ, bởi lý do đơn giản lắm: "Đánh tụi nó, lỡ nó hờn không đi học, rồi lỡ chết đuối là thấy mộ nội tui luôn" - Sáu cười hà hà, người còn ướt mem.
Hồ bơi mới được một mạnh thường quân trên thành phố tặng cho lớp.
Hổm có anh trên xã thấy Sáu dạy bơi cái chạy lại hỏi:
- Bà ơi con muốn dạy bơi cho tụi nhỏ, mà bà dạy một tháng được bao nhiêu?
Sáu mới nổ:
- Tháng 12 triệu, đi dạy đi.
Anh kia dạ dạ, hứa mai qua dạy. Nhưng anh vừa bước đi thì mấy phụ huynh liền bật cười:
- Bả dạy không công, có đồng bạc nào đâu mà 12 triệu!
Rồi kể từ đó Sáu cũng chẳng thấy anh chàng nọ quay lại để dạy cho tụi nhỏ. Ngẫm lại thấy Sáu nói đúng: có mấy ai đủ "dại" để đi làm việc không công. "Sáu nghĩ vầy, cứu người hơn xây năm bảy cái chùa. Đừng nghĩ đồng tiền, nếu vì tiền thì mình đã dành thời gian đó đi làm kiếm tiền rồi".
Không ít lần người ta hỏi Sáu: bà ở một mình vậy rồi bệnh hoạn, rồi chết ai lo? Sáu vỗ đùi cái đét: "Trời ơi chết rồi còn nghĩ được gì nữa, ai muốn mần gì thì mần. Người ta có gia đình thì phải lo cho vợ con, cha mẹ, còn tui có một mình thì dành tất cả cho mấy đứa nhỏ. Vậy đi, cho lương tâm không buồn phiền. Nghĩ chi sâu xa rồi áp lực, thêm bệnh".
Thôi thì đời ngắn ngủi nghĩ xa xôi làm chi rồi lo lắng, chừng nào già yếu, không còn sức vùng vẫy dưới sông nước thì bà Sáu về hưu. "Phải chi trẻ lại thêm chừng 5 tuổi nữa để Sáu có thêm thời gian dạy cho tụi nhỏ ha" - Sáu tặc lưỡi, tiêng tiếc.
- Mà hôm bữa Sáu nhận được giấy khen của nước ngoài, oách quá chừng!
- 100 giấy khen trong nhà mà có 1 em xảy ra chuyện thì cũng vô dụng. Chỉ cần tụi nhỏ biết lội là Sáu mừng không gì bằng.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2018, tỉ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực Đông Nam Á.