Bà chủ ‘đế chế’ khách sạn & resort Banyan Tree: Chỉ cắt 1 cái cây thôi, chúng tôi cũng phải cân đo rất nhiều

13/09/2022 16:05 PM | Kinh doanh

Theo bà Claire Chiang - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Banyan Tree, khi được giao một khu đất để xây khách sạn hay resort sang trọng, họ sẽ không ‘nhắm mắt’ đổ bê tông – cốt thép để nhanh chóng hoàn tất dự án nhằm bán phòng, mà trước hết phải cải tạo đất – quy hoạch cây trồng.

Tập đoàn Banyan Tree là một thế lực lớn trong lĩnh nghỉ dưỡng, khi họ đang sở hữu 61 khách sạn – resort hạng sang ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Hai thị trường mà họ hoạt động năng nổ nhất chính là Trung Quốc và Thái Lan. Tại Việt Nam họ có 2 resort 5 sao là Banyan Tree Lăng Cô và Angsana Lăng Cô đều thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong một phiên thảo luận ở Cầu nối ASEAN do HAWEE tổ chức, bà Claire Chiang – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Banyan Tree, cho biết: trong 30 năm gầy dựng sự nghiệp ở ngành nghỉ dưỡng và du lịch, bà luôn tâm niệm trong lòng là phải phát triển bền vững, vì ‘chúng ta chỉ có duy nhất một trái đất’.

Năm 1992, sau một lần gặp gỡ bà Trương Mỹ Hoa (lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), cuộc đời của tôi đã có một sự thay đổi lớn. Tôi đã quyết định bỏ dở việc học bằng MBA và vị trí giảng dạy trong trường đại học ở Singapore, để cùng chồng khởi nghiệp trong ngành nghỉ dưỡng.

Có thể xem, chúng tôi là thế hệ đầu tiên xây dựng đất nước Singapore. Vì lúc đó Singapore không có nguồn lực gì đáng kể, nên đã đưa ra chính sách phát triển hết sức tiết kiệm và cẩn trọng khi chi tiêu vào bất cứ việc gì. Tức là, khi làm ăn – kinh doanh, chúng tôi không được tiêu dùng quá nhiều của cải có sẵn và phải tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho quốc gia – thế giới.

Vậy nên, ở thời điểm đó, dù mọi người chưa nói nhiều đến biến đổi khí hậu hay bảo vệ môi trường và chúng tôi cũng chưa chắc về cách thức – hành vi phát triển bền vững; song Banyan Tree đã rất quan tâm tới việc tiết kiệm các nguồn lực có sẵn của trái đất khi xây dựng các dự án nghỉ dưỡng của mình”, doanh nhân sinh năm 1950 kể lại.

Bà chủ ‘đế chế’ khách sạn & resort Banyan Tree: Chỉ cắt 1 cái cây thôi, chúng tôi cũng phải cân đo rất nhiều - Ảnh 1.

Angsana Lăng Cô

Bà chủ ‘đế chế’ khách sạn & resort Banyan Tree: Chỉ cắt 1 cái cây thôi, chúng tôi cũng phải cân đo rất nhiều - Ảnh 2.

Banyan Tree Lăng Cô

Trong những ngày đầu, với chuyên môn chẳng mấy liên quan đến ngành du lịch (trước đó bà là giảng viên đại học còn chồng là nhà báo), lúc được giao đất, cả hai không biết phải làm gì. Hàng chục câu hỏi hiện ra trong tâm trí bà, như ‘có nên trồng thêm cây’, ‘nên xây khách sạn hay resort’, ‘nên sử dụng bao nhiêu diện tích để xây công trình’… song bà không trả lời được câu hỏi nào. Để giải quyết vấn đề, vợ chồng bà đã hỏi chuyên gia để họ gợi ý cho các ý tưởng.

Sau 30 năm hợp tác với các chuyên gia khác nhau và xây được 61 khách sạn và resort, bà bây giờ không đơn thuần là một doanh nhân mà còn là một kiến trúc sư, nhà môi trường học. Ngành nghỉ dưỡng phải là sự tổng hòa giữa kiến thức của nhà kinh doanh – nhà khoa học và không chỉ tạo ra dịch vụ - của cải mà còn tạo ra giá trị cho đất đai – môi trường.

Bây giờ, khi được giao bất cứ khu đất nào để xây resort – khách sạn, nếu nó quá bạc màu thì việc đầu tiên của Banyan Tree là cải tạo chúng. Tiếp theo, họ sẽ vẽ một bản đồ cây trồng, rồi xác định đâu là cây chủ & cây mẹ, đâu là cây có thể cắt và không thể cắt. Nếu buộc phải cắt cây nào đó, họ ngay lập tức phải trồng một cây mới để thay thế. Hiện Tập đoàn này đã trồng 500.000 cây mới trên khắp thế giới.

Nhiều người hay bảo tôi, sao không cắt cái cây kia để xây dựng các công trình cho tiện lợi, mà phải giữ lại rồi rào bằng xi măng. Với tôi, cây cối chính là người bạn của trẻ con, cung cấp bóng mát để trẻ con chơi đùa. Với người châu Phi, cây cối chính là tiếng vọng của cha ông từ ngàn xưa, là lời thì thầm kết nối quá khứ - tương lai - hiện tại.

