Áp dụng mô hình góp vốn dự án, An Gia thu về kết quả bất ngờ
An Gia cùng nhiều đối tác áp dụng mô hình góp vốn vào công ty holding, theo đó đầu tư 20% vốn góp dự án sẽ nhận trên 50% lợi nhuận sau thuế.
Mô hình huy động vốn đem lại IRR vượt trội
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có cách thức xoay chuyển nguồn vốn khá linh hoạt bằng cách huy động trái phiếu, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A), phát hành cổ phiếu tăng vốn... Một số khác lại tìm kiếm sự hợp tác từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài trong việc phát triển dự án, điển hình như CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG).
Ngay từ năm 2015, An Gia đã áp dụng mô hình đầu tư huy động vốn cho dự án với nhiều đối tác, cùng thực hiện góp vốn vào công ty holding theo nguyên tắc: An Gia góp 20% và đối tác góp 80% nhu cầu vốn của dự án. Vốn góp của công ty holding được chia thành 2 loại cổ phần: cổ phần phổ thông (là căn cứ để phân chia lợi nhuận và có quyền biểu quyết) và cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Cấu trúc đầu tư dự án của An Gia, ngoài ra công ty còn thu thêm khoảng 2 - 3% trên tổng doanh thu của mỗi dự án. Nguồn: AGG
An Gia nắm khoảng 50,1% cổ phần phổ thông (tùy từng dự án nhưng luôn lớn hơn 50%) và 20% cổ phần ưu đãi hoàn lại. Các đối tác khác nắm 49,9% cổ phần phổ thông và 80% cổ phần ưu đãi hoàn lại. Công ty holding này sẽ lập công ty thuộc sở hữu 100% vốn, trở thành chủ đầu tư và sở hữu trực tiếp dự án.
Như vậy, với mô hình này, An Gia chỉ cần bỏ ra 20% số vốn trong từng dự án nhưng thu về 50,1% lợi nhuận sau thuế, sau khi đã hoàn trả cổ phần ưu đãi cho các bên. Ngoài ra, An Gia sẽ thu thêm 2 - 3% tổng doanh thu của dự án, do An Gia sẽ phụ trách toàn bộ các khâu từ mua dự án, thực hiện pháp lý, triển khai xây dựng, bán hàng và hậu mãi.
So sánh với các dự án An Gia tự triển khai, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án hợp tác đầu tư cao hơn rất nhiều. Với dự án Riverside và Skyline do An Gia hợp tác cùng Creed Group tại quận 7, TP HCM, IRR đạt lần lượt 127% và 160%. Trong khi đó, An Gia tự triển khai The Garden (Tân Phú, TP HCM) và The Star (Bình Tân) chỉ đạt IRR là 45%.
Một số dự án An Gia đã triển khai và hiệu quả đầu tư. Nguồn: AGG
Nguyên nhân Creed Group rút vốn cổ phần và sự đồng hành của "những người bạn"
Đối tác đi cùng An Gia từ những ngày đầu tiên áp dụng mô hình đầu tư đặc biệt này, đến nay đã được 5 năm, chính là Creed Group.
Ông Yamaguchi Masakazu, người đại diện phần vốn của Creed Group nói rằng điểm thu hút của An Gia là thiết kế dự án đẹp, đem lại sự hài lòng so với các sản phẩm cùng phân khúc. An Gia chuyển từ hoạt động môi giới sang kinh doanh bất động sản nên có nền tảng bán hàng tốt. Creed Group tin rằng An Gia có thể lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Do đó, chỉ mất 2 tháng cân nhắc tìm hiểu, quỹ này đã quyết định đầu tư vào An Gia và đồng hành đến nay. Ông Yamaguchi Masakazu cũng thừa nhận khi mới đầu tư, An Gia là một doanh nghiệp nhỏ nên quỹ muốn rót vốn để công ty có thể nhanh chóng mua thêm nhiều dự án.
Đại diện Creed Group (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện An Gia Investor Day ngày 26/11
Ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc khối Đầu tư - Tài chính An Gia cho biết, năm 2015 vốn điều lệ công ty chỉ 100 tỷ đồng. Creed Group cam kết giải ngân 200 triệu USD cho An Gia nhưng với mô hình đầu tư trên, công ty hoàn toàn không có tiền để tham gia góp vốn. Do đó, một nhà đầu tư lớn cùng Creed Group đã quyết định đầu tư 4 triệu USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để An Gia có tiền góp vốn đầu tư vào một số dự án như Skyline, Riverside.
Theo ông Trường, khi đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi, Creed Group đã khẳng định không đầu tư cổ phiếu mà đơn thuần đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, họ sẽ hỗ trợ và An Gia phải cam kết trở thành công ty đại chúng, niêm yết để quỹ Nhật thoái vốn. Sau khi đến hạn thoái vốn theo kế hoạch đầu tư ban đầu và đạt được tỷ suất lợi nhuận vượt kỳ vọng, Creed Group tiến hành bán cổ phần sở hữu tại An Gia.
Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, khi đã trở thành công ty đại chúng, nhiều quỹ khác nhau sẽ đầu tư vào An Gia nhưng có được nhà đầu tư chiến lược đồng hành trong dự án thì khó hơn nhiều, nhất là với mô hình đầu tư trên. Do đó, việc Creed cam kết vẫn đồng hành với An Gia trong tất cả các dự án sắp tới triển khai mới thực sự quan trọng. Cũng cần lưu ý là thông thường, thời hạn đầu tư của các quỹ private equity như Creed là 5-7 năm, và đến nay Creed đã đầu tư vào An Gia hơn 5 năm.
Dự án Westgate tọa lạc tại trung tâm hành chính Tây Sài Gòn
Ý thức được sự quan trọng của nhà đầu tư chiến lược dự án, An Gia trong các năm qua cũng nhân rộng mô hình huy động vốn với các đối tác trong nước như Newtecons, Ricons và nước ngoài gồm Actis, Hoosiers…Cụ thể, Hoosiers, Creed Group cùng An Gia phát triển dự án River Panorama 1,2 (quận 7, TP HCM); Riland và Creed Group góp vốn đầu tư vào Westgate (Bình Chánh, TP HCM); Newtecons và Creed Group góp vốn phát triển The Sóng (TP Vũng Tàu) ...
Đại diện An Gia kỳ vọng với "những người bạn" này, trong 5 năm tới, công ty sẽ có khoảng 4.500 sản phẩm bàn giao từ nhiều dự án. Tổng doanh thu mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 50.210 tỷ đồng, LNST dự kiến thu về hơn 6.650 tỷ đồng. Đồng thời, tận dụng tiềm lực tài chính từ các đối tác, An Gia sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất hàng năm với nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng ở các khu vực như TP HCM, Bình Dương, Bình Chánh, Long An...