ẢNH: F0 nặng và nguy kịch ở Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối áp lực "giành giật sự sống" cho bệnh nhân
Hà Nội hiện có hơn 500 F0 nặng và nguy kịch. Tại bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19, các bác sĩ nỗ lực "giành giật sự sống" cho bệnh nhân.
Sở Y tế Hà Nội ngày 12/1 ghi nhận kỷ lục 2.965 bệnh nhân Covid-19 tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố hiện có 53.315 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218 ca), các bệnh viện của Hà Nội (3.157 ca), các cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.335 ca), các cơ sở thu dung quận, huyện (5.820 ca), theo dõi cách ly tại nhà (42.652 ca). Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 294 ca
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cập nhật đến chiều 12/1, Hà Nội có 2.091 bệnh nhân mức độ trung bình; 505 bệnh nhân cấp độ nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 443 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 18 trường hợp phải thở oxy dòng cao HFNC; 10 trường hợp thở máy không xâm lấn; 34 trường hợp thở máy xâm lấn
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện trở nên căng thẳng hơn, số lượng F0 ngày càng gia tăng. Đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine, tỉ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Tuy nhiên, khi số lượng F0 nhiều thì bệnh nhân nặng nhiều theo. Mỗi ngày, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội tiếp nhận 20 - 30 F0 trong tình trạng nặng. Đến nay, bệnh viện có gần 200 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số này, 40-60 người phải thở máy
"Đa số bệnh nhân nguy kịch chưa được tiêm vaccine, số ít chỉ mới tiêm 1 mũi. Họ đều lớn tuổi từ 80 - 90, hoặc sát 100, nhiều bệnh nền, càng điều trị càng nặng", bác sĩ Hải nói và khuyến cáo các cụ già nhiều bệnh nền nên được tiêm vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Theo kế hoạch, nếu bệnh nhân gia tăng, cơ sở y tế này sẽ chuyển sang giai đoạn 3, tương ứng 500 giường điều trị, huy động đa số nhân lực phù hợp với tình hình dịch bệnh
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, mỗi ca làm việc có 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng, kéo dài 12 tiếng. R13 và R14 là khu vực chăm sóc đặc biệt, chuyên điều trị các bệnh nhân tầng nặng và nguy kịch. "Số lượng ca nặng tăng nhanh, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 20-30 bệnh nhân". Theo điều dưỡng Phương, nhân lực được chia thành 2 đội. Đội một ở trong phòng bệnh trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Đội còn lại ở ngoài điều phối, xử lý thông tin tại trung tâm điều hành qua vách ngăn phòng dịch. Hệ thống camera giám sát có thể theo dõi đến từng giường của các bệnh nhân. Trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ ở bên ngoài cũng có thể lập tức vào bên trong
Ở bảng theo dõi trung tâm hiển thị những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân gồm mạch, nhiệt độ, nhịp tim, chỉ số SpO2 và huyết áp động mạch
Với lượng bệnh nhân đông, các y bác sĩ xác định Tết này làm việc như ngày thường, trực 100% nhân lực
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên cho biết, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng, nhất là những cụ già yếu chưa được tiêm vaccine. Những trường hợp này, một khi đã mắc Covid-19, thì diễn biến rất nặng. "Trong bệnh phòng chúng tôi rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc Covid-19 qua người thân và những người xung quanh", bác sĩ Nguyên thông tin, mỗi ngày tại bệnh viện có 2 - 4 ca nguy kịch diễn biến tử vong, khiến các bác sĩ chịu áp lực rất lớn
Theo bác sĩ, các bệnh nhân hồi sức tích cực phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới được xuất viện. Sau khi khỏi bệnh, họ sẽ được chuyển sang khu vực hậu Covid-19 để tiếp tục được chăm sóc phục hồi. Từ đó, giảm gánh nặng cho trang thiết bị và nhân lực tại khoa hồi sức tích cực. "Muốn tỷ lệ tử vong thấp thì mục tiêu phải giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng và bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền. Hoặc các giải pháp như tiêm vaccine tại nhà hạn chế đi lại và phòng bệnh cho người già, thực hiện 5K", bác sĩ Nguyên khuyến cáo
Dự báo số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện đã có kế hoạch 1.500 nhân viên tham gia điều trị F0, trong đó có các y bác sĩ từ Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội và một số bệnh viện khu vực miền Bắc. "Một bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp cứu đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy", bác sĩ Hải cho hay
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Hà Nội nên bỏ "đếm" ca Covid-19 mỗi ngày, không nên tập trung truy vết và không làm đồng loạt nữa. Thay vào đó, thành phố nên tập trung vào các ca bệnh nặng và nguy kịch, để giảm tình trạng chuyển nặng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Bác sĩ khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19, trong dịp Tết sắp tới, người dân nên sống chậm hơn, quây quần bên gia đình thay vì tham gia các hoạt động vui chơi