Vậy nên, khi quyết định cắt bất cứ cái cây nào, chúng tôi cũng phải ‘cân đo, đong đếm’ rất nhiều. Và để làm được điều này, chúng tôi phải giỏi về công nghệ, quản trị, kiến thức cũng như ý chí mạnh mẽ. Làm sao để mình luôn có thể kiên định với niềm tin về phát triển bền vững, mặc kệ những tác động ngoại cảnh hoặc những lợi ích kinh doanh to lớn.

Theo đó, khi nhận bất cứ dự án nào, Banyan Tree cũng sẽ xem xét nhiều thứ và sẽ hành động với nguyên tắc ‘không tác động xấu hoặc gây hại lên môi trường tự nhiên vốn có’; chứ không đơn giản chỉ là chuyện bán phòng”, Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Banyan Tree bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng như tất cả mọi người, bà Claire Chiang và Banyan Tree cũng có phạm lỗi lầm trên đường đi; và qua những lỗi lầm đó cả hai đã chọn được những giải pháp tốt cho phát triển bền vững. Với Banyan Tree, phát triển bền vững là một chiến lược dài hạn, được thực hiện liên tục và đều đặn, dù chậm nhưng mà chắc.

Bà Claire Chiang luôn nhấn mạnh rằng: Chúng ta chỉ mới tìm ra duy nhất một trái đất trong vũ trụ này và di sản mà chúng ta để lại cho thế hệ con cháu là cái gì? Chúng ta không nên ngồi đó rồi tự hỏi: ‘phát triển bền vững’ đúng hay sai? Đó là việc cần làm và chúng ta cam kết sẽ làm được!

Bà chủ ‘đế chế’ khách sạn & resort Banyan Tree: Chỉ cắt 1 cái cây thôi, chúng tôi cũng phải cân đo rất nhiều - Ảnh 3.

Bà Claire Chiang – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Banyan Tree (trái) trong hội nghị Cầu nối ASEAN do HAWEE tổ chức.

Nhưng trước khi bắt tay vào làm, chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ và vạch ra chiến lược – kế hoạch – mục tiêu rõ ràng. “Các doanh nhân hãy nói lý thuyết ít thôi, nên bước vào làm ngay sau khi đã chuẩn bị đầy đủ! Chỉ có làm – dù nhanh hay chậm, mới cho ra kết quả. Nói không chẳng có tác dụng gì!”, bà nhắn nhủ.

Tuy nhiên, làm như thế nào cũng là một vấn đề mà chúng ta cần cân nhắc. Theo bà, đầu tiên chúng ta phải truyền thông rõ ràng với tất cả nhân sự trong công ty về chiến lược – kế hoạch – mục tiêu phát triển bền vững. Bởi, phải có sự ‘đồng lòng, nhất trí’ từ nhân viên đến lãnh đạo, thì công việc mới chạy muốt và hiệu quả.

Hơn nữa, chúng ta phải tuyên truyền với các nhân sự làm sao để họ hiểu rằng: khi tham gia vào kế hoạch này, họ đang xây đắp – giữ gìn cuộc sống cho chính họ và gia đình, chứ không phải đang làm cho công ty.

Thứ hai, chúng ta có thể tiến hành những bước thử nghiệm nhỏ ở một vài cơ sở của công ty; có thể, sau vài bước ‘thử và sai’, chúng ta sẽ có những kết quả đúng và áp dụng phương cách tối ưu đó cho toàn công ty. Chúng ta nên có những thành quả nhỏ để thuyết phục nhân viên rằng: phương hướng mình đang làm là đúng, có thể mình đi hơi chậm nhưng chắc chắn sẽ đi đến mục tiêu ở kia.

Không những lãnh đạo tin mà nhân viên cũng phải tin rằng: đây là con đường mình phải đi và sẽ đến đích một ngày nào đó. Nếu có một vài kết quả nhỏ sẽ khiến niềm tin càng có cơ sở.

Thật ra là chẳng có điều gì dễ dàng cả, nhưng việc cần thì phải làm. Chúng ta cần bước ra khỏi sự vô minh! Hiện Banyan Tree có 11.000 nhân viên trải dài trên nhiều vùng địa lý; vậy nên, việc quản lý nhân sự của tập đoàn khá nặng nề và mệt mỏi, nhưng chúng tôi đã làm được. Vậy nên, chẳng có gì là không thể”, doanh nhân người Singapore bày tỏ.

Cuối cùng, chúng ta cũng nên tìm đến những người đồng chí hướng để đồng hành cùng mình. Khi gặp người đồng chí hướng hoặc tham gia các mạng lưới gồm những lãnh đạo xem trọng việc phát triển bền vững, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi và không còn cảm thấy cô đơn. Hơn nữa, phát triển bền vững hay bảo vệ/không gây hại đến môi trường là việc của toàn xã hội, tất cả doanh nghiệp và doanh nhân chứ không riêng một cá nhân hay công ty nào.

Cùng chuyên mục
XEM