'Anh trai vượt ngàn chông gai' chặng Hưng Yên quá hot, Giám đốc Sở cấp phép cũng không mua được vé
Ngày 21/11, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho hay Chỉ thị 30 quy định rõ trách nhiệm của Bộ VHTT&DL và cả các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, nhất là địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp văn hóa . Đây là bước để nâng cao nhận thức xã hội về phát triển CNVH, khuyến khích trách nhiệm xã hội về CNVH, đồng thời thay đổi cách làm của ngành VHTT&DL.
“Đời sống vật chất tăng nhưng nhu cầu vật chất của người dân có hạn, không ai có thể ngủ cùng lúc trên hai cái giường, đi cùng lúc hai chiếc xe, ăn một ngày quá nhiều bữa. Nhưng nhu cầu về đời sống tinh thần thì vô hạn, điều đó mở ra dư địa lớn để làm văn hóa”, Thứ trưởng nói. Ông dẫn chứng, Hà Nội có nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu thu hút rất nhiều khách, nhiều tiền. Các ngành điện ảnh, phần mềm sáng tạo, thiết kế cũng có nhiều khởi sắc. Các ngành CNVH đóng góp 4,04% tổng GDP.
Mới đây, có nhiều đoàn là nhà làm phim, doanh nghiệp du lịch trên thế giới đến Việt Nam, trong đó có 17 nhà làm phim cam kết đến Việt Nam làm phim trong năm tới vì bối cảnh hiếm gặp, văn hóa đặc sắc, nhân lực giá rẻ, nhiều chuyên gia giỏi, tiềm năng lớn về điện ảnh.
“Khi trò chuyện, tôi được biết có hãng phim sản xuất quần áo, trang phục mỗi ngày cho ra một triệu sản phẩm cung cấp cho các bộ phim trên thế giới. Điều đó chứng tỏ ngành CNVH phát triển mạnh mẽ, dư địa còn rất lớn, chúng ta phải thay đổi cách làm”, ông Phong lưu ý.
Thứ trưởng chia sẻ thêm thời gian gần đây một số chương trình, sự kiện âm nhạc ra mắt và rất thành công, điển hình Anh trai vượt ngàn chông gai . Trong đêm diễn tại Hưng Yên vào giữa tháng 12, chương trình này bán hàng chục nghìn vé, với giá lên tới 8 triệu đồng/vé vẫn “ cháy hàng”.
“Ngay cả Giám đốc Sở VHTT&DL Hưng Yên, người cấp phép cho chương trình bây giờ mua vé vẫn không có, dù chương trình toàn người Việt biểu diễn. Điều đó chứng tỏ nhu cầu kinh tế văn hóa là nhu cầu có thật, hấp dẫn”.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai phát triển các ngành CNVH. Bên cạnh đó đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.