Áp dụng 4 cách đơn giản giúp 9x ở Hà Nội tiết kiệm ít nhất 50% thu nhập mỗi tháng
Dù còn rất trẻ nhưng Mỹ Linh đã biết sự quan trọng của việc tiết kiệm. Cô nàng làm nhiều cách để tăng thu nhập, song song với đó là mua sắm thông minh để tiết kiệm hiệu quả.
Nguyễn Mỹ Linh (sinh năm 1994, sống tại Hà Nội) đã tìm cho mình nhiều cách thông minh để có thể tiết kiệm tới 50% thu nhập mỗi tháng. Linh cho biết, việc tiết kiệm này được cô rèn luyện từ khi còn nhỏ. Được biết, cô bạn sinh ra ở khu vực miền núi nên để học ở những trường tốt hơn thì đã phải xa bố mẹ từ năm lớp 4.
Đến năm lớp 7 thì Linh sống với chị gái và hoàn toàn tự quản lý chi tiêu. Cô cũng từng sống ở Nhật Bản và Singapore, hai trong số những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới. Và dù mức lương thế nào thì Linh vẫn luôn tiết kiệm được ít nhất 50% thu nhập.
"Nói một cách khách quan mình cũng không phải là kiếm được nhiều tiền, vì nhiều bạn bè mình còn giàu hơn. Tuy nhiên, mình thấy việc tiết kiệm cực kỳ quan trọng, vì nếu đã không kiếm được nhiều tiền mà còn tiêu hết thì những lúc nguy cấp chẳng biết bấu víu vào đâu.
Nhiều người có thái độ kỳ thị việc tiết kiệm và cho rằng thế là mất thể diện, là sống không hết mình, rồi thì thay vì tiết kiệm hãy cố kiếm nhiều tiền hơn. Còn có quan điểm là chưa biết lúc nào chết nên cứ tiêu hết. Tuy nhiên, mình nghĩ tiết kiệm không có nghĩa là nhịn ăn nhịn mặc, mà là đưa ra những quyết định tiêu dùng thông thái, để nhận được cùng một giá trị với số tiền bỏ ra ít hơn.
Dù tiết kiệm mình vẫn đi du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. Ngoài ra, nếu sống "hết mình" rồi đến lúc ốm đau, thất nghiệp không còn đồng nào thì sao? Chưa kể là ai cũng bảo "không muốn tiết kiệm mà muốn kiếm nhiều tiền hơn", nhưng thực chất chưa chắc họ đã kiếm được nhiều tiền hơn. Thế nên, mình chọn làm cả hai, vừa nỗ lực kiếm nhiều tiền hơn vừa tiết kiệm để đạt được hiệu quả gấp đôi", Linh chia sẻ.
Cô nàng Nguyễn Mỹ Linh (sinh năm 1994) có cách quản lý tài chính hợp lý, giúp tiết kiệm mỗi tháng 50% thu nhập
1. Nỗ lực tăng thu nhập từ công việc chính và tìm kiếm part-time ổn định
Việc đầu tiên Linh làm là xác định mục tiêu tiết kiệm để làm gì
Linh sẽ đặt ra cho bản thân mục tiêu nhất định. Có thể là nghỉ hưu lúc nào, lúc đó cần bao nhiêu tiền, trước đó thì có cần mua nhà, mua xe không? Có sinh con không, định nuôi con như thế nào? Và để đạt được các mục tiêu thì cần tiết kiệm tất cả bao nhiêu tiền.
Mọi mục tiêu Linh đề ra đều cần cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế, có mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Sau đó hàng năm, hàng tháng đều phải theo dõi xem việc chi tiêu và tiết kiệm của mình có đạt mục tiêu đề ra không. Nếu không thì có phải do kế hoạch của mình hay do có một yếu tố bất ngờ nào khác, từ đó điều chỉnh mục tiêu hoặc tìm giải pháp.
"Mình thường thấy các lời khuyên hãy tiết kiệm 10-20% thu nhập. Mình thì nghĩ vậy là quá ít. Kể cả nếu mình chỉ kiếm được 10 triệu/tháng thì mình cũng sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập (nếu không có con cái). Chắc nhờ quãng đời xa nhà, tự tính toán thu chi từ hồi cấp 2 nên mình khá tự tin về khả năng có nhiều tiêu vừa phải, có ít tiêu ít của mình".
Tìm kiếm thêm một công việc part-time có thu nhập ổn định
Ngoài công việc full-time thì chọn làm thêm những công việc part-time dựa trên khả năng và thời gian biểu của bản thân cũng là cách giúp Linh tăng thu nhập.
"Vào những thời điểm rảnh rỗi thì mình sẽ làm những việc part-time phù hợp với sở thích và khả năng của mình, ví dụ như dạy học hoặc dịch sách. Hồi sinh viên mình chuyên đi dạy, hầu như tuần nào mình cũng dạy 7-9 buổi (5 buổi từ thứ 2-6, cuối tuần thì ngày 2 ca là bình thường). Ngoài ra thì thực tập cũng là một cách rất tốt để gia tăng kinh nghiệm, kỹ năng và thu nhập", Linh chia sẻ.
Luôn nghĩ cần làm gì để tăng thu nhập chính
Nếu làm việc ổn thì cũng phải tăng lương một năm một lần. Người Việt thường ngại bàn chuyện lương bổng, vì sợ bị cho là đòi hỏi vô lý, là thực dụng. Linh nghĩ rằng, nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy xứng đáng được tăng lương thì xin sếp xem xét là hoàn toàn hợp lý.
Do đó việc nắm vững lộ trình thăng tiến trong công ty và thành tích của bản thân là rất quan trọng. Ngoài ra, Linh cũng nắm các ưu đãi công ty dành cho nhân viên để chắc chắn mình không bỏ lỡ điều gì. Ví dụ như tiền internet, điện thoại, tiền học thêm các kỹ năng, tiền tập gym,...
2. Tiết kiệm tối đa bằng 4 cách
1. Săn ưu đãi
Nếu sử dụng các ưu đãi, Linh mua cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ với mức giá rẻ hơn nhiều, thường vào khoảng 20-30%, thậm chí 50-60%. "Do mình từng làm Key Account Manager tại P&G, lên chiến thuật khuyến mãi là nghề của mình nên mình nắm rõ các cơ chế khuyến mãi và cách mua được mức giá rẻ nhất".
Ngoài ra Linh cũng không chỉ nhìn vào mức giá, mà phải so sánh chất lượng và dung tích để biết được nên mua sản phẩm nào. Thường thì dĩ nhiên mua size lớn sẽ rẻ hơn, nhưng có những lúc size bé lại có khuyến mãi tốt hơn cả size lớn thì chia theo dung tích mua chai bé sẽ rẻ hơn.
Ngoài ra, việc tìm hiểu và so sánh nhiều về các sản phẩm trên thị trường và nơi bán cũng giúp Linh có thêm nhiều kiến thức (về chất lượng sản phẩm, so sánh nguyên liệu,...), từ đó cũng cảm thấy mình là người tiêu dùng thông thái hơn, thay vì chỉ mù quáng tin rằng "càng đắt càng tốt". Linh cũng thường xuyên sử dụng ví điện tử để được ưu đãi.
2. Không lãng phí tài nguyên
Linh mua sản phẩm gì cũng chỉ khi thật sự cần thiết và đã mua thì phải dùng hết, không được để hỏng. Điều này cũng tuân theo lối sống tối giản, vừa tiết kiệm tiền vừa bảo vệ môi trường.
3. Sử dụng các sản phẩm theo mùa
Linh thường thích chọn mua các sản phẩm theo mùa. "Cũng may là mình không đam mê các loại hoa quả nhập khẩu lắm nên cũng không tốn tiền mua hoa quả đắt tiền. Ăn theo mùa thì ngoài việc tiết kiệm còn an toàn hơn vì bớt được các loại thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản,...và thực phẩm cũng luôn tươi mới hơn".
Ngoài ra thì có những thực phẩm rẻ hơn nhưng lại tốt cho sức khỏe hơn. Ví dụ ức gà giá chỉ bằng một nửa hoặc ¼ giá thịt heo nhưng lại ít mỡ hơn nhiều và giá trị dinh dưỡng cao. Hay sữa đậu nành rẻ hơn sữa bò và cũng tốt hơn cho tim mạch. Linh thường ưu tiên sử dụng những sản phẩm như vậy.
4. Có một mức giá giới hạn
Linh không chia nhỏ phép tính bao nhiêu % cho cái này hay cái kia, cũng không ghi chép lại các khoản chi tiêu, nhưng hầu như sẽ dự trù chi tiêu hàng năm cho thật chuẩn. "Ví dụ mình có mức mình sẵn sàng chi trả cho những lần đi ăn hàng, đi du lịch, đăng ký các khóa học,...Và nếu thấy số tiền phải trả vượt quá ngân sách nhưng không có thêm giá trị gì thì mình sẽ không trả", Linh chia sẻ.
5. Không để khoản tiết kiệm đứng yên 1 chỗ
Theo Linh, điều cuối cùng rất quan trọng là cần làm gì với khoản tiết kiệm. Cách tốt nhất mà Linh chọn là để tiền đẻ ra tiền, tăng nhanh hơn rất nhiều. Có 3 cách mà Linh đã từng phân vân với số tiền tiết kiệm của mình.
Cách thứ 1: Gửi ngân hàng: Ưu điểm là an toàn, nhược điểm là lãi suất không cao.
Cách thứ 2: Đầu tư chứng khoán: Mạo hiểm nhưng khả năng sinh lời cao hơn.
Cách thứ 3: Mua nhà, đất: Khả năng sinh lời cao hơn ngân hàng, nhưng số vốn bỏ ra lớn.
Và Linh đã lựa chọn cách thứ 2 là đầu tư vào chứng khoán. Linh sẽ có lãi suất dự tính cho mình và trong những năm tiếp theo sẽ có bao nhiêu tiền. Nếu thấy với số tiền tiết kiệm hàng tháng và lãi suất đầu tư dự kiến có khả năng đạt được mục tiêu tiết kiệm sau 5, 10,.. năm thì kế hoạch của Linh đang đi đúng lộ trình.
Bài viết ghi theo chia sẻ của NV. Ảnh: NVCC