Anh: Uber sẽ phải đóng bảo hiểm cho tài xế?
Mới đây, chính phủ Anh đang cố gắng tìm hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong tình cảnh những kỹ thuật công nghệ mới đang thay đổi cách làm việc của nhiều ngành nghề.
Bản dự thảo mới đây của chính phủ Anh đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thay đổi cách làm việc của nhiều công ty trong ngành kinh tế “chia sẻ” như Uber.
Cụ thể, những công ty như Uber có thể sẽ phải đóng thuế, quy định số ngày được nghỉ phép có lương cũng như trợ cấp tiền ốm đau cho các nhân viên của mình, Ngoài ra, Uber cũng sẽ phải trả mức lương tối thiểu 7,5 USD/giờ cho những lao động trên 25 tuổi.
Trước đó, Anh là một quốc gia khá cởi mở cho ngành kinh tế chia sẻ cũng như việc ứng dụng các công nghệ vào kinh doanh. Nhờ sự rộng rãi này mà các công ty như Uber thâm nhập nhanh chóng vào mảng taxi trong khi Deliveroo bùng nổ trong mảng giao thực phẩm nhanh.
Tỷ lệ lao động có việc làm tại Anh thuộc hàng cao nhất thế giới
Dẫu vậy, tăng trưởng quá nhanh của những công ty này đã khiến hàng loạt cuộc biểu tình của các công đoàn và những người lao động truyền thống tại Anh cũng như nhiều quốc gia khác như Pháp, Mỹ, Ấn Độ hay Australia.
Nền kinh tế chia sẻ hiện nay kết nối được giữa người tiêu dùng với các lao động cung cấp dịch vụ mà không phải thông qua một hệ thống công ty truyền thống và chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến những hãng kinh doanh trước đó.
Ở phía ngược lại, những lao động hoạt động trong ngành kinh tế chia sẻ cũng cảm thấy bị bỏ rơi khi họ vẫn phải phụ thuộc vào một ứng dụng để kiểm soát hoạt động và lợi nhuận nhận được. Tuy nhiên, những người này cũng không phải nhân viên cố định của 1 công ty nào đó khi họ tự tải ứng dụng và làm việc khi muốn.
Nhiều quốc gia hiện nay cũng đang khá lúng túng trong vấn đề đối xử thế nào với những hãng kinh doanh kiểu mới này. Một mặt việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ là điều hiển nhiên tại các thị trường trong khi chính phủ cũng cần phải bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như tránh gây xáo trộn trong nền kinh tế truyền thống.
Nhưng mức lương thực tế tại Anh lại giảm
Bởi vậy, hiện nhiều nước đang theo dõi khá sát sao việc chính phủ Anh sẽ xử lý thế nào với bản dự thảo cho ngành kinh tế chia sẻ. Hiện bản dự thảo này quy định những người lao động trong ngành này sẽ được luật pháp công nhận là “nhà thầu bên thứ 3” nhằm định nghĩa rõ ràng hơn mối quan hệ trong ngành, qua đó có những điều luật bảo hộ cho người lao động.
Bằng biện pháp này, các điều luật tồn tại trước đó tại Anh có thể được áp dụng lên ngành kinh tế chia sẻ cũng như khiến các nhà hoạch định chính sách dễ dàng áp đặt các quy định dựa trên hệ thống luật pháp hiện hành đối với người lao động trong ngành.
Theo đề nghị của những người hoạch định dự thảo, người lao động trong ngành kinh tế chia sẻ, hay nhà thầu phụ thuộc bên thứ 3 có quyền đòi hỏi ngày nghỉ phép có lương cũng như các khoản trợ cấp ốm đau. Họ cũng có quyền được đòi hỏi các lợi ích chính đáng của một nhân viên toàn thời gian nhằm phục vụ cho công việc kê khai thuế.
Như vậy, những công ty trong ngành như Uber sẽ phải đối mặt với các khoản chi phí đóng bảo hiểm lao động, an sinh xã hội… vốn hay bị những hãng này lảng tránh.
Những nhà hoạch định chính sách tại Mỹ hiện đang theo dõi khá sát sao tình hình tại Anh khi trong bộ luật của họ hiện nay mới chỉ có 2 trạng thái việc làm là ông chủ và nhân viên được thuê, trong khi những lao động ngành kinh tế chia sẻ lại không hoàn toàn thuộc bên nào. Chính điều này khiến những quy định về bảo hiểm, tiền lương tối thiểu… tại Mỹ trở nên khó áp dụng cho những lao động nằm giữa 2 trạng thái này.
Trong khi số lao động không có hợp đồng đang ngày càng tăng
Các công ty hoạt động trong ngành cũng nhấn mạnh rằng họ không thể trả lương tối thiểu theo giờ khi lao động của họ có thể đăng nhập hay làm việc bất cứ khi nào họ muốn mà không phải tuân theo quy tắc gì.
Trước tình hình này, bản dự thảo của chính phủ Anh cho rằng nếu những công ty thanh toán bởi số lượng công việc hoàn thành thay vì giờ giấc thì mức lương tối thiểu có thể được quy định dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu.
Cụ thể, các công ty này sẽ phải phân tích số liệu làm việc bình quân của mỗi lao động và trả một mức lương tối thiểu. Tất nhiên trong trường hợp những lao động này hoạt động khi mùa vụ thấp hoặc quá ít khách hàng, họ có thể không nhận được mức lương tối thiểu nào cả.
Sau thông báo trên của chính phủ Anh, cả 2 hãng lớn nhất trong ngành kinh tế chia sẻ ở xứ sở sương mù này là Uber và Deliveroo đều phản ứng khá thận trọng. Công ty Uber, hãng có 40.000 lao động tuyên bố các nhân viên của hãng nhận được tối thiểu 15 Bảng Anh/giờ trong năm 2016 và sắn sàng chào đón bất cứ điều khoản nào có lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là các công đoàn lại phản đối bản dự thảo này tại Anh và cho đó là 1 bước lùi. Theo đó, việc không ép buộc các công ty trong ngành kinh tế chia sẻ phải tuân thủ luật lao động truyền thống mà phải xây dựng một trạng thái làm việc khác cho người lao động sẽ khiến sự việc trở nên phức tạp hơn và có vẻ thiên hướng bảo vệ những hãng này.
Thậm chí, những công ty này vẫn có thể từ chối trả lương tối thiểu và phớt lờ các quy định với nhiều lý do khác nhau mà không còn phải lo ngại việc bị kiện tụng vì không tuân thủ luật pháp nữa.
“Liệu bản dự thảo luật này có làm thay đổi được điều gì không? Nếu không thì chúng chẳng có tác dụng gì nhiều ngoài việc cảnh báo các công ty ngành kinh tế chia sẻ”, luật sư Suzanne Horne của hãng luật Paul Hasting nói.