Apple đối mặt nguy cơ bị kiện tập thể vì không cảnh báo sớm cho các nhà đầu tư về doanh số nghèo nàn của iPhone
Apple đã vướng phải rắc rối pháp lý đầu tiên sau khi thông báo mức doanh thu giảm sốc hôm thứ tư.
Cụ thể, công ty luật ở New York là Bernstein Liebhard đang cố thu thập mọi sự hỗ trợ để thực hiện một vụ kiện tập thể dưới danh nghĩa các cổ đông của Apple.
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra hôm thứ Tư, công ty luật này viết rằng: "Bernstein Liebhard LLP, một công ty luật chuyên về quyền lợi của các nhà đầu tư nổi tiếng toàn nước Mỹ, đang điều tra những khiếu nại về một vụ việc có khả năng là gian lận chứng khoán dưới danh nghĩa các cổ đông của Apple... xuất phát từ những cáo buộc rằng Apple và/hoặc các lãnh đạo công ty có lẽ đã công bố thông tin kinh doanh gây hiểu lầm về mặt vật chất đến các nhà đầu tư công".
Công ty luật này hiện đang đề nghị các cổ động Apple tham gia vào vụ kiện, nhưng chưa rõ liệu công ty đã có được sự ủng hộ từ bất kỳ nguyên đơn nào hay chưa.
Apple vào hôm thứ Tư vừa qua đã tiết lộ rằng doanh thu trong quý tài khóa đầu tiên trong năm 2019 sẽ có thể thấp hơn 7% so với kỳ vọng, đạt mức 84 tỷ USD. Trước đó, Apple đã dự báo doanh thu ở mức từ 89 đến 93 tỷ USD. Công ty đổ lỗi cho số lượng người dùng nâng cấp iPhone quá ít và nền kinh tế đang có xu hướng chậm lại của Trung Quốc, cùng một số yếu tố khách quan khác.
Cuộc điều tra của Bernstein Liebhard LLP tập trung vào việc CEO Apple là Tim Cook đã không cảnh báo các nhà đầu tư về kết quả đáng thất vọng nói trên sớm hơn.
Công ty viết: "Vào ngày 1/11/2018, trong cuộc họp cổ đông Quý 4/2018 của Apple, CEO Tim Cook đã chi ra rằng 'tình hình kinh doanh của chúng ta ở Trung Quốc đã rất mạnh trong quý vừa qua. Chúng ta tăng trưởng 16%, một điều rất đáng vui mừng. Đặc biệt, iPhone rất mạnh, tăng trưởng mạnh 2 con số tại nước này'".
Trong các bài phỏng vấn xuyên suốt 2018, Cook luôn cho rằng Mỹ sẽ giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, nhưng không đưa ra cảnh báo nào về việc cuộc xung đột này đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của mình.
"Tôi lạc quan vì thương mại là một trong những lĩnh vực mà bên được, bên mất. Bạn biết bạn và tôi có thể giao dịch thứ gì đó và cả hai chúng ta đều thắng. Và tôi lạc quan rằng hai nước sẽ giải quyết vấn đề này và cuộc sống sẽ tiếp diễn" - ông nói hồi tháng 9.
Những rắc rối của Apple tại Trung Quốc không gây ra bất ngờ lớn cho nhiều chuyên gia phân tích, các chỉ báo kinh tế và chiến tranh thương mại mở đã cho thấy điều đó. Nhưng sự phức tạp của vấn đề lại gây ra tình trạng mất cảnh giác. "Chúng tôi đã bị bất ngờ về tính nghiêm trọng của sự giảm sút và tác động xấu của nhu cầu iPhone của Trung Quốc" - Citi nói.
Như chuyên gia bình luận Shira Ovide của Bloomberg đã nói trong một bài viết tiêu đề "Apple's iPhone Warning Comes Years Too Late" (Lời cảnh báo iPhone của Apple xuất hiện quá muộn), Apple cũng đã cố lờ đi hiện thực lớn hơn về thị trường smartphone.
Hầu hết người dùng tại các quốc gia phương Tây có lẽ đã sở hữu một chiếc smartphone bởi thiết bị này ngày càng trở nên gần gũi hơn, do đó việc các công ty khác nhau trở nên nổi trội là rất khó.
Giải pháp của Apple cho vấn đề "smartphone đã đạt đỉnh" là tăng giá bán iPhone, để hãng có thể tiếp tục tạo ra doanh thu khổng lồ khi người dùng nâng cấp. Nhưng trong khi đó, bất kỳ cải tiến mới nào mà Apple công bố sẽ nhanh chóng bị sao chép bởi các đối thủ, trên các thiết bị rẻ hơn. Trong một số trường hợp, các đối thủ này thậm chí còn đánh bại Apple, như đối với công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình chẳng hạn. Điều này khiến mức giá cao của iPhone không thuyết phục được người tiêu dùng.
Đó có lẽ là lý do tại sao Apple đẩy mạnh mảng kinh doanh dịch vụ, bởi công ty ngầm hiểu rằng iPhone sẽ không thể vĩnh viễn là con tàu số một dìu dắt họ được.
Bernstein Liebhard sẽ tận dụng thông tin rằng các nhà đầu tư đang bực bội ở thời điểm hiện tại có lẽ đánh giá cao sự thật thà thẳng thắn của Apple vào năm ngoái hơn!