Ào ạt đóng cửa hàng, The Coffee House mất vị trí TOP 5 trong bảng xếp hạng
Lần đầu tiên bảng xếp hạng các chuỗi cà phê uy tín nhất Việt Nam không còn tên The Coffee House, trong khi những cái tên quen thuộc khác không đổi.
Bảng xếp hạng Top công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024 của Vietnam Report vừa công bố mang lại thông tin gây bất ngờ trong cộng đồng F&B. Top 5 công ty dịch vụ ăn uống uy tín năm 2024 ở nhóm chuỗi cửa hàng cà phê, dịch vụ đồ uống, nhượng quyền đã không còn The Coffee House. Trong khi đó, từ 2023 về trước, đây luôn là chuỗi đồ uống thường xuyên góp mặt tại nhiều giải thưởng, bảng xếp hạng uy tín và được lòng khách hàng.
Theo xếp hạng của Vietnam Report , Trung Nguyên Legend vững vàng ở vị trí số 1, không đổi so với bảng xếp hạng năm 2023. Highlands tiếp tục đứng thứ 2 và Phúc Long xếp thứ 3. Vị trí thứ 4 thuộc về chuỗi cà phê đến từ Mỹ - Starbucks. Điều bất ngờ khi tân binh mới xuất hiện trên thị trường 4 năm, là Phê La đã thay thế The Coffee House, đứng ở vị trí thứ 5.
Đóng hàng chục cửa hàng, kinh doanh đi xuống
The Coffee House là một trong những chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam cả về quy mô lẫn doanh thu. Tuy nhiên gần đây, chuỗi này liên tiếp đóng cửa nhiều điểm bán.
Cập nhật đến 20/9, chuỗi chỉ còn 107 cửa hàng, trong khi một tháng trước là 115 điểm bán. Nếu so với cuối 2023, The Coffee House đã đóng gần 40 cửa hàng. Hai thành phố lớn là Cần Thơ và Đà Nẵng không còn cửa hàng nào hoạt động.
Kết quả kinh doanh của The Coffee House cũng có xu hướng đi xuống từ năm 2020 đến nay.
Theo số liệu của Vietdata, năm 2023, thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường kinh doanh quán cà phê nói riêng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, riêng doanh thu kinh doanh quán cà phê ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2022.
Nhưng trong khi loạt thương hiệu quen thuộc như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Phúc Long, Starbucks đồng loạt báo lãi thì The Coffee House ngược dòng báo lỗ và thị phần giảm dần.
Cụ thể, chuỗi này ghi nhận doanh thu tăng mạnh 67% so với năm 2022, đạt 700 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế đến 800 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, doanh thu thuần của chuỗi đạt gần 862 tỷ đồng, đến 2020 giảm xuống còn 735 tỷ đồng và đến 2021, doanh thu của thương hiệu rớt mạnh về 475 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mức doanh thu khôi phục 67% trong năm 2022 đạt 794 tỷ đồng nhưng lại giảm 11% ở năm 2023, về 700 tỷ đồng.
Khoản lỗ lũy kế tính từ 2019 đến 2023 lên 800 tỷ đồng. Cũng từ 2023, thương hiệu này dần thu hẹp số cửa hàng, thị phần cũng giảm theo. Thống kê của Vietdata, thị phần của The Coffee House năm 2023 chỉ còn khoảng 2,02%.
Còn cơ hội để The Coffee House quay lại?
The Coffee House do CEO trẻ Nguyễn Hải Ninh sáng lập năm 2014, với giấc mơ “ngôi nhà cà phê”. Nguyễn Hải Ninh cũng là người đồng sáng lập chuỗi Urban Station trước đó.
Ngay khi ra đời, chuỗi phát triển thần tốc đến khoảng năm 2019 và chỉ mất 4 năm để đạt mốc 100 cửa hàng khắp các tỉnh thành lớn TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…Con số cửa hàng có thời điểm lên đến 180, phủ khắp 18 tỉnh thành lớn nhất cả nước và luôn nằm trong top những chuỗi được người tiêu dùng trẻ yêu thích nhất.
Nhưng sau khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO, sự phát triển thần tốc không còn. Những khó khăn khiến The Coffee House đuối sức như hiện nay, theo các chuyên gia ngành F&B, là do thị trường cà phê và đồ uống đã không còn dễ thở như giai đoạn đầu khi chuỗi này ra đời. Thị trường không chỉ có những "cây đa lớn" với vốn mạnh, chiến lược phát triển bài bản như Trung Nguyên, Highlands, Phúc Long, mà còn cạnh tranh gay gắt với những chuỗi mới ra đời như Phê La, Katinat.
Trong khi The Coffee House gần như không sở hữu lợi thế nào khác biệt trên thị trường đồ uống, định vị thương hiệu mờ nhạt ngoài "chuyện Nhà", menu thức uống đơn điệu nên không còn là lựa chọn ưu tiên của người dùng. Gần đây, một số cửa hàng có bán thêm cơm, các món ăn khác như mì Ý, salad, nhưng dường như các món ăn không phải là yếu tố giữ chân khách đến chuỗi này.
Theo số liệu của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Xét trên phân khúc đồ uống, doanh thu thị trường đạt mức 27,121 tỷ USD, riêng đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Năm 2024, theo khảo sát của Vietnam Report , sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh. Khảo sát trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng 5 - 10%.
Các số liệu từ Bộ Công Thương cũng dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% trong năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.
Nhận định của nhiều chuyên gia, doanh thu từ các nhà hàng và quán cà phê đã tăng trưởng đột biến trong các dịp nghỉ lễ như 30/4 - 1/5 và Quốc khánh 2/9 vừa qua, đặc biệt là tại các thành phố du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Một điểm nổi bật là doanh thu phát sinh từ 18h đến 6h sáng hôm sau chiếm từ 27-33% tổng doanh thu tại nhiều nhà hàng và quán bar, trong đó gần 30% doanh thu đến từ sau 22h.
Vì vậy, dư địa cho The Coffee House quay lại cuộc đua vẫn còn, tuy vậy cũng nhiều thách thức và không hề dễ dàng.