Áp lực chỉ tiêu quá lớn, công nhân tại nhà máy mới của Amazon phải làm việc đến 55 giờ mỗi tuần và có thể ngủ gật bất cứ lúc nào
Nhân viên ngủ gật trong giờ, đi nửa cây số mới tìm được nhà vệ sinh, xe cứu thương ra vào như "cơm bữa",... đã trở thành những điều quá quen thuộc với nhà máy mới của Amazon tại Tilbury, Essex.
Mới đây, một cuộc điều tra về kho hàng mới của Amazon tại Tilbury, Essex đã hé lộ thông tin chấn động: Nhân viên của hãng liên tục ngủ gật vì phải làm quá giờ và thậm chí còn phải đi cấp cứu vì áp lực đến từ chỉ tiêu công việc.
Bên cạnh đó, hệ thống camera tại đây liên tục ghi lại mọi hành động của đội ngũ nhân viên - những người phải sản xuất đến 300 sản phẩm mỗi giờ. Các màn hình hiển thị sẽ lập tức nhắc nhở nếu tốc độ sản xuất của họ có dấu hiệu chậm lại.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt đến mức một số nhân viên phải che đồng hồ lại để tạm quên đi còn bao nhiêu thời gian nữa thì đến ca làm việc của họ, và nếu muốn đi vệ sinh, họ sẽ phải đi chuyển quãng đường lên đến hơn nửa cây số!
Được biết, kho hàng mới của Amazon tại Tilbury được mệnh danh là “trung tâm hoàn thiện đơn hàng” và là nhà máy đóng gói lớn nhất tại Châu Âu với diện tích bằng 11 sân bóng đá. Dự kiến, nhà máy này sẽ sản xuất và vận chuyển 1,2 triệu sản phẩm trong năm nay.
Tuy nhiên, sau 5 tuần đích thân trải nghiệm môi trường làm việc tại đây, một phóng viên (giấu tên) của tờ Sunday Mirror khẳng định đội ngũ công nhân tại đây đã phải trải qua những vấn đề về cả thể chất lẫn tinh thần để có thể đáp ứng yêu cầu công việc đề ra. Một số người kiệt sức đến mức có thể ngủ gật bất cứ lúc nào khi phải triển miên làm việc đến 55 giờ mỗi tuần.
Người phóng viên này cho biết: “Những người không thể hoàn thành chỉ tiêu công việc sẽ không được ngủ, và thậm chí những ai không chịu nổi áp lực tại nơi này sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của đội ngũ y tế”.
Trước đó, Amazon đã cam kết sẽ cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nhân viên sau khi hãng bị cáo buộc về điều kiện làm việc tồi tàn cùng mức lương quá thấp. Các công nhân tại Ý và Đức đã đình công phản đối khối lượng công việc khổng lồ mà họ phải gánh.
Một công nhân tại cơ sở Tilbury cũng lên tiếng phàn nàn rằng: “Tại ca làm việc của tôi, có người đã hỏi rằng tại sao doanh số mà nhân viên mang về lại cao đến thế. Câu trả lời là vì họ (Amazon) đang giết người! Toàn bộ bạn bè của tôi đều nghĩ tôi đã chết rồi. Tôi thực sự kiệt sức”.
Có người thậm chí còn viết lên chiếc bảng trắng - vốn dành cho nhân viên để ghi lại ý kiến đóng góp của mình: “Tại sao lại không cho chúng ngồi khi không còn nhiều việc để làm nữa? Chúng tôi cũng là con người chứ không phải động vật hay nô lệ của mấy người”.
Tuy nhiên, vào ngày hôm qua, Amazon vẫn thản nhiên phát biểu: “Amazon cung cấp một nơi làm việc an toàn, tích cực với mức lương cạnh tranh cùng nhiều lợi ích khác. Chúng tôi rất tự hào khi đã tạo ra hàng ngàn việc làm trong các trung tâm hoàn thiện đơn hàng tại Vương quốc Anh. Cũng như đa số các công ty, chúng tôi luôn đặt ra cho mình những mức hiệu suất nhất định. Mục tiêu công việc được đặt ra dựa trên năng suất trước đó của đội ngũ lao động và mối liên kết giữa họ sẽ được đánh giá sau một thời gian dài làm việc".
Được biết, nhà bán lẻ nổi tiếng này đã thu về 7,3 tỷ bảng tại Vương quốc Anh vào năm ngoái với đội ngũ công nhân lên đến 24,000 người.
Bên cạnh đó, nhà máy tại Essex không hề có ánh sáng tự nhiên khiến những người làm bên trong không thể phân biệt được ngày và đêm. Giờ làm việc kéo dài từ 7:30 sáng đến 6 giờ tối với 2 tiếng rưỡi nghỉ trưa. Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng chỉ đủ cho họ chạy đến căng-tin và ăn lót dạ rồi lại quay về làm việc bởi diện tích nhà máy là quá lớn.
Áp lực công việc cộng với điều kiện hạn chế đã khiến nhiều người kiệt quệ và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Một số khác thì trở nên hoảng loạn sau khi biết rằng sẽ bắt buộc phải làm thêm ngoài giờ và làm đến 55 tiếng mỗi tuần cho đến hết dịp Giáng sinh.
Một nhân viên đã chia sẻ rằng: “Ai cũng vậy, đều gặp phải vấn đề về sức khỏe khi làm việc ở đây” và sau đó liệt kê ra hàng loạt những căn bệnh liên quan đến làm việc quá độ, bao gồm cả chấn thương gân kheo và dây chằng.
Không chỉ khâu sản xuất nặng nề, khâu vận chuyển cũng áp lực không kém. Các sản phẩm sau khi được lựa chọn sẽ được chuyển đến khu vực đóng hàng. Tại đây, đội ngũ nhân viên sẽ chuẩn bị vận chuyển 120 món hàng mỗi giờ, và dự kiến con số này sẽ tăng đến mức 200 gói hàng đơn hoặc 85 gói hàng lớn (gồm nhiều hàng nhỏ). Bên cạnh đó, các băng chuyền tuần tra cũng liên tục tìm kiếm các đơn hàng nhỏ hơn để có thể hoàn thành chỉ tiêu giao hàng.
Amazon cũng đã lên tiếng bào chữa cho mình trước thông tin có tổng cộng 43 lượt xe cứu thương đã đến cơ sở sản xuất chính của họ tại Scotland vào năm ngoái. Trong đó có đến 15 trường hợp nghiêm trọng thuộc loại A và 23 nhân viên được đưa đến các bệnh viện gần đó. Đáng báo động hơn nữa là những trường hợp như hai nhân viên bị ngã tại kho hàng ở Dunfermline, nhiều trường hợp chấn thương tâm lý cùng một số vụ tai nạn lao động khác.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Amazon cho biết: “Các chuyên giá an toàn cá nhân đã xác nhận, đảm bảo chúng tôi luôn tuân theo những điều luật lao động và các quy định liên quan”.
Theo DailyMail