Bà Nguyễn Thị Nga bất ngờ rời Hội đồng quản trị Hapro
Bà Nga làm Chủ tịch Hapro hồi tháng 6/2018. Như vậy, bà Nga rời Hapro sau chưa đầy 2 năm. Hapro được biết đến là doanh nghiệp sở hữu rất nhiều "đất vàng".
Ngày 11/2, Hội đồng quản trị Tổng Công ty thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần công bố nghị quyết về việc thay đổi nhân sự.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga sẽ thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro và cũng không còn là thành viên Hội đồng quản trị của công ty.
Bà Nga là Chủ tịch Ngân hàng SeABank, lên làm Chủ tịch Hapro hồi tháng 6/2018 sau khi một công ty con của của Tập đoàn BRG dã chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm giữ 65% vốn Hapro và trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Hapro là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và sở hữu các siêu thị như Hapro Food hay cửa hàng tiện lợi HaproMart. Tuy nhiên, sức hút của Hapro nằm ở quỹ đất lớn, đều đặt tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố lớn khác trên cả nước.
Thời điểm lên làm Chủ tịch Hapro, bà Nga từng tuyên bố vẫn sẽ giữ hoạt động cốt lõi của công ty là xuất khẩu.
Dưới sự điều hành của bà Nga, Hapro trong 6 tháng cuối năm 2018 đạt doanh thu 1.778 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17,8 tỷ đồng.
Sang năm 2019, doanh thu cả năm của công ty là 2.235 tỷ đồng năm 2019, lãi sau thuế 124 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được đặt ra sau khi IPO, Hapro đặt mục tiêu năm 2020 doanh thu sẽ tăng lên 5.850 tỷ đồng và lợi nhuận là 55 tỷ đồng. Toàn hệ thống công ty mẹ Hapro và các công ty thành viên dự kiến đạt doanh thu 6.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70,5 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 11/2, Hapro thông báo về việc sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Liên hiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội). Hapro đang nắm giữ 4,03 triệu cổ phần tại Unimex Hà Nội, chiếm 20,15% vốn điều lệ và dự kiến bán với giá 11.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị khoảng 44,3 tỷ đồng.
Hapro hiện có 10 công ty con và 19 công ty liên kết